Ba Lan cho biết họ sẵn sàng gửi các máy bay phản lực MiG-29 do Liên Xô thiết kế tới Ukraine như một phần của liên minh các nước. Tuy nhiên, với việc các đồng minh của Kiev vẫn đang thận trọng trong việc chuyển giao máy bay chiến đấu, vẫn chưa rõ quá trình như vậy có thể mất bao lâu.
"Điều đó có thể xảy ra trong 4-6 tuần tới", ông Morawiecki nói trong một cuộc họp báo khi được hỏi có thể mất bao lâu để Warsaw cung cấp máy bay.
Hôm 9/3, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad cho biết người đồng cấp Ba Lan đã nói với ông tại một cuộc họp của Liên minh châu Âu (EU) rằng Warsaw sẽ đồng ý thực hiện một quy trình chung để bàn giao máy bay phản lực MiG-29 cho Ukraine.
Ông Nad cho biết đã đến lúc Slovakia phải đưa ra quyết định về việc có gửi máy bay phản lực tới Ukraine hay không.
Các đồng minh NATO ở phía đông như Ba Lan và Slovakia đã đặc biệt ủng hộ Kiev kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2/2022.
Cam kết của Warsaw với nước láng giềng đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục các đồng minh châu Âu tặng vũ khí hạng nặng cho Ukraine, bao gồm cả xe tăng, một động thái bị một số chính phủ phản đối, bao gồm cả Đức, cho đến gần đây.
Ba Lan đã gửi 14 xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất tới Ukraine.
Theo tạp chí Forbes, kể từ khi xung đột nổ ra, chính phủ Slovakia đã đề xuất tặng MiG-29 cho Kiev ít nhất 3 lần. Tuy nhiên, cho đến nay, Ukraine vẫn chưa nhận được chiếc MiG-29 nào từ Slovakia và Ba Lan. Trong năm 2022, Ukraine chỉ nhận được 18 cường kích Su-25 từ Bulgaria và Macedonia.
Kiev nhiều lần yêu cầu cả máy bay của Liên Xô và phương Tây sản xuất từ thành viên NATO. Tháng trước, Anh tuyên bố sẽ đào tạo các phi công Ukraine trên “các máy bay chiến đấu tinh vi theo tiêu chuẩn NATO”, còn Mỹ được cho là đang đánh giá khả năng huấn luyện phi công Ukraine trên các máy bay chiến đấu F-16 của nước này.
Nga tuyên bố dòng vũ khí phương Tây đổ vào Ukraine chỉ kéo dài cuộc xung đột, không làm thay đổi kết quả chiến sự hiện nay. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo việc cung cấp máy bay chiến đấu là “lằn ranh đỏ” có thể đặt phương Tây vào vị thế đối đầu quân sự trực diện với Nga.