Từ một tiều phu đất Ái Châu trở thành Đô thống Thượng tướng quân của vương triều Lý, ông là ai?
Từ một tiều phu đất Ái Châu trở thành Đô thống Thượng tướng quân của vương triều Lý, ông là ai?
Thứ ba, ngày 28/02/2023 05:09 AM (GMT+7)
Đánh giặc Cử Long ở đất Ái Châu (nay là tỉnh Thanh Hóa) xong, khi qua đường thủy sông Lèn, vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) nghe tiếng vùng này có một chàng trai võ nghệ cao cường, sức mạnh quật chết tươi hổ dữ, họ Lê, tên Phụng Hiểu, quán xã Băng Sơn, liền triệu vời, cho làm vệ sĩ.
Tháng 2 năm Tân Hợi (1011) Lý Thái tổ cầm quân từ kinh đô Thăng Long tiến vào đất Ái Châu đánh giặc Cử Long chiếm cứ vùng rừng núi hiểm trở, các đời Đinh, Lê mấy lần quân triều đình chinh phạt đều khó dứt mối loạn.
Vua Lý Thái Tổ bắt được tên tướng đầu sỏ giặc, đóng cũi giải về Thăng Long. Khi qua đường thủy sông Lèn, Thái tổ nghe tiếng vùng đất Ái Châu (nay là tỉnh Thanh Hóa) có một chàng trai võ nghệ cao cường, sức mạnh quật chết tươi hổ dữ, họ Lê, tên Phụng Hiểu, quán xã Băng Sơn, liền triệu vời, cho làm vệ sĩ.
Lê Phụng Hiểu mồ côi cha từ nhỏ, sống với mẹ trong một túp lều dưới chân núi Bưng làm nghề đốn củi độ nhật.
Núi Bưng tên chữ Băng Sơn hình dáng trông giống cái yên ngựa, hai đầu nhô cao, giữa võng xuống. Truyền thuyết dân gian kể, thuở xa xưa có ông khổng lồ dọn dẹp núi non để dân lấy đất làm ruộng.
Mỗi hòn núi ông bưng (bê) hai tay, sải chân chạy mấy chục bước, ném một cái xuống biển mất tăm. Bởi thế dân gian gọi tên ông khổng lồ là Bưng – ông Bưng. Có một hòn núi ông đánh rơi xuống đất bị vỡ đôi giống hình yên ngựa, dân gian đặt tên luôn là núi Bưng.
Phụng Hiểu hái hết củi rú Bưng, hàng ngày phải lội qua sông sang vùng rừng núi Hoa Lâm nổi tiếng hùm thiêng rắn độc. Hoa Lâm (nay là xã Hà Lâm, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) có đến 20 ngọn núi đất và đá tạo thành hình thế trùng điệp.
Chủ Sơn Hoa Lâm là núi Chiếu Bạch bên sông Chiếu Bạch, ngàn cây tươi tốt, non nước thanh u, một thắng cảnh của phủ Hà Trung thời Lê Nguyễn. Đây là nơi trú ngụ của năm mẹ con hổ dữ, giữa ban ngày ngang nhiên xuống các xóm làng bắt gia súc, bắt cả người chăn trâu cắt cỏ.
Lê Phụng Hiểu thường đốn củi ở Hoa Lâm, lần lượt đánh chết cả năm con hổ dữ trong vòng mấy tháng, vác xác về làng, mỗi con chỉ đổi lấy một bữa cơm no, không cần báo quan lĩnh thưởng. Anh chàng thanh niên này tầm vóc to lớn dị thường, càng lớn càng ăn nhiều, chưa bao giờ được bữa cơm no.
Trong làng ngoài xã không ai muốn thuê mướn anh làm việc gì, vì sợ không đủ cơm gạo. Bấy giờ có hai làng Cổ Bi và Đàm Xá tranh giành ruộng đất, đánh nhau vỡ đầu sứt trán. Làng Cổ Bi thế yếu đành chịu mất ruộng.
Làng Đàm Xá cậy mạnh vì có người tên Tá Lực sức khỏe phi thường cầm đầu trai tráng tay đao tay gậy tả xông hữu đột, từ lâu nổi tiếng khắp vùng Lương Giang (sông Chu) đều khiếp sợ. Phụng Hiểu nghe thấy rất bất bình, bảo dân làng Cổ Bi:
- Bà con chịu để cho họ cướp chiếm ruộng đất nay đồng này mai ruộng khác, lấy gì làm ăn sinh sống. Đáng lẽ quan trên phải xét xử, nhưng quan trên không xử, ông Tư xã cũng làm ngơ, vậy để tôi xử cho. Bà con cứ nấu cho tôi ăn một bữa thật no rồi dẫn tôi ra đồng, tôi sẽ đòi lại số ruộng đất bị Đàm Xá họ chiếm đoạt!
Nghe nói Phụng Hiểu ăn rất khỏe, dân làng bảo nhau góp gạo nấu thật nhiều cơm, những nồi ba, nồi tư bày la liệt khắp sân đình, thức ăn thì dưa cà mắm, khiêng đến hàng chục vại còn lo thiếu. Phụng Hiểu ăn một mạch như rồng cuốn, uống hết cả chum bố nước, rồi bảo dân làng dẫn mình ra đồng chỉ cho biết địa giới ruộng mình đến đâu, cắm mốc giới đến đó.
Làng Đàm Xá nghe tin, Lệnh trưởng liền đánh mõ cá, thổi tù và inh ỏi báo động. Ông Tá Lực lập tức dẫn đầu đoàn đinh tráng tay đao, tay gậy kéo nhau ra đồng. Họ xúm nhau nhổ hòn đá Phụng Hiểu cắm mốc. Hòn đá to, cắm sâu, không hề lay chuyển.
Tá Lực hô quân xông tới vây lấy Phụng Hiểu đánh, chém tới tấp. Phụng Hiểu bẻ gẫy một cành đa cổ thụ quật lại kẻ địch. Tá Lực và đám đinh tráng chống đỡ không nổi, quăng khí giới, ôm đầu, co chân chạy trốn. Phụng Hiểu đuổi theo nắm lấy cổ Tá Lực toan bóp chết. Tá Lực khiếp sợ xin hứa từ nay không dám tranh chiếm ruộng Cổ Bi nữa.
Không cần làng Cổ Bi tạ ơn, Phụng Hiểu cứ dọc bờ sông Lương sải bước trở về nhà, cái nhà lều dưới chân núi Bưng. Câu chuyện quật chết hổ dữ Hoa Lâm và đánh tan Tá Lực, lấy lại ruộng đất cho Cổ Bi, khiến danh tiếng Phụng Hiểu lừng lẫy khắp vùng sông Lương, sông Mã, người ta gọi là ông Bưng để tỏ lòng kính trọng.
Đền thờ Đức thánh Lê Phụng Hiểu ở làng Ích Hạ, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa. Ảnh: Khánh Lộc (Văn hóa và Đời sống/Báo Thanh Hóa).
Vua Lý Thái Tổ được biết Lê Phụng Hiểu là kỳ tài đất Ái Châu, rất trọng dụng, khiến chàng trai núi Bưng cảm kích, hết lòng phò tá, chẳng bao lâu được phong tới chức Vũ vệ tướng quân, chỉ huy cấm quân bảo vệ Hoàng thành.
Dân gian đặt thơ, vè truyền tụng khắp nơi đời đời ghi nhớ Ông Bưng thuở hàn vi. Bài vè kể sự tích Ông Bưng gồm 56 câu lục bát, ở đây trích mấy câu:
... Con bà dũng lược phi thường
Anh hùng vô địch hùng cường khôn đang
Con bà trừ diệt hổ lang
Thường hay gây hại cả làng Bình Lâm...
Vè thơ nói về thuở hàn vi của Lê Phụng Hiểu:
Kiếm củi nuôi mẹ
Củi nặng rừng sâu, dốc núi cao,
Dãi dầu mưa nắng với gian lao.
Bát cơm hiếu thảo con dâng mẹ,
Phụng Hiểu – Băng Sơn mấy tự hào.
Trừ cọp cứu dân
Cọp đói bao phen hại xóm làng,
Hoa Lâm thảm thiết tiếng kêu than.
Thương dân xông xáo lùng hang ổ,
Dũng mãnh tay không diệt cả đàn(1).
Lý Thái Tổ lập những 6 hoàng hậu, các con trai đều phong tước vương, có tài thao lược, được lập phủ riêng. Vua thường sai các vương mang quân đi dẹp loạn, sức mạnh vô địch. Con trai đầu Khai Thiên vương Lý Phật Mã, Thái Tổ lập làm Thái tử, ra ở riêng cung Long Đức bên ngoài cửa Đông để thường xuyên tiếp xúc với dân chúng, biết được nỗi vui buồn, sướng khổ của nhân gian...
Năm Mậu Thìn (1028), Lý Thái Tổ mất, triều đình vâng theo di chiếu rước Thái tử Phật Mã lên nối ngôi. Ba vương tử: Đông Chinh vương, Dực Thánh vương và Vũ Đức vương cùng nổi loạn, tranh nhau ngôi vua. Đông Chinh vương phục quân phía trong Long thành, đón bắt Thái tử.
Dực Thánh vương và Vũ Đức vương phục quân phía trong cửa Quảng Phúc. Các vương đoán Thái tử nếu không vào cửa chính Đại Hưng, tức cửa Nam, tất phải đi đằng cửa Hữu là cửa Quảng Phúc, Thái tử có thể đi qua cửa Tường Phù (cửa Đông) để vào điện Long An nơi Lý Thái Tổ vừa mới mất chưa kịp an táng.
Đúng là Thái tử đi cửa Tường Phù, nhưng không tới điện Long An mà đi thẳng vào điện Kiền Nguyên, nơi vua coi chầu. Thấy tình hình chung quanh khác thường, Thái tử sai đóng chặt các cửa điện Kiền Nguyên, Long An, Long Thụy, bảo Vũ vệ tướng quân lệnh cho vệ sĩ và cấm quân phòng bị cẩn thận.
Các vương tử chỉ huy quân ba phủ hoạt động rất dữ khiến Hoàng thành náo động. Thái tử bảo những người ở chung quanh mình: “Ta đây ở với anh em không phụ ai một tý gì, thế mà bây giờ các vương ấy làm sự bất nghĩa để nguy hại đến xã tắc! Vậy các khanh nghĩ sao?”.
Lý Nhân Nghĩa thưa: “Tình nghĩa anh em là ở chỗ trong có thể hiệp mưu với nhau, ngoài có thể cùng nhau chống kẻ khinh thường nhà mình. Nay các vương ấy như thế thì còn gọi là anh em được nữa chăng? Tôi xin phép được ra đánh một trận để quyết định sự được thua”. Thái tử nói: “Tiên đế mới nằm xuống chưa kịp tang, mà bây giờ anh em ruột thịt hại lẫn nhau, để thiên hạ và đời sau chê cười, ta thấy không nỡ”.
Lý Nhân Nghĩa thưa lại rằng: “Tôi nghe nói, người lo việc xa thì phải bỏ sự gần, kẻ giữ đạo công thì phải cắt đứt tình riêng... Nay điện hạ nếu làm được như Chu Công và Đường Thái tông ngày trước, coi nhẹ tình riêng, lấy sự bình yên của xã tắc làm trọng, thì chỉ được người ta khen ngợi ai dám chê bai?”. Thái tử hãy còn chần chừ chưa quyết định, ý muốn làm cho các vương tử rút lui, khỏi cảnh nồi da nấu thịt.
Bấy giờ quân tam phủ hoạt động không kiêng nể gì, Thái tử tự liệu không thể kìm chúng được, mới bảo Lý Nhân Nghĩa, Lê Phụng Hiểu và các quan theo hầu” “Bây giờ sự thế đã đến thế này, ta đây chỉ biết thờ phụng Tiên đế, còn mọi việc bên ngoài phó mặc các khanh lo sao được chu toàn”.
Bọn Nhân Nghĩa, Phụng Hiểu lậy hai lậy nói: “Chết vì hoạn nạn của Vua là phận sự của bề tôi. Nay nếu được chết cũng được chết đúng chỗ!”.
Lý Nhân Nghĩa, Lê Phụng Hiểu mở cửa Phượng Thành (vây quanh cung điện) kéo quân cấm vệ ra đánh, khí thế vô cùng dũng mãnh, xông tới phía cửa Quảng Phúc, nơi đang xảy chiến sự ác liệt giữa quân bảo vệ Hoàng thành và quân vương phủ do Dực Thánh vương và Vũ Đức vương cầm đầu.
Phụng Hiểu tuốt gươm nhảy lên lưng ngựa phi thẳng tới cửa Quảng Phúc hô to lên rằng: “Bọn Vũ Đức vương, Dực Thánh vương làm điều phản trắc, trên quên ơn Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, Phụng Hiểu hạ thần xin dâng lưỡi gươm này!”
Vũ Đức vương hung hăng, múa đao, cưỡi ngựa xông lên trước bị Phụng Hiểu đánh ngã quỵ ngựa chiến, vươn tay tóm cổ bắt sống chủ tướng, giết chết tại trận, giơ đầu lâu lên cao cho mọi người đều trông thấy. Quân ba phủ khiếp sợ hò nhau bỏ chạy. Đông Chinh vương và Dực Thánh vương cũng vội quay đầu ngựa chạy cuống cuồng, cốt thoát thân, mặc cho quân sĩ bị giết ngổn ngang.
Lê Phụng Hiểu quay về báo tin thắng trận với Thái tử Lý Phật Mã. Thái tử yên ủy: “Ta sở dĩ gánh vác được cơ nghiệp của Tiên đế, là nhờ sức của các khanh đấy. Ta xem sử nhà Đường thấy có Uất Trì Kính Đức giúp vua qua cơn hoạn nạn, vẫn nghĩ bụng rằng người làm tôi đời sau không còn ai sánh bằng. Thế mà Phụng Hiểu ngày nay lại còn trung dũng hơn Uất Trí Kính Đức”.
Phụng Hiểu lậy hai lậy nói: “Đức độ điện hạ cảm động cả đến đất trời, hễ kẻ nào dám manh tâm toan tính gì khác, tất sẽ bị thần linh tiêu diệt, còn như lũ thần không có công lao gì!”.
Thái tử Lý Phật Mã lên ngôi vua, tha tội cho Đông Chinh vương, Dực Thánh vương, Khai Quốc vương, lấy tên hiệu là Hiếu Hoàng đế, tức Lý Thái Tông, đại xá thiên hạ, phong Lê Phụng Hiểu chức Đô thống Thượng tướng quân, tước hầu.
Năm Giáp Thân (1044), Vua Lý Thái Tông tự làm tướng mang quân đi đánh Chiêm Thành, cho Lê Phụng Hiểu làm tướng tiên phong. Binh thuyền đại quân tiến đến cửa biển Ô Long. Quân tiên phong lội tắt qua sông Ngũ Bồ đánh thẳng vào trại địch. Chưa giao chiến, quân Chiêm đã tự vỡ trận, thua chạy tán loạn.
Vua Lý Thái Tông toàn thắng kéo đại quân về. Vua muốn thưởng công cao cho Lê Phụng Hiểu. Ông xin không nhận chức tước, chỉ muốn được thưởng ruộng đất để chia cấp cho người nghèo ở quê hương mình. Nhà vua bằng lòng.
Lê Phụng Hiểu đứng trên đỉnh núi Bưng cầm thanh đao ném vụt lên không gian, bay vút thẳng tới hương Đa Mi mới rơi xuống. Thái tông chiếu theo khoảng cách xa từ Băng Sơn đến Đa Mi làm ruộng phong thưởng, gọi là “thác đao điền”. Nhà vua lại ban thêm 10 mẫu nữa để làm ruộng hương hỏa cho con cháu lưu truyền vĩnh viễn, không phải nộp thuế.
Lê Phụng Hiểu thọ 73 tuổi, tức sinh khoảng năm 992, mất khoảng năm 1065 tại quê nhà. Dân làng lập đền thờ ông dưới chân núi Bưng, tục gọi đền ông Bưng hoặc nghè đức Thánh Tến.
Năm Minh Mạng thứ tư (1823) ông được thờ vào miếu Lịch đại đế vương (miếu thờ các vị đế vương tiêu biểu qua các triều đại). Dực tông Anh Hoàng đế (Vua Tự Đức) ngự chế bài ca Trịch đạo (ném đao) ca ngợi tài trí tuyệt vời, công đức hiếm có của Lê Phụng Hiểu (trích 2 câu kết):
Một kiếm lại một đao
Nghìn thu công nghiệp cao
Một đao lại một kiếm
Nghìn thu công nghiệp hiếm.
(Bản dịch Hoàng Văn Lâu)
Viết theo Đại Nam nhất thống chí (bản Hoàng Văn Lâu dịch) NXB Lao Động – Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây – Địa chí văn hóa Hoằng Hóa. Ninh Viết Giao chủ biên. NXB Khoa học xã hội – và truyền thuyết dân gian.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.