Nguyệt Hồ thắng cảnh, bức tranh cổ về Phố Hiến ở Hưng Yên từng lưu lạc tận thủ đô Paris của nước Pháp

Nguyễn Khắc Hào Chủ nhật, ngày 02/10/2022 15:18 PM (GMT+7)
Cuối năm 2021, một người bạn làm đạo diễn truyền hình gửi cho tôi mấy tấm ảnh chụp bức tranh thêu mà bạn của anh có được sau một cuộc bán đấu giá ở Thủ đô Pari (Pháp) cách đây 2 năm. Bức tranh tả phong cảnh hồ Bán Nguyệt năm 1905 có tựa đề: “NGUYỆT HỒ THẮNG CẢNH”.
Bình luận 0

Chưa được nhìn tranh, trước mắt là những tấm ảnh đã khiến tôi vô cùng xúc động, một cảm giác khó tả. Trước hết là được trực diện nhìn bức tranh thêu cách đây 116 năm về hồ Bán Nguyệt mà tôi yêu mến; sau nữa là sự nhận diện phong cảnh trung tâm hành chính của Phố Hiến, Hưng Yên cách đây hàng thế kỷ.

 Xin được giới thiệu về bức tranh cổ NGUYỆT HỒ THẮNG CẢNH

Nguyệt Hồ thắng cảnh, bức tranh cổ về Phố Hiến ở Hưng Yên từng lưu lạc tận thủ đô Paris của nước Pháp - Ảnh 1.

1. Nhìn tổng quan, đây là bức tranh thêu khá tỉ mỉ tả hồ Bán Nguyệt, được thiết kế treo theo chiều dọc (kiểu tranh tứ bình); chiều rộng bằng 1/3 chiều dài, gam màu ấm. Bố cục, phần trên là một khoảng trời trong xanh in xuống mặt hồ trong vắt. Nhìn xuống dưới, Nguyệt Hồ trọn vẹn như nhìn vào không gian 3 chiều, tạo một cảm giác vô cùng bình yên. 

Phần dưới trọng tâm, tả thực hình ảnh hồ gần bằng nửa vầng trăng, chi tiết cây cối và công trình ở 3 phía bắc, đông và nam, nhưng không thấy có đảo giữa hồ. 

2. Tìm hiểu theo các Hán tự và Pháp ngữ trên tranh

Hàng chữ Hán ở trên được trang trọng đặt trong cuốn thư: “VẠN THỌ NHƯ CHƯƠNG” dịch thoát nghĩa: Vinh hiển muôn đời. Ta hiểu đây là lời chúc của người tặng được gửi gắm qua bức tranh. 

“Vạn thọ như chương” thường là lời chúc dành cho bậc quan lại (khác với các bậc vua chúa “Vạn thọ như cương”). Vẻ vang, vinh hiển… mãi mãi vững bền với đời. Phần nhiều dành cho các bậc quan văn chương hoặc yêu thích văn chương; ngoài ra chỉ công lao, sự mẫu mực, làm gương, công đức lưu truyền. 

Hàng chữ dưới, viết vào phần trong: “NGUYỆT HỒ THẮNG CẢNH” là chủ đề của bức tranh. 

Hàng chữ tiếp theo viết tiếng Việt không dấu “1905 - Hung Yen” (cũng là cách viết của Pháp ngữ). 

Tiếp xuống là 2 hàng Pháp ngữ, được dịch từng chữ: “Hồ của một nửa mặt trăng (Lac de Demi Lune)” như một lần nữa khẳng định chủ đề bức tranh, “Nguyệt Hồ thắng cảnh”. 

Qua bức tranh thêu ta có thể thấy được diện mạo, khung cảnh của vùng trung tâm thủ phủ tỉnh Hưng Yên một thời kỳ, mà ngày nay còn rất ít tư liệu lưu lại.

Khoan nói đến giá trị nghệ thuật của bức tranh. Rất rõ ràng, đây là bức tranh thêu tả cảnh Nguyệt Hồ, Hưng Yên năm 1905 để tặng cho một vị quý quan nhân dịp nào đó, hoặc một kỷ niệm nhân sự kiện nào đó. 

Nhìn xuống gần cuối hồ có đền Mẫu, tiếp đến là ngôi nhà lớn nhìn ra hồ, lá cờ thêu chữ LÊ và trên mái, phía phải là bức trương có ba chữ Hán: “ĐỐC BỘ ĐƯỜNG”.

Xin dừng lại để bàn về ngôi nhà, 3 chữ trên bức trương và vị quan họ Lê. 

Nguyệt Hồ thắng cảnh, bức tranh cổ về Phố Hiến ở Hưng Yên từng lưu lạc tận thủ đô Paris của nước Pháp - Ảnh 2.

Ta hiểu đây không phải là từ đường hay nhà thờ họ. Mà là nhà ở, đồng thời là dinh thự quan Đốc bộ họ LÊ.

Theo hệ thống quan chế, các cấp bậc quan lại trong xã hội phong kiến thì Đốc bộ là cấp bậc. Theo tác giả Tôn Thất Thọ, chức quan Tổng đốc, tuần phủ ở Việt Nam có từ thời Minh Mạng sau khi triều đình phân định địa giới và lập ra các tỉnh, thành, cứ tỉnh nhỏ thì có Tuần phủ, tỉnh lớn thì có Tổng đốc. Có khi Tổng đốc phụ trách đến 2 hoặc 3 tỉnh. 

 

Nguyệt Hồ thắng cảnh, bức tranh cổ về Phố Hiến ở Hưng Yên từng lưu lạc tận thủ đô Paris của nước Pháp - Ảnh 3.

Nguyệt Hồ thắng cảnh, bức tranh cổ về Phố Hiến ở Hưng Yên từng lưu lạc tận thủ đô Paris của nước Pháp - Ảnh 4.

Hưng Yên qua các thời kỳ, theo các tài liệu thấy có 6 vị đứng đầu tỉnh mang họ Lê: Lê Đình Kiên (1664-1704), Lê Cơ (1809 – 1891), Lê Hoan (1905-1907) Lê Trung Ngọc (1917-1921), Lê Văn Đính (1928-1929) (Theo Trịnh Như Tấu) và Lê Đình Trân (Những năm 1941 - theo Hồi ký Phạm Duy).

Xét niên đại của bức tranh này, năm 1905, đúng thời của Tổng đốc Lê Hoan. Khu dinh thự có lá cờ họ Lê là dinh đường dành cho các quan đầu tỉnh người Việt, cụ thể ở đây là nhiệm kỳ của quan Tổng đốc Lê Hoan. 

3. Theo các công trình xung quanh hồ Bán Nguyệt

Trên bức tranh, xung quanh hồ có các công trình lớn và khá đẹp, chủ yếu  theo kiến trúc Pháp. Riêng khu đền Mẫu vẫn còn đến ngày nay.  

Ngoài đền Mẫu, tác giả bài viết chưa khẳng định những công trình có trong bức tranh thêu là hiện trạng hồ Bán Nguyệt thời bức tranh ra đời. 

Trong quá trình nghiên cứu Phố Hiến, điều khó khăn nhất với chúng tôi đó là tài liệu lưu giữ về Phố Hiến thời thịnh vượng; cuộc nội chiến khi Phố Hiến chuyển sang giữ vai trò đồn binh khoảng thế kỷ XVIII; tài liệu về quá trình “Tiêu thổ kháng chiến” từ tháng 12.1946 đến tháng 12.1949; giai đoạn Pháp chiếm đóng lần 2 từ đầu năm 1950 đến ngày 5.8.1954 ta tiếp quản lại thị xã Hưng Yên và ngay cả gần đây nhất, những năm cuối 70, đầu 80 của thế kỷ XX khi người ta kỳ thị với văn hóa tâm linh, đã làm mất đi khá nhiều di sản và hiện vật của Phố Hiến. 

Giả sử những công trình trên bức tranh là có thực thì Phố Hiến đã chấp hành rất nghiêm và có thành tích tiêu thổ không nhỏ.

Tôi cùng thạc sĩ Dương Thị Cẩm đã được tiếp xúc với các bậc cao niên…; đọc những trang viết: Hồi ức của nhà giáo Nguyễn Quang Ngọc, “Hưng Yên trăm nhớ ngàn thương” (NXB Hội Nhà văn) của cụ Cao Xuân Mô kể về các công trình xung quanh hồ Bán Nguyệt, nhưng quả thật chưa thể tưởng tượng được là như thế nào, nhất là khu bắc hồ, do còn có những ý kiến khác nhau. 

Tôi nghĩ, phía đông hồ là khu đền, khu dân và quan người Việt nên có thể mọi người dễ qua lại. Còn khu phía bắc là khu các quan Tây và công sở Pháp nên ít người được tiếp xúc. 

Theo Hồi ký Phạm Duy: “Một ngày thu lạnh năm 1941, tôi ra bến xe để đáp xe hàng về Hưng Yên… Thành phố Hưng Yên bé bằng cái lỗ mũi. Nhưng cũng có một phố Khách là phố thương mại nằm trong tay người Tầu. Người Tầu cũng có cửa hàng lớn ngay phố Chợ… 

Khu hành chánh gồm có Toà Sứ, các Dinh Tuần Phủ, Thương Tá, Chánh Án nằm chung quanh hồ Bán Nguyệt là nơi nên thơ nhất của tỉnh lỵ. Hồ Bán Nguyệt đẹp không thua Hồ Gươm là mấy…”.

Như vậy, nếu theo lời kể của Phạm Duy thì những công trình có trong bức tranh là có thật, chưa biết quy mô thực thế nào, nhưng nay không còn. Một thời được sánh với Kinh Kỳ, Kẻ Chợ; qua bao nhiêu thăng trầm, chiến tranh tàn phá, kể cả con người; có người đã nói: Phố Hiến Hưng Yên, nét đẹp hoài cổ là vậy.

Về vị trí trung tâm của tỉnh lỵ, thời Phố Hiến và thời thuộc Pháp đã có nhiều phố phường, nhưng đoạn phố từ bưu điện ngày nay đến hồ Bán Nguyệt gọi là Phố Khách, là đoạn phố trung tâm, sầm uất nhất. Thời Pháp chiếm đóng lần 2 cũng xây dựng nơi đây là trung tâm tỉnh lỵ. 

Sau ngày tiếp quản năm 1954, Hưng Yên tiếp tục xác lập vị trí trung tâm và xây dựng các công trình, công sở của tỉnh tại khu vực này cho đến những năm 2000 tỉnh xây dựng khu trung tâm mới.

4. Trở lại bức tranh “Nguyệt Hồ thắng cảnh”

Bức tranh quý giá đã có thời gian rất dài lưu lạc ở nước ngoài. Tác giả và chủ nhân của bức tranh đến nay vẫn còn là ẩn số. Tác giả bài viết chỉ xin nêu một số tình tiết, sự kiện có thể có liên quan, mà không khẳng định. 

Phải chăng đây là món quà của người dân Phố Hiến tặng cho một nhân vật có công lao, chức vụ với Hưng Yên, Phố Hiến. Phải chăng đây là một tác phẩm nghệ thuật được tặng từ những doanh nhân ngoại quốc, nhân sự kiện thi thơ của Tao Đàn Phố Hiến năm 1905, hoặc sự kiện quan Tổng đốc về trị nhậm tại Hưng Yên... 

Liên tưởng đến một sự kiện lý thú trong đời sống văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cuộc thi thơ Vịnh Kiều do Tổng đốc Lê Hoan chủ trì, được tổ chức tại hồ Bán Nguyệt vào năm 1905, cụ Tam nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến là Chủ khảo, Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh lúc đó là quan Án sát Hưng Yên đã giành giải nhất với tập thơ nôm "Thanh tâm tài nhân thi tập", cùng nhiều giai thoại văn chương được truyền tụng đến ngày nay.

Theo Hữu Ngọc, trong bài viết “Nghi án: Lê Hoan, sĩ phu hay Việt gian?” (Báo Sức khỏe và Đời sống, đăng ngày 3.4.2010) thì: “Sinh nhật lần thứ 50 của Lê Hoan (1906), có nhiều sĩ phu đến dự và gửi thư chúc mừng như Vũ Phạm Hàm, Cao Xuân Dục, Kiều Oánh Mậu”. 

Tổng đốc Lê Hoan có nhiều người con, có người theo kháng chiến, có người theo con đường nghệ thuật. Ở đây xin nói đến họa sĩ Lê Phổ (1907-2001), là họa sĩ bậc thầy, với nhiều tác phẩm đắt giá. Ông được nhiều người gọi là "Danh họa Việt Nam trên đất Pháp", "cây đại thụ" trong làng nghệ thuật vẽ tranh Việt Nam, là một trong nhóm tứ kiệt trời Âu của nền hội họa Việt Nam (Phổ - Thứ - Lựu - Đàm). 

Là giảng viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, năm 1937, ông sang Paris để phụ trách gian hàng Đông Dương tại triển lãm quốc tế và định cư tại đó, và chưa một lần quay trở về quê hương, cho đến khi qua đời năm 2001 tại Paris. (Theo Wikipedia tiếng Việt).

Phải chăng, những điều đó có liên quan đến thân phận của bức tranh thêu “Nguyệt Hồ thắng cảnh” mà bạn tôi vừa mua được tại cuộc đấu giá Pari. Khi biết tôi có nhiều duyên với hồ Bán Nguyệt, bạn đã nói câu động viên “Quý vật tìm quý nhân” nhưng chỉ gửi tặng tôi mấy tấm ảnh chụp. 

Tôi nghĩ cũng là quý lắm rồi, chúng ta hiểu thêm một Nguyệt Hồ ở một thời điểm mà chúng ta rất ít tư liệu, với liên tưởng về một sự kiện văn học Việt Nam năm 1905 trên đất Phố Hiến xinh đẹp này và diện mạo khu trung tâm thị xã Hưng Yên một thời. 

Như vậy, hồ Bán Nguyệt, vẻ đẹp và vị trí trung tâm, hồn cốt của vùng Phố Hiến, Hưng Yên đã được xác lập từ lâu, không chỉ trong đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật, mà còn thể hiện ở những công trình công sở qua các thời kỳ. 

Nguyệt Hồ thắng cảnh, bức tranh cổ về Phố Hiến ở Hưng Yên từng lưu lạc tận thủ đô Paris của nước Pháp - Ảnh 10.

 

 

Mỗi vùng đất thiêng đều có một nơi dân gian gọi là huyệt đạo, mang thế phong thủy. Phải chăng hồ Bán Nguyệt cũng là huyệt đạo của Phố Hiến. Được tạo ra bởi sông Hồng, thế phong thủy sông Hồng đến đây tạo nên một vùng đất ngàn đời nay yên bình, thuận phong lợi thủy. 

Hôm nay, chúng ta đã có đầy đủ điều kiện về kinh tế, có trình độ nhận thức cao về văn hóa. “Ôn cố tri tân” (nói chuyện cũ để hiểu mới), xin có đôi điều gợi lên cho các nhà chức trách và người dân thêm thận trọng khi ra mỗi quyết định ứng xử với Phố Hiến, với Nguyệt Hồ cũng như vùng đất xung quanh hồ Bán Nguyệt. Đặng cùng nhau giữ và làm đẹp hơn cho nơi đất thiêng Nguyệt Hồ, Phố Hiến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem