Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bị bắt, khung hình phạt thế nào?

Quang Trung Chủ nhật, ngày 15/01/2023 11:26 AM (GMT+7)
Luật sư đã bình luận về vụ ông Đặng Việt Hà - Cục trưởng Cục Đăng kiểm bị cáo buộc nhận tiền để cấp phép thành lập các trung tâm đăng kiểm, sau đó được chung chi hàng tháng, hàng quý.
Bình luận 0

Bắt Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam

Ngày 11/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ đối với ông Đặng Việt Hà - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bị bắt, khung hình phạt thế nào? - Ảnh 1.

Ông Đặng Việt Hà - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bị bắt về tội nhận hối lộ. Ảnh: CACC

Theo cảnh sát, việc bắt ông Đặng Việt Hà nằm trong kế hoạch mở rộng điều tra sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm do Công an TP.HCM thực hiện.

Phát biểu tại họp báo do Công an TP.HCM tổ chức, thiếu tá Nguyễn Thành Hưng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, đã chỉ ra hành vi sai phạm của các cán bộ, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Theo điều tra, ngay từ lúc đầu, để thành lập trung tâm đăng kiểm, các bị can thuộc các đơn vị kiểm định xe cơ giới đã chung chi hàng trăm triệu đồng cho các phòng ban và Cục trưởng Cục đăng kiểm để được cấp giấy phép.

Ngoài ra, hàng tháng, hàng quý, các trung tâm đăng kiểm đều chi tiền cho cán bộ phòng đăng kiểm, các lãnh đạo phòng, ban và ông Đặng Việt Hà - Cục trưởng Cục đăng kiểm.

Hình phạt của tội danh Cục trưởng Cục Đăng kiểm bị khởi tố

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, vụ án xảy ra ở ngành đăng kiểm là sai phạm có tính hệ thống, trong thời gian dài.

Vì vậy, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của hàng loạt bị can về các tội "Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Giả mạo trong công tác" là có căn cứ, đúng trình tự và quy định pháp luật.

Về việc liên quan đến ông Đặng Việt Hà - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, luật sư Đồng cho rằng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi nhận hối lộ của ông này xảy ra khi nào, nhận hối lộ của ai, số tiền nhận hối lộ là bao nhiêu, số lần nhận hối lộ.

Đồng thời, sẽ làm rõ của nhận hối lộ là tiền, tài sản hay lợi ích khác, phương thức nhận, thỏa thuận ra sao khi nhận, những tài liệu và chứng cứ nào thể hiện việc nhận hối lộ… để có căn cứ xử lý vị Cục trưởng và những người liên quan.

Vị luật sư phân tích, tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, thuộc nhóm tội phạm về chức vụ.

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt thuộc những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác.

Người phạm tội nhận hối lộ không chỉ nhận lợi ích vật chất mà còn có thể là lợi ích phi vật chất, lợi ích vật chất là tài sản, lợi ích phi vật chất như quan hệ tình dục hoặc phần thưởng về mặt tinh thần.

Thủ đoạn nhận hối lộ có thể nhận trực tiếp từ người đưa hối lộ hoặc nhận qua trung gian, nhận trước hoặc sau khi giải quyết công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, người thực hiện hành vi này với lỗi cố ý trực tiếp.

Khung hình phạt thấp nhất của tội này là từ 2 đến 07 năm tù và cao nhất lên đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất người phạm tội đã nhận có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên.

Như vậy, người phạm tội có thể phải chịu một chế tài hết sức nghiêm khắc bởi họ là những người có chức vụ, quyền hạn và hiểu biết thực hiện nhiệm vụ công vụ nhưng đã cố tình làm trái quy định pháp luật.

"Sau khi bị khởi tố, bắt tạm giam, nếu bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ mà ông Đặng Việt Hà - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên" – luật sư Đồng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem