Năm 2010, lần đầu tiên tôi đến đảo Bình Ba. Từ đất liền qua đảo phải đi bằng ghe gỗ, mất khoảng 1 giờ di chuyển trên biển.
Khi đó, ấn tượng của tôi về hòn đảo này thật khó quên với khung cảnh hoang sơ đẹp như tranh vẽ, những món hải sản tươi ngon, cùng những con người sống với nhau thật thà, chân chất, hiền hậu và mến khách đến lạ.
Ấn tượng ấy đậm nét đến nỗi tôi đã nán lại một đêm để thực sự hòa mình vào đời sống của người dân trên đảo.
Một góc đảo Bình Ba, xã Cam Bình, TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Bình Ba là hòn đảo đẹp mê hồn, nhiều người ví là "hòn đảo giàu có" cả về kinh tế và tình cảm.
Gia đình bà Bốn ở thôn Bình Ba Đông đã nồng nhiệt mời tôi về nhà ở. Một vài thanh niên trong thôn rủ tôi tắm biển ở Bãi Nồm - bãi nổi tiếng nhất ở Bình Ba, với bờ biển sạch, làn nước trong xanh nhìn thấy đáy. Tối hôm đó, chúng tôi ngồi với nhau bên bờ biển, uống vài lon bia và thưởng thức món mực lá hấp mà tôi chưa bao giờ thấy ngon đến thế...
Một góc đảo Bình Ba nhìn từ biển vào với những ngôi nhà khang trang nằm san sát nhau.
Đến nay, đảo Bình Ba đã có nhiều thay đổi, đi lại dễ dàng hơn, chỗ ăn, chỗ nghỉ cũng thuận tiện nhiều… Mỗi lần đến đây, tôi thường ghé nhà ông Hồ Văn Na.
Ông Na có lối kể chuyện rất duyên cùng kiến thức sâu rộng về vùng đất và con người nơi đây. Qua lời kể của ông Na, Bình Ba có từ những năm 1820. Khi đó, có 3 người đàn ông quê ở Bình Định chở muối vào Nam đi buôn. Khi thuận buồm xuôi gió hay khi thiên tai, bão táp, họ đều ghé hòn đảo này làm nơi nghỉ chân giữa đường.
Trong một lần chở muối, 3 người gặp sóng lớn, đánh vỡ tàu, may dạt vào hòn đảo này mà sống sót. Thế là họ quyết định về quê đưa cả gia đình đến đây lập nghiệp. Từ đó, họ đặt tên cho hòn đảo là Bình Ba, ý nói có 3 người từ Bình Định đến lập nghiệp.
Trò chuyện với ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình và tâm sự về con người nơi đây, mới thấy sự hiền hòa và mến khách của họ đến nhường nào. Chỉ cần có khách từ đất liền đến, người dân sẵn sàng mời họ tới nhà ăn uống và nghỉ lại.
Sự thật thà, cởi mở của người Bình Ba khiến khách không còn cảm giác lạ lẫm, xa cách. Chính người lính trẻ biên phòng Nguyễn Ân gần 30 năm trước đã cảm mến vùng đất và con người nơi đây mà quyết định ở lại lập nghiệp sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
“Yến sào Hòn Nội, vịt lội Ninh Hòa, tôm hùm Bình Ba, nai khô Diên Khánh, cá tràu Võ Cạnh…”. Câu ca dao này rất nhiều người biết. Vì vậy, khi nhắc đến Bình Ba, người ta nghĩ ngay đến con tôm hùm, không chỉ bởi hòn đảo này có đến 90% hộ nuôi tôm hùm, mà còn bởi tôm hùm ở đây ngon không nơi nào sánh bằng.
Người dân đảo Bình Ba mỗi năm thu hoạch gần 300 tấn tôm hùm.
Từ mấy chục năm nay, ngư dân nơi đây nhờ nuôi con tôm hùm mà xây được nhà cao cửa rộng. Theo báo cáo của UBND xã Cam Bình, thống kê sơ bộ cho thấy, hiện nay, toàn xã có hơn 10.000 lồng tôm hùm (chủ yếu ở đảo Bình Ba).
Sản lượng tôm xuất bán trong năm 2022 ước đạt 270 tấn. Với giá bán khoảng 1,3 triệu đồng/kg tôm hùm bông và 900.000 đồng/kg tôm hùm xanh đã mang lại thu nhập cho người dân nơi đây cao hơn cả các phường trung tâm trong đất liền của TP. Cam Ranh.
Nếu không có thiên tai, dịch bệnh thì mỗi năm, gia đình nuôi nhiều có thể thu được vài tỷ đồng, gia đình ít cũng vài trăm triệu đồng. Tiền lời từ nuôi tôm, người dân tái đầu tư, thả thêm lồng và trang trải cuộc sống, xây dựng nhà cửa.
Người dân đảo Bình Ba vui mừng vì được mùa tôm hùm.
Chỉ những ngôi nhà khang trang trên đảo, ông Nguyễn Văn Tưởng (thôn Bình Ba Đông) cho biết, để xây một ngôi nhà trên đảo, chi phí tốn gấp hơn 2 lần xây ở đất liền. Toàn bộ vật liệu xây dựng phải vận chuyển bằng tàu gỗ từ đất liền qua; nước ngọt để trộn vữa xây nhà cũng phải vận chuyển qua đảo; thợ xây cũng phải thuê ở đất liền ra với chi phí cao.
Thế nhưng, từ đầu ngõ đến cuối xóm, từ Bình Ba Đông đến Bình Ba Tây, đâu đâu cũng thấy nhà cửa khang trang, rộng lớn, tiện nghi đủ đầy. Tất cả đều nhờ con tôm hùm, nhờ thiên nhiên ưu đãi…
Rời đảo Bình Ba trong chuyến công tác cuối năm 2022, tôi cảm thấy ấm lòng, bởi thời gian có thể làm thay đổi nhiều thứ, nhưng con người Bình Ba vẫn “giàu” như thế!