Dân Việt

Dòng sông dài 120km bắt nguồn từ Gia Lai chảy vào Phú Yên, trên có cầu gỗ Ông Cọp, dưới có cá mương, cá chình

Duyên Duyền 04/03/2023 08:05 GMT+7
Sông Kỳ Lộ chảy từ phía đông Trường Sơn đến xã An Dân (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), dòng tách làm hai nhánh mang hai cái tên riêng biệt: sông Vét, sông Phú Ngân, rồi hợp lại với nhau phía thượng lưu cầu Ông Cọp và đổ ra vịnh Xuân Đài.

Gieo neo đầu nguồn

Phía thượng nguồn của dòng sông là địa bàn xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), gồm một con suối cấp 1 La Hiêng, hai dòng suối cấp 2: Bà Đài, Bà Bung. 100% dân số của xã Phú Mỡ là người đồng bào Ba Na, Chăm Hroi. 

Họ chăm chỉ làm lụng, thật thà và có một nền văn hóa đậm đà bản sắc với nhiều lễ hội như lễ tạ ơn cha mẹ, lễ bỏ mả, lễ tạ ơn thần lúa, lễ đâm trâu (Ba Na), lễ cầu mưa, múa trống đôi (Chăm Hro).

Nhưng cũng giống nhiều tiểu vùng của đất nước, chỗ nào người Kinh không muốn đến khai hoang, lập nghiệp, chỗ đó có nhiều khó khăn bất tiện đủ bề. 

Cây cối ở đây cằn cỗi, đất núi khô nung, con chó chạy trên đỉnh núi vẫn nhìn thấy chân nó, vì rừng đã qua nhiều mùa nương rẫy không kịp tái sinh. Dòng sông chảy trong mùa khô nước trong leo lẻo, rõ tận đáy sông, đá cựa cũng hay, viên sỏi “giật mình” choàng tỉnh trôi theo dòng nước cũng biết. Mọi thứ ở đây hình dung như người nắm cát trên đầu ngón tay, không giữ được, sẽ tuột đi.

Dòng sông dài 120km bắt nguồn từ Gia Lai chảy vào Phú Yên, trên có cầu gỗ Ông Cọp, dưới có cá mương, cá chình - Ảnh 1.

Cầu Ông Cọp - cây cầu gỗ dài độc đáo bắc qua sông Kỳ Lộ, tỉnh Phú Yên.

Càng đứng lâu bên bờ sông, càng nghĩ rằng sông không có cá tôm. Dòng nước trong quá, bờ sông sạch sẽ quá, đôi khi đồng nghĩa với chuyện nghèo quá, có khi không có tiền để mua quà ăn vặt nên rác cũng hiếm gặp - đó là độ sạch sẽ mà ít con sông nào còn giữ được đến ngày hôm nay.

Sau một ngày làm lụng, La Lan Nam, thôn Phú Tiến (Phú Mỡ), ra sông gột rửa búi đất, kể: “Dưới sông này có cá mương, mầu cá đen như mầu nước, cá không cắn câu, chỉ có đánh lưới mới bắt được nó thôi”. 

Tôi gật gù, cá mương ở đây ngon lắm, tôi đã được thưởng thức trong chuyến về thị trấn La Hay của huyện, cá được nướng than, mùi thơm đánh động vào dây thần kinh ăn uống, hai hàm răng như bờ kè đá gặp ngày nước tràn về, chao ôi là ướt nhẹp. Món cá nướng này ăn kèm bánh tráng với lá xanh các loại, chấm muối ớt hoặc chấm mắm cũng rất ngon lành.

Trở lại với bờ của dòng sông. Bên này là bãi bờ cát sỏi sau mùa lũ nằm lại bên sông và nhô ra lấn dòng chảy, bên kia bờ dựng đứng vài mét cũng chỉ thấy cát lở chòi rễ cây. Cuộc sống không những chỉ người mà đến cái cây, chỉ nhìn thôi cũng thấy gieo neo, khắc khổ.

Trưởng thôn Phú Lợi La Lan Kia kể rằng, có những trường hợp người bệnh trở nặng trong lúc mưa to, suối lũ không thể đưa người bệnh qua sông dù Đoàn thanh niên đã cố gắng, đành chịu thua cuộc dòng nước. 

Đó là trường hợp của cô La Lan T.C. ốm nặng, chữa khỏi, xuất viện về nhà được một thời gian thì bệnh tái phát. Bà La Lan Thị Thương mẹ của cô gái rơm rớm nước mắt, ngậm ngùi nhớ lại: “Nước chảy cuồn cuộn, đục ngàu, nhìn hết hồn. Lỡ mà người ta đưa con tui qua sông cũng không qua nổi. Lỡ mà dòng nước cuốn trôi người ốm cùng với người khỏe theo dòng. Rồi bà con lại phải cất công đi tìm thi thể. Tội nghiệp lắm!”.

Việc đi lại khó khăn giữa các thôn, bản và xã trước đây, nay cũng đã tạm lùi vào quá khứ nhờ những chính sách xây dựng nông thôn mới và các Chương trình 134-135 cho vùng đồng bào miền núi khó khăn. Tuy nhiên, cuộc sống đủ gạo ăn cũng chỉ tính được ở các thôn Phú Giang, Phú Tiến, Phú Lợi nhờ có 66ha ruộng thâm canh hai vụ, còn lại vẫn là trồng cây sắn, cây mía, nuôi bò cỏ.

Tạm biệt Phú Mỡ trong một buổi chiều mưa. Mưa cuối năm mang theo hơi lạnh của núi rừng và một cảm giác ấm áp rằng, Phú Mỡ giống như một ốc đảo gần như biệt lập và rất giàu văn hóa bản địa và nhiều thác nước đẹp trên các dòng suối. Chỉ cần khởi phát lên một điểm đến mới cũng sẽ tạo ra một mùa mới - mùa du lịch cộng đồng nơi đây.

Sông luôn giang tay chào đón

Mỗi lần đi công tác vào Phú Yên, khi đi qua thị xã Sông Cầu là cảm xúc trong tôi lại trào dâng và luôn hướng ánh mắt dọc theo dòng sông. Bên kia là huyện Tuy An có nhà thờ Mằng Lăng cất giữ cuốn sách chữ Quốc ngữ, bên này là núi Mỹ Dự có miếu thờ Ông Cọp.

Chuyện đường rừng ven biển khi xưa với non xanh nước biếc hoang sơ, ngày gặp mưa tối mặt, đêm đen đặc quánh cần phải dựa vào những phán đoán, trực giác của mình để mở lối, lần đường và tên gọi Ông Cọp cũng chỉ để đánh dấu chặng đường. 

Nay tên gọi đó đã có một miếu thờ, một cây cầu gỗ kết hợp với lan can là tre cho người và xe máy qua sông Kỳ Lộ dễ dàng, rút ngắn khoảng cách đi lại của người dân hai bên bờ sông.

Cầu Ông Cọp nối thôn Bình Thạnh (phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) sang xã An Ninh Tây (huyện Tuy An). Cầu rộng 1,5m và dài khoảng 400m, ở đầu cầu bên phía Bình Thạnh thiết lập một trạm thu phí.

Phú Yên, Bình Định được gọi là xứ Nẫu. Có một lần tôi về nhà bạn Huỳnh Thị Thảo ở xứ đạo Mằng Lăng - là xứ đạo nổi tiếng nằm bên dòng Phú Ngân (hạ lưu sông Kỳ Lộ). Trong cuộc hội ngộ bạn bè từ trong Nam về quê, từ Đà Nẵng vào thăm, chúng tôi tham khảo bạn Thảo về tên xứ sở của bạn, sao lại gọi là xứ Nẫu? 

Thảo cười: “Càng giải thích, càng cừ (càng cười). Anh hiểu ra răng cũng mược (mặc)”.

Anh Nguyễn Văn Thịnh quê gốc phố Bình Thạnh (phường Xuân Đài) nói rằng, chuyện không có nhưng xứ này nói có, ví như ngày nhỏ nghe kể ngày xửa ngày xưa có đàn cọp về bên bờ sông này bắt cá dưới sông, tôi cứ tin đó là điều có thật. Rồi chuyện đảo Cù Lao Xanh nhìn ngang nó thuộc về Phú Yên nhưng biên chế hành chính nó thuộc về Bình Định.

Chuyện kể rằng, ngày xưa có hai đoàn thuyền được vua truyền lệnh ra đảo, một đoàn thuyền xuất phát từ thành phố Quy Nhơn, một đoàn thuyền xuất phát từ thị xã Sông Hinh, đích đến là đảo Cù Lao Xanh, đoàn thuyền bên nào đến trước thì hòn đảo thuộc về tỉnh đó. Đoàn thuyền của Phú Yên thua cuộc vì chèo ngược dòng hải lưu. 

Anh Thịnh cho rằng: “Nhỏ thì tôi tin như vậy. Lớn lên, đi học, đi xa tôi nghĩ lại và cho rằng, đó là những câu chuyện nẫu ruột. Nên danh xưng xứ Nẫu, có thể nó là như vậy”.

Đi trên cầu Ông Cọp, nhìn dòng sông Kỳ Lộ xanh biếc như một món quà tặng hết sức quyến rũ của thiên nhiên. Thiên nhiên không đòi lại quà mà chỉ mong người sống bên dòng sông đó thịnh vượng. Nhưng cuộc sống đôi bờ vẫn chưa thịnh vượng, chưa náo nhiệt, chưa đông người bởi khách chỉ đi qua, dừng chân, rồi lại đi qua.

Đêm vẫn là đêm của ông Cọp bên dòng Bà Đài (một tên gọi khác của sông Kỳ Lộ). Đầu nguồn sông Kỳ Lộ có cá mương, cuối nguồn có cá chình. Những ngày cuối năm là mùa cá chình tìm về cửa sông êm đềm để đẻ trứng. 

Cá chình non lại theo dòng nước trong vắt trở lại thượng nguồn. Nhiều người dân bên sông thả vó bắt cá chình non bán cho những chủ ao đìa nuôi cá thương phẩm.

Về dòng sông Kỳ Lộ, tôi chưa có một chuyến đi an nhàn thảnh thơi. Thường hoặc là về Tuy Hòa, hoặc qua Quy Nhơn, thời gian hối thúc. 

Sông Kỳ Lộ vẫn vừa quen vừa lạ, vừa để lại những gì luyến tiếc. Song lại nghĩ, sông luôn giang rộng vòng tay chào đón mỗi tháng ngày, chỉ có mình là ích kỷ, cứ vội vội vàng vàng như sợ cọp đuổi, hổ vồ.

Sông Kỳ Lộ bắt nguồn từ Gia Lai và chảy trong vùng núi phía bắc tỉnh Phú Yên có độ dài 120km. Đây là dòng sông mà một thời đã gắn với những làng nghề nổi tiếng: lụa Ngân Sơn, tơ tằm An Định, gốm Quảng Đức, làng làm thúng chai An Dân… Nhưng thời gian qua đi, thuyền buôn không ghé lại, làng nghề thất truyền, người có nghề tìm miền đất mới, người ở lại cũng chuyển đổi sang việc khác kiếm sống.