Dân Việt

Nông dân Trà Vinh bội thu mùa cỏ lác-thứ vốn là cỏ dại này cứ cắt phơi bán là thu tiền

Thanh Hòa 28/02/2023 13:00 GMT+7
Nông dân trồng cỏ lác tỉnh Trà Vinh đang vào vụ thu hoạch lác Đông Xuân 2022-2023 với niềm vui, lác trúng mùa, lác bán được giá.

Cụ thể, lác nguyên liệu loại 1 dài 2 m hiện có giá 27.000 đồng/kg; loại 2 dài 1,8m giá 21.000 đồng/kg và lác loại 3 dài 1,4 m có giá 14.000 đồng/kg.

Nông dân Trà Vinh bội thu mùa cỏ lác-thứ vốn là cỏ dại này cứ cắt phơi bán là thu tiền - Ảnh 1.

Nông dân xã Đức Mỹ (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) thu hoạch cây lác. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Giá tất cả các loại lác đều tăng từ 3.000-4.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Thêm nữa, năng suất lác cũng cao hơn 1- 2 tấn/ha so với vụ trước, đạt 9-11 tấn/ha nên vụ lác này nông dân đạt lợi nhuận từ 100-120 triệu đồng/ha.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tấn, ấp Đức Mỹ, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long đang thu hoạch 1,1 ha lác, với năng suất hơn 12 tấn/ha; trong đó, 10 tấn đạt loại 1 và 2 tấn loại 3. Sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư, ông thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa cùng diện tích này trước đây.

Gia đình bà Huỳnh Thị Hồng, ấp Đức Mỹ, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long chuyển đổi 0,2 ha đất trồng lúa khoảng 15 năm nay. Trước đây diện tích này trồng lúa chỉ cho lợi nhuận khoảng 3 triệu đồng/năm nhưng sau khi chuyển đổi sang trồng lác, lợi nhuận mỗi năm tăng gấp 10 lần. Nhờ vậy, đời sống gia đình bà được cải thiện đáng kể. Năm nay, năng suất và giá lác đều tăng cao nên gia đình bà và những hộ trồng lác ở đây rất phấn khởi.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Trưởng Ban Nhân dân ấp Đức Mỹ ( xã Đức Mỹ, huyện Càng Long), ấp có hơn 300 hộ dân trước đây chủ yếu trồng lúa, nhưng do vùng đất này bị nhiễm phèn nên năng suất rất thấp, chỉ khoảng từ 3-4 tấn/ha, lợi nhuận từ 10-20 triệu/ha. Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân trong ấp bắt đầu chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang chuyên canh cây lác nên đời sống được cải thiện đáng kể.

Đến nay, hơn 200 hộ chuyên canh cây lác ở địa phương có thu nhập khá ổn định. Mỗi năm, người dân sản xuất 2,5 vụ, với giá bán dao động từ 14.000-27.000/kg (tùy loại), sau khi trừ chi phí, nông dân đảm bảo thu lãi trên 200 triệu/ha/năm.

Ngoài ra, cây lác còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương từ nghề thu hoạch lác, chẻ lác, se lõi lác, dệt thảm, dệt chiếu… cho thu nhập từ 150.000 - 180.000 đồng/người/ngày.

Xã Đức Mỹ, huyện Càng Long là địa phương tiên phong chuyển đổi diện tích trồng lúa bị nhiễm phèn, mặn kém hiệu quả sang trồng cây lác để cải thiện thu nhập cho nông dân. Đến nay, toàn xã có gần 500 ha chuyên canh cây lác. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi, nhiều năm nay, hơn 1.000 hộ trồng lác ở địa phương luôn có thu nhập ổn định cao hơn nhiều lần so với trồng lúa trước đây.

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Mỹ Lê Văn Song cho biết, Đức Mỹ có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 1.424 ha. Vùng đất này phần lớn bị nhiễm phèn nên trước đây trồng lúa không hiệu quả. 

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích sản xuất, từ năm 2000, địa phương bắt đầu chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng lác. Hiện lác là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao nhất cho địa phương.

Năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp của xã đạt trên 396 tỷ đồng; trong đó, giá trị cây lác chiếm gần 326 tỷ đồng. Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với ngành chức năng xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho cây lác Đức Mỹ để nâng cao giá trị lác nguyên liệu. 

Địa phương tiếp tục vận động nông dân mở rộng diện tích trồng lác, phấn đấu 75% diện tích đất nông nghiệp chuyên canh cây lác.

Nông dân Trà Vinh bội thu mùa cỏ lác-thứ vốn là cỏ dại này cứ cắt phơi bán là thu tiền - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Tấn tại xã Đức Mỹ (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) thu hoạch cây lác. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Tỉnh Trà Vinh hiện có khoảng 2.500 ha trồng lác; trong đó huyện Càng Long chiếm trên 80%. Hiệu quả kinh tế mang lại từ cây lác cho thấy đây là hướng đi đúng đắn của tỉnh trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Điều này góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu.