Ông Dương Quốc Thái, 45 tuổi, cư ngụ tại xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè (Tiền Giang) nổi tiếng là người đam mê sáng tạo những chiếc máy móc cơ khí phục vụ hiệu quả chương trình cơ giới hóa nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đây, ông thiết kế - chế tạo thành công giàn xới ký hiệu 6040 SU giúp đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa khâu làm đất của nông dân.
Giàn xới hoạt động hữu dụng đã được trao giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XI (2014 – 2015).
Ông Dương Quốc Thái vận hành thử máy đắp bờ. Ảnh: Minh Trí-TTXVN
Sau đó, ông Dương Quốc Thái tiếp tục chế tạo thành công máy đắp bờ. Chiếc máy này đã xuất sắc giành Giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XII (2016 – 2017), giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XV (2018 – 2021); đồng thời được công nhận là một trong những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang. Chiếc máy này cũng được ngành chức năng cấp nhãn hiệu độc quyền.
Gặp ông Thái ngay tại xưởng cơ khí Quốc Thái nằm ven kênh Nguyễn Văn Tiếp (xã Hậu Mỹ Bắc B, Cái Bè) mới hiểu được hết tâm huyết, sức làm việc đầy sáng tạo của người thợ cơ khí nông thôn trong điều kiện nhiều khó khăn, hạn chế về mọi mặt.
Trước đây, ông Dương Quốc Thái học nghề sửa chữa máy móc nông – ngư – cơ với một người bà con. Sau đó, ông về mở xưởng sửa chữa ở ấp Hậu Quới, xã Hậu Mỹ Bắc B, là nơi ông làm việc hiện nay.
Trong quá trình sửa chữa máy móc cho người dân, ông nhận thấy hầu hết thiết bị nông nghiệp đều là sản phẩm nhập khẩu từ các nước tiên tiến với giá thành rất cao, có những chiếc máy thiết kế chưa phù hợp với địa bàn sông rạch, bưng sình và lầy lội vùng Đồng Tháp Mười.
Sẵn niềm đam mê sáng tạo kỹ thuật và năng khiếu, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình sửa chữa, ông mạnh dạn nghiên cứu, chế tạo những sản phẩm mà nông dân đang cần cho canh tác.
Ban đầu là thiết kế - chế tạo thành công giàn xới 6040 SU và tiếp theo là máy đắp bờ. Đây là những sản phẩm phục vụ nông nghiệp rất hữu dụng đối với nông dân địa phương.
Ông Dương Quốc Thái vận hành thử máy đắp bờ. Ảnh: Minh Trí-TTXVN
Nói về chiếc máy đắp bờ, ông Dương Quốc Thái cho biết, bản thân phải mày mò đầu tư tâm sức nghiên cứu không dưới hai năm.
Qua rất nhiều lần thất bại, hình mẫu thiết kế chưa phù hợp phải cải tiến, khắc phục, cuối cùng ông đã cho ra chiếc máy đắp bờ hoàn thiện, mẫu mã kiểu dáng đẹp, hoạt động hiệu quả, được thị trường trong nước ưa chuộng.
Chiếc máy này chuyên dùng đắp bờ ruộng hoặc be bờ, gia cố bờ ruộng đã xuống cấp. Máy có cấu tạo gồm: Bộ phận cuốc mặt bờ, bộ phận đưa đất lên đắp bờ và bộ phận cán, ép mặt bờ. Máy có cơ cấu treo gắn vào sau chiếc máy kéo.
Hệ thống truyền động của máy liên kết với trục thu công suất của máy kéo với các tỉ số truyền được tính toán phù hợp, để máy làm việc ổn định và đạt hiệu suất cao.
Máy đắp bờ có kết cấu nhỏ gọn, khi làm việc được gắn sau chiếc máy kéo 4 bánh, phù hợp với đồng ruộng Nam bộ và hiệu suất làm việc cao (trung bình đạt 1.250 m bờ/giờ, tương đương sức làm việc của 33 lao động trong cùng thời gian).
Do đó, mỗi ngày máy đắp được 10.000 m bờ. Trong khi đó, máy có giá thành rất rẻ, chỉ từ 20 - 30 triệu đồng/máy.
Ông Dương Quốc Thái cho biết, hiện nay trung bình mỗi tháng cơ sở cơ khí Quốc Thái sản xuất và bán ra thị trường từ 15 - 20 máy đắp bờ, tất cả đều được nông dân đặt hàng trước. Khách hàng chủ yếu ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ.
Ông Nguyễn Văn Trí, cư ngụ tại tỉnh Sóc Trăng đến đặt mua một máy đắp bờ cho biết, ông thích chiếc máy này ở chỗ hiệu suất làm việc cao, kiểu dáng đẹp và giá thành chấp nhận được.
Tại quê ông, trước đó đã có người mua máy đắp bờ của cơ sở cơ khí Quốc Thái về dùng, máy hoạt động rất tốt. Theo đó, ông Trí đã trực tiếp đến tham quan và rất ưng ý nên đầu tư mua một máy đắp bờ về dùng.
Giàn xới cải tiến và máy đắp bờ là hai sản phẩm nổi tiếng và rất thành công của người thợ cơ khí miệt vườn Đồng Tháp Mười Dương Quốc Thái.
Thành công trên tiếp tục động viên ông trong tương lai có thêm những giải pháp, sáng chế hữu ích, phục vụ chương trình cơ giới hóa nông nghiệp các tỉnh phía Nam theo hướng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt”.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật tỉnh Tiền Giang đánh giá cao tinh thần sáng tạo trong nghiên cứu, chế tạo máy móc nông ngư cơ phục vụ chương trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Các sản phẩm của người “kỹ sư miệt vườn” xứng đáng giành giải cao trong các kỳ hội thi sáng tạo kỹ thuật thời gian qua nhờ tính mới, sáng tạo, nhiều ứng dụng hữu hiệu trong thực tế sản xuất, được nông dân ưa chuộng và tín nhiệm.
Ông Dương Quốc Thái cho biết, ông đang nghiên cứu chế tạo máy sạ hàng kết hợp với phun xịt thuốc bảo vệ thực vật.
Hy vọng sản phẩm mới này sớm được ra mắt, đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa khâu thâm canh lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân được hưởng lợi, đồng thời giúp nâng cao chất lượng hạt gạo phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.