Vùng chuyển tiếp trên các hành tinh hủy diệt: Nơi ẩn chứa sự sống ngoài Trái Đất?

Quang Minh (SciTechDaily) Thứ ba, ngày 21/03/2023 13:22 PM (GMT+7)
Có thể tồn tại nước thể lỏng ở các hành tinh hủy diệt, sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất có thể không còn là chuyện viển vông.
Bình luận 0
Vùng chuyển tiếp trên các hành tinh hủy diệt: Nơi ẩn chứa sự sống ngoài Trái Đất? - Ảnh 1.

Mô phỏng hành tinh hủy diệt (terminator planet), nơi giáp ranh giữa hai thái cực thời tiết có thể là khởi nguồn của sự sống. Ảnh: Ana Lobo/ UCI

Đây là kết quả của cuộc nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Thiên văn ngày 16/3 do các nhà thiên văn học thuộc Đại học California, Irvine (UCI) thực hiện. Họ cho rằng sự sống ngoài trái đất có thể tồn tại trên những hành tinh xa xôi tại một khu vực được gọi là “terminator zone” (tạm dịch: vùng chuyển tiếp sự sống). Đây là những hành tinh chỉ quay một mặt về phía ngôi sao chủ và mặt còn lại luôn chìm trong bóng tối.

Đây là những hành tinh quay quanh sao lùn đỏ - được biết đến là loại sao xuất hiện rất phổ biến trên bầu trời đêm (khoảng 70% tổng số sao) và có khối lượng rất thấp (chưa bằng 40% khối lượng Mặt Trời).

Theo Ana Lobo, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại UCI và là người dẫn dắt nghiên cứu này cho biết họ đang tập trung nghiên cứu “terminator zone” – ranh giới giữa ngày và đêm của hành tinh. Vùng đặc biệt này được cho là có nhiệt độ “vừa phải” để duy trì nước ở thể lỏng.

Trong khi mặt sáng của hành tinh luôn hướng về ngôi sao chủ, đẩy nhiệt độ tăng cao khiến nước ngay lập tức bốc hơi thì mặt tối lại chìm vào màn đêm vĩnh cửu, thời tiết lạnh đến nỗi nước cũng hoá thành băng. “Đây là thế giới của hai mặt trái ngược. Ban ngày chúng như địa ngục thiêu đốt, ban đêm tựa như ngục tối băng giá điểm xuyết bởi các giọt nước đóng băng”, Lobo miêu tả.

Nếu như các nhà khoa học khác tìm kiếm sự sống trên những hành tinh nhiều nước, Lobo cùng với Aomawa Shields, PGS vật lý & thiên văn học của UCI tập trung vào các “terminator planet” (tạm dịch: hành tinh huỷ diệt). Nhóm đã sử dụng phần mềm giả lập khí hậu Trái Đất để giả lập khí hậu của các hành tinh này với một số điều chỉnh, bao gồm làm chậm tốc độ quay của hành tinh. Lobo nhấn mạnh rằng những hành tinh ít nước cũng có tiềm năng tồn tại sự sống dù không có đại dương rộng lớn.

Shields cho biết Lobo đang nghiên cứu để chứng minh được sự sống trên các hành tinh khắc nghiệt này. Lobo đưa ra giả thiết rằng vùng chuyển tiếp giữa hai mặt của hành tinh có thể xuất hiện sự sống. Vùng này được cho là có khí hậu ổn định và trung hoà vì nằm ở vị trí ranh giới giữa hai kiểu thời tiết đối lập.

Công trình nghiên cứu có tiềm năng mở ra một viễn cảnh mới đối với sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất của các nhóm sử dụng kính viễn vọng như Kính viễn vọng Không gian James Webb hoặc kính viễn vọng Khảo sát Hồng ngoại Quang học Cực tím Lớn hiện đang được NASA phát triển.

Các vùng chuyển tiếp giữa ánh sáng và bóng tối trên các hành tinh hủy diệt có thể tồn tại sự sống. Biết đâu, đây là nơi ẩn chứa những sinh vật kỳ lạ và độc đáo mà con người chưa từng biết đến. Tuy nhiên, để xác nhận điều này, chúng ta cần có những công cụ quan sát và khám phá tốt hơn. Có lẽ trong tương lai không xa, loài người sẽ có cơ hội gặp gỡ những người bạn mới từ các hành tinh xa xôi.

Một số hành tinh hủy diệt và đặc điểm có thể duy trì sự sống:

- Proxima Centauri b: một hành tinh nằm trong vùng có thể sinh sống của ngôi sao lùn đỏ gần nhất với Trái Đất. Hành tinh này có thể có nước lỏng ở vùng terminator và có khí quyển giống Trái Đất.

- TRAPPIST-1e: một trong bảy hành tinh quay quanh một ngôi sao lùn đỏ cách Trái Đất khoảng 40 năm ánh sáng. Hành tinh này có thể có khí quyển dày và nước lỏng ở vùng chuyển tiếp sự sống.

- Gliese 581d: một hành tinh quay quanh một ngôi sao lùn đỏ cách Trái Đất khoảng 20 năm ánh sáng. Hành tinh này có thể có khí quyển dày và nhiệt độ vừa phải ở vùng chuyển tiếp sự sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem