Dân Việt

Thu hoạch sầu riêng đúng độ chín để giữ uy tín, chất lượng cho thị trường xuất khẩu

Từ cuối năm 2022 đến nay, thương lái thu mua sầu riêng với giá rất cao, có thời điểm lên đến 170.000 đồng/kg, sau khi trừ đi các khoản chi phí nhà vườn thu lãi khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng/ha.

Sầu riêng được mùa trúng giá là một tín hiệu tích cực đối với ngành hàng sầu riêng sau khi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Thu hoạch sầu riêng đúng độ chín để giữ uy tín, chất lượng cho thị trường xuất khẩu - Ảnh 1.

      Thu hoạch sầu riêng. Ảnh minh họa

Thêm vào đó, nhu cầu sầu riêng từ phía Trung Quốc tăng cao, một số ít thương lái cũng như người dân đã thu hoạch sầu riêng chưa đạt độ chín, làm giảm chất lượng cũng như uy tín sản phẩm trái sầu riêng trên thị trường xuất khẩu. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì nguy cơ mất thị trường là rất cao.

Do vậy, Bà con nông dân, các thương lái thu mua và các cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng “phải thu hoạch sầu riêng đúng độ chín, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Đồng thời bà con cần tuân thủ các quy định về chất lượng sầu riêng xuất khẩu, nhằm nâng cao uy tín của sản phẩm sầu riêng trên thị trường quốc tế” tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường cũng như đàm phán ký lại Nghị định thư trong lần tiếp theo.

Một số quy định về vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc được ký kết trong Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã ký kết:


“Điều 3. Quản lý vùng trồng (Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã ký kết).

 Dưới sự giám sát của MARD, tất cả các vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện như vệ sinh vườn trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay những quả rụng và thối hỏng. 

Phải áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bao gồm giám sát sinh vật gây hại, phòng trừ bằng hóa chất hoặc sinh học và các biện pháp canh tác khác…

 Theo Tiêu chuẩn quốc tế số 6 về các biện pháp kiểm dịch thực vật (ISPM 6), MARD phải thực hiện chương trình quản lý để giám sát vùng trồng đối với các loài đối tượng kiểm dịch thực vật tại vườn trồng mà Trung Quốc quan tâm trong suốt cả năm.

Để theo dõi và thu bắt sinh vật gây hại, ngoài biện pháp kiểm tra bằng mắt thường, sẽ áp dụng một số biện pháp hóa – lý tại vùng trồng như: sử dụng bẫy pheromone hoặc bẫy dính màu vàng để giám sát ruồi đục quả; kiểm tra sự xuất hiện của các loài rệp sáp trên quả, cành, thân và lá.

Trong trường hợp phát hiện thấy các loài đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc triệu chứng các loài đó, cần áp dụng ngay các biện pháp phòng trừ, bao gồm biện pháp hóa học và sinh học để kiểm soát quần thể dịch hại hoặc duy trì vùng trồng dịch hại ít phổ biến.

Các hoạt động giám sát và quản lý vùng trồng phục vụ xuất khẩu phải được thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật am hiểu về lĩnh vực kiểm dịch thực vật và cán bộ quản lý kỹ thuật được MARD hoặc đơn vị do MARD ủy quyền tập huấn.

Tất cả vùng trồng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật dịch hại, hồ sơ này sẽ được cung cấp cho GACC khi có yêu cầu. Hồ sơ phòng trừ sinh vật gây hại bằng biện pháp hóa học phải ghi các thông tin cụ thể bao gồm tên thuốc, hoạt chất, ngày sử dụng và liều lượng sử dụng trong quá trình canh tác.

Các loại sinh vật gây hại Trung Quốc quan tâm gồm 01 loại ruồi đục quả và 05 loại rệp sáp, theo Nghị định thư: Bactrocera correcta; Dysmicoccus neobrevipes; Planococcus minor; Planococus lilacinus; Pseudococcus jackbeardsleyi;Exallomochlus hispidus.