Bí ẩn về nguồn gốc tộc người Đàng Hạ ở tỉnh Khánh Hòa (Bài 1): Dân biển mà không biết đánh cá

Công Tâm Thứ ba, ngày 23/11/2021 06:15 AM (GMT+7)
Tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) có một tộc người thiểu số Đàng Hạ. Tộc người có nguồn gốc còn bí ẩn này chưa có trong danh sách các dân tộc của Việt Nam. Điều kỳ lạ, tộc người Đàng Hạ sống ngay sát biển hàng trăm năm nhưng không biết đánh bắt cá, lấy nước ngọt không cần giếng.
Bình luận 0

Tộc người Đàng Hạ có nguồn gốc bí ẩn

Chúng tôi về xóm Sơn Đừng, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) vào một này nắng đẹp, biển êm. 

Vừa đặt chân đến xóm Sơn Đừng, qua quan sát của chúng tôi nơi đây cảnh vật như một bức tranh tuyệt đẹp vừa hoang sơ nhưng lại lãng mạn.

Tộc người Đàng Hạ còn bí ẩn về nguồn gốc, chưa được định danh với những căn nhà ở xóm Sơn Đừng được đặt vào không gian vừa lãng mạn cuốn hút, vừa hoang sơ khiến nhiều người tò mò.

Có một sự thật là quá khứ của tộc người Đàng Hạ ở xóm Sơn Đừng, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho đến giờ vẫn còn "Tù mù' nếu biết về nguồn gốc bộ tộc được xem khác nhất của Việt Nam không hề đơn giản. Chỉ biết rằng, họ khác biệt rõ nhất so với người Kinh từ giọng nói, dáng đi, khuôn mặt.

Chuyện "bí ẩn" về xóm biển Sơn Đừng ở Khánh Hòa  - Ảnh 1.

Ông Đinh Văn Trớt, tộc người Đàng Hạ ở xóm Sơn Đừng, xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) đang lấy nước ngọt trên mặt cát. Điều kỳ lạ là dòng nước ngọt chảy quanh năm trên mặt cát ở xóm Sơn Đừng, mặc dù nơi đây không có sông và suối. Ảnh: C.T

Cho đến thời điểm hiện nay, có nhiều giả thuyết cho rằng, gốc người Đàng Hạ xưa kia là những ngư dân Indonesia trên đường hành nghề đánh bắt hải sản trên biển, gặp cơn bão giữa khơi xa xô đẩy, trôi dạt vào những đảo nhỏ ở Vạn Thạnh. 

Sau nhiều ngày lang thang, họ đã tìm thấy nước ngọt ở xóm Sơn Đừng nên dựng chòi, hái rau quả và sinh cơ lập nghiệp ở đó cho tới ngày nay.

Lại có truyền thuyết nói rằng người Đàng Hạ vốn là một nhóm người dân tộc thiểu số nào đó ở miền núi tỉnh Bình Định. Do chiến tranh loạn lạc đã khiến họ phiêu bạt về xóm Sơn Đừng-mảnh đất ngay sát biển của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Các bậc cao niên trong xóm Sơn Đừng thì nói, đến giờ này người Đàng Hạ từ đâu tới, là dân tộc gì, có liên quan đến ai vẫn còn là một ẩn số. 

Duy nhất chỉ một điều có thể biết khá chắc chắn là người Đàng Hạ đặt chân đến xóm Sơn Đừng cách đây khoảng trên dưới 300 năm. Trải qua hàng trăm năm cư trú ở Sơn Đừng, truyền đời nhiều thế hệ, nên nhìn thoáng qua người Đàng Hạ cũng giống như người Kinh. Trong giấy chứng minh thư, sổ hộ khẩu, thẻ cử tri…đều xác định họ là dân tộc Kinh.

Clip:  Người dân Đàng Hạ thường kể về ký ức xa xôi của những ngày đầu đến xóm Sơn Đừng, xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) đốt củi, giữ lửa để sinh tồn...

Theo nhà nghiên cứu dân tộc học Trần Việt Kỉnh ở tỉnh Khánh Hòa, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu dân tộc học, xã hội học nào chứng minh và khẳng định người Đàng Hạ từ đâu đến Sơn Đừng và họ đã cư trú ở đây từ khi nào. 

Cũng theo ông Trần Viết Kỉnh, đến khoảng cuối năm 1990, ở Sơn Đừng chỉ có 36 nhân khẩu người Đàng Hạ, sống trong 7 nóc nhà. Gọi là nhà, kỳ thực ấy là những túp lều trên cát, được dựng bằng hai mảng lá cây lơ thơ ghép lại.

Người Đàng Hạ ở xóm Sơn Đừng kể một câu chuyện kỳ lạ, gần biển không có con sông, không có con suối nào mà mặt cát vẫn có nước ngọt chảy. Chỉ cần thủy triều xuống, chỉ cần đào trên cát một hố nhỏ là lập tức có nước ngọt, một thứ nước ngọt tinh khiết chảy ra.

Và nước ngọt ở xóm Sơn Đừng lại gắn liền với một chuyện “nghe kể” khác. Chuyện rằng, một năm nọ, thời những người Đàng Hạ chưa có họ. Vua Gia Long (lúc đó còn chưa lên ngôi) trên đường bị quân Tây Sơn truy đuổi đã dạt vào bán đảo Sơn Đừng. 

Trong lúc quẫn bách, vua Gia Long cầu khấn thần linh xin được giúp đỡ thức ăn, nước uống. Tức thì, ngoài khơi có một luồng cá lớn chạy vào. Còn trên bãi cát, cách mép nước biển chừng vài gang tay, binh sĩ đào xuống một hố nhỏ, nước ngọt trào ra lênh láng, tha hồ ăn uống, tắm giặt.

Ông Đinh Văn Trớt, cư dân Đàng Hạ cho biết: "Bà con nơi đây trước kia cuộc sống rất khó khăn nên chủ yếu dùng tay moi cát lấy nước ngọt. Cứ đào sâu khoảng 10 – 20cm là thấy nước ngọt. Đào hố rồi để ít phút chờ nước trong rồi lấy nước cho vào can nhựa và mang đi rẫy để uống. Nhưng trãi qua thời gian, nhiều hộ gia đình đã đào giếng và mua nước ngọt về sử dụng nên mạch nước này dần dần bị lãng quên".

Người Đàng Hạ đi chợ bằng gùi, đội nón mo cau

Được người dân chỉ dẫn chúng tôi tiếp tục đến nhà ông Đinh Văn Trớt (60 tuổi, người Đàng Hạ, xóm Sơn Đừng).

Ông Trớt cho biết: "Ở đây người dân vẫn gọi tôi là chủ làng, bởi những người lớn tuổi như tôi và hiểu chuyện chỉ tính trên đầu ngón tay. Tôi sống từ nhỏ ở đây, các bậc tiền bối kể rằng tộc người Đàng Hạ có từ hàng trăm năm trước. Nhưng thật chất, nguồn gốc đến bây giờ vẫn chưa xác định được từ đâu...". 

Chuyện "bí ẩn" về xóm biển Sơn Đừng ở Khánh Hòa  - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Như (xóm Sơn Đừng, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) đang kể về cuộc sống của người Đàng Hạ mới ngày đầu bà con lập nghiệp. Ảnh: C.T

Ông Trớt kể: "Người dân xóm Sơn Đừng, ở thôn Đầm Môn vẫn nhớ câu hát về Sơn Đừng cùi, dân Sơn Đừng đi chợ bằng gùi, đội nón mo cau. Dân nơi này từ khi lập xóm mặc dù ở gần biển nhưng hầu như không ai biết đi biển đánh bắt cá mà chỉ đi lên núi chặt củi, hầm than và trồng củi khoai, củ sắn để sinh sống qua ngày. Khi có được những bó củi khô hoặc nông sản trên rừng thì mang đi đổi lấy gạo về ăn và chiếc nón mo cau luôn luôn gắn bó với người dân mỗi khi đi làm".

Chuyện "bí ẩn" về xóm biển Sơn Đừng ở Khánh Hòa  - Ảnh 4.

Các thanh niên trong xóm Sơn Đừng, xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) giờ đã biết đi biển đánh bắt hải sản. Ảnh: C.T

Bà Nguyễn Thị Như (69 tuổi, người Đàng Hạ xóm Sơn Đừng) cho hay, ngày xưa cuộc sống ở đây khổ lắm. Dân không có nghề gì làm đâu, quanh năm chỉ biết đi hầm than kiếm sống. Dần dần hết cây và nhà nước không cho hầm than nên một số người mới tập tành đi làm nghề biển, tập đánh bắt hải sản. Gia đình con cái lại đông, kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc đi học chỉ đi bộ rất vất vả nên hầu hết các gia đình đều cho con nghỉ học sớm.

Theo bà Như, người Đàng Hạ xóm Sơn Đừng rất dễ dàng nhận biết với các đặc điểm, nước da ngăm đen, tóc xoăn, mũi tẹt, môi dày, cặp mày rậm rạp và bàn chân to bè khác người. Đặc biệt cặp mắt của người nào ở xóm Sơn Đừng cũng có màu đồng. 

Khoảng 20 năm trước, nếu ai muốn đến xóm Sơn Đừng này để thăm người thân thì chỉ có thể đi lại bằng hai cách. Một là lội bộ với quảng đường dài khoảng 7km vượt qua các đồi cán mịn. Hai là dùng ghe đò dong theo bờ biển mà đến Tuy nhiên, ghe đò ngày xưa rất hiếm, lâu lâu mới có một chuyến nên việc đi lại ở xóm Sơn Đừng vẫn chủ yếu là lội bộ qua các triền cát...

"Xóm này không có con sông, không có suối, không có chợ mà hàng trăm năm qua người dân vẫn tồn tại và duy trì qua nhiều thế hệ. Bây giờ cuộc sống cũng có phần tạm ổn hơn trước nên người dân Đàng Hạ như chúng tôi ai cũng mừng" – bà Nguyễn Thị Như chia sẻ.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem