Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất và đặt mục tiêu 1/7/2023 sẽ miễn kiểm định lần đầu đối với ô tô mới đang nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận và người dân.
Để thực hiện việc miễn đăng ký lần đầu, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất chia làm 2 giai đoạn thực hiện, dần dần hướng đến việc chủ xe không cần đưa phương tiện đến cơ quan đăng kiểm để dán tem kiểm định.
Các phương tiện được áp dụng miễn kiểm định lần đầu trong thời gian 1 năm tính từ năm sản xuất, không thu giá dịch vụ kiểm định, tức thời gian lưu kho của 1 phương tiện để được miễn kiểm định tối đa được 23 tháng.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, Đại biểu Quốc Hội (ĐBQH) Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng tình với đề xuất miễn phí đăng kiểm 2 năm đầu đối với xe ô tô đăng ký lần đầu tiên.
Theo ĐBQH Hoà, để thực hiện được việc này, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT và các chuyên gia cần xem xét thật kỹ, khách quan, công tâm không vì lợi nhuận của nhà sản xuất mà bỏ qua khâu đăng kiểm lần đầu.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải đánh giá cao các nhà sản xuất sẵn sàng chịu trách nhiệm khi sản xuất ra một chiếc xe đảm bảo các quy chuẩn, đảm bảo các quy định của pháp luật.
ĐBQH Hoà cho rằng: "Cá nhân tôi thống nhất với đề xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam miễn đăng kiểm lần đầu với những chiếc xe mới. Như vậy, sẽ giảm bớt đi được các thủ tục rờm rà cho người dân khi mua xe mới".
Cũng theo ĐBQH Hoà đánh giá phần lớn những chiếc xe mới xuất xưởng lần đầu đều đạt các tiêu chuẩn về môi trường, đạt tiêu chuẩn về các chỉ số tiêu chuẩn quốc gia. Bản thân các nhà sản xuất họ đều mong muốn sản xuất ra những chiếc xe đạt tiêu chuẩn, chất lượng vì đây là những sản phẩm "con đẻ" là uy tín và là thương hiệu của nhà sản xuất.
"Đặc biệt, những chiếc mới lần đầu đăng ký đều chịu rất nhiều khoản thuế phí, như thuế trước bạ, thuế VAT...", ĐBQH Hoà nhận định.
ĐBQH Hoà, nếu thực hiện được đề xuất này cần phải yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm tuyệt đối với sản phẩm của họ bán ra. Qua đó, nhà sản xuất mới nâng cao vài trò trách nhiệm và chất lượng của nhà sản xuất.
Những lo ngại của người dân về việc sẽ giao thêm quyền cho nhà sản xuất và dẫn tới những hệ luỵ "Vừa đá bóng, vừa thổi còi", ĐBQH Hoà cho rằng: "Trong 2 năm đầu xe ô tô lăn bánh khi xảy ra sự cố, nhà sản xuất phải trách nhiệm về những vấn đề này".
"Có như vậy thì mới nâng cao được chất lượng và trách nhiệm của nhà sản xuất. Tuy nhiên sau 2 năm, những chiếc xe này phải được đăng kiểm như hiện nay. Chúng ta không thể giao khoản cho nhà sản xuất được quyền đăng kiểm những năm tiếp theo. Sau 2 năm đăng ký lần đầu, những chiếc xe này phải được đăng kiểm tại các cơ quan đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam", ĐBQH Hoà bày tỏ quan điểm.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất các phương tiện được áp dụng miễn kiểm định lần đầu trong thời gian 1 năm tính từ năm sản xuất, không thu giá dịch vụ kiểm định, tức thời gian lưu kho của 1 phương tiện để được miễn kiểm định tối đa được 23 tháng.
Sau khi đăng ký xe, chủ xe không cần đưa xe đến các đơn vị đăng kiểm nhưng vẫn cần mang giấy đăng ký xe đến các đơn vị này để lập hồ sơ phương tiện, được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, dán tem kiểm định, nộp phí sử dụng đường bộ nhưng không cần đưa xe vào dây chuyền để kiểm tra.
Thời gian chủ phương tiện được miễn đăng kiểm bằng đúng chu kỳ đăng kiểm đầu tiên (ví dụ: 30 tháng đối với ô tô con), tính từ ngày đến trung tâm đăng kiểm làm các thủ tục trên.
Song song với giai đoạn 1, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý toàn diện hơn, trong đó, thông qua app đăng kiểm, người dân có thể đặt lịch hẹn kiểm định, thanh toán và trả các loại phí đường bộ hoàn toàn trực tuyến.
Cùng với đó, xây dựng, đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật để hướng đến giai đoạn 2 miễn kiểm định lần đầu được thực hiện ngay từ khi xe xuất xưởng từ các nhà máy.