Quan chức này đưa ra nhận xét bên lề cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moscow hôm 21/3.
Ông Peskov được yêu cầu bình luận về những tuyên bố gần đây của các quan chức cấp cao phương Tây cho rằng bất kỳ sáng kiến hòa bình nào cho Ukraine, nếu xuất phát từ các cuộc đàm phán Nga-Trung, sẽ là "không thể chấp nhận được". Chẳng hạn, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby tuyên bố bất kỳ lệnh ngừng bắn nào trong tình hình hiện tại sẽ chỉ "công nhận chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga cho đến nay" chứ không đóng góp cho hòa bình.
"Washington, cũng như các nước châu Âu, không để Kiev tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình vì bất kỳ lý do nào. Đơn giản là họ không muốn cho Kiev nghĩ về điều đó", ông Peskov nói.
Trong cuộc hội đàm, các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã thảo luận về lộ trình hòa bình 12 điểm do Bắc Kinh đề xuất gần đây. Tổng thống Putin ca ngợi sáng kiến này, bày tỏ sự sẵn sàng thảo luận và xây dựng, đồng thời nhắc lại mong muốn của Moscow là tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho các hành động thù địch đã kéo dài hơn một năm.
"Chúng tôi tin rằng nhiều điều khoản trong kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đưa ra phù hợp với lập trường của Nga và có thể được coi là nền tảng cho một giải pháp hòa bình ở Kiev. Tuy nhiên, cho đến nay Ukraine và những người ủng hộ phương Tây dường như chưa sẵn sàng", ông Putin nói sau cuộc gặp.
Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh rằng Bắc Kinh tiếp tục duy trì lập trường của mình trong cuộc xung đột, đồng thời thúc giục cả hai bên tuân thủ ngoại giao và tham gia đối thoại. "Chúng tôi luôn ủng hộ hòa bình và đối thoại, chúng tôi kiên quyết đứng về phía lẽ phải của lịch sử", ông Tập nói.
Hôm 21/3, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết những hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và xe tăng Abram của Mỹ sẽ được triển khai tới Ukraine nhanh hơn so với kế hoạch ban đầu.
Cụ thể, các quan chức quốc phòng cho biết một nhóm gồm 65 binh sĩ Ukraine sẽ hoàn thành khóa huấn luyện về các hệ thống này tại Fort Sill, Oklahoma trong những ngày tới. Các binh sĩ sau đó sẽ chuyển đến châu Âu để huấn luyện bổ sung về hai hệ thống Patriot – một của Mỹ và một do Đức và Hà Lan chế tạo.
Thông báo về việc tăng tốc triển khai Patriot được đưa ra ngay sau khi có thông tin cho rằng Mỹ sẽ đẩy nhanh thời gian vận chuyển xe tăng Abrams tới Ukraine bằng cách gửi các mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực M1-A1 cũ hơn của Mỹ thay vì phiên bản hiện đại hơn của xe tăng này, theo hai quan chức Mỹ.
Quyết định đẩy nhanh việc cung cấp xe tăng và Patriot được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công mùa xuân chống lại lực lượng Nga, được xây dựng chủ yếu dựa trên các hệ thống mạnh hơn và tiên tiến hơn mà các nước phương Tây đã đồng ý gửi đến, bao gồm cả xe tăng cùng nhiều phương tiện bọc thép khác.
Thông thường, binh lính Mỹ mất khoảng 1 năm để hoàn thành khóa huấn luyện về Patriot, tuy nhiên phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Tướng Patrick Ryder cho biết vào tháng 1 rằng thời gian huấn luyện cấp tốc cho quân đội Ukraine sẽ mất "vài tháng".
Ông Ryder từ chối cung cấp thông tin chi tiết trong cuộc họp báo hôm 21/3, chỉ nói rằng "chúng tôi sẽ đưa Patriot đến Ukraine sớm nhất có thể".