Đây là mô hình trồng rau thiết thực đang được thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở (PTDTBT-THCS) Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa triển khai hiệu quả suốt nhiều năm qua.
Thầy Nguyễn Duy Thủy - Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Trung Lý cho biết, mô hình này được thực hiện từ năm 2013.
"Mỗi năm học nhà trường có hơn 500 học sinh, tuy nhiên số lượng ở bán trú chiếm khá đông. Như năm nay, toàn trường có 460/513 em ở bán trú. Do đặc thù vùng miền núi xa xôi, ngoài tiền hỗ trợ của Nhà nước, của gia đình thì việc xây dựng mô hình trồng rau có ý nghĩa nhằm cải thiện bữa ăn cho các em", thầy Thủy cho biết.
Theo thầy Thủy, để thực hiện mô hình trồng rau, giáo viên cùng các học sinh ở bán trú đã tận dụng, cải tạo từng khoảng đất trống ven khuôn viên trường học. Hiện tổng diện tích trồng rau khoảng 3.000m2.
Độc đáo mô hình học sinh vùng biên trồng rau, nhà trường trả tiền
Thời gian trồng và chăm sóc rau chủ yếu là những ngày nghỉ, sau giờ học. Hằng ngày, học sinh sẽ tự phân công nhiệm vụ, em thì cuốc đất, em lấy nước tưới rau, em thu hoạch rau. Loại rau được trồng theo mùa, chủ yếu là các loại rau cải bẹ, cải củ, cải ngọt…
Cũng theo thầy Thủy, không chỉ trau dồi kỹ năng sống cho các em học sinh, việc trồng rau còn tạo ra một nguồn quỹ để các em học sinh sinh hoạt ngoại khóa.
"Rau sau khi thu hoạch được nhập cho bếp ăn của trường làm thức ăn cho học sinh. Nguồn rau này không sử dụng phân bón hóa học, đây là rau sạch do chính tay các em tự trồng. Đến cuối năm học, nhà bếp cộng tổng số lượng rau mỗi lớp đã sản xuất được, rồi tính thành tiền chuyển lại cho các lớp làm quỹ. Vào các ngày lễ, Tết, các em có một nguồn quỹ để sinh hoạt ngoại khóa, liên hoan, tổ chức sinh nhật cho học sinh. Trung bình mỗi lớp sẽ thu hoạch được từ 8 đến 10 triệu đồng/năm học", thầy Thủy nói.
Em Phạm Thị Điệp (lớp 9C, Trường PTDTBT-THCS Trung Lý) cho biết, nhóm của em được phân công chăm sóc 8 luống rau cải. Sau mỗi giờ học, Điệp và các bạn lại ra vườn để cùng nhau "tăng gia sản xuất".
"Em ở bản Cò Cài, xã Trung Lý, vì điều kiện khoảng cách từ nhà đến trường rất xa nên mỗi tháng chỉ về nhà hai lần. Được tự tay trồng những luống rau, em cảm thấy rất vui sau những giờ học. Đây là điều kiện để chúng em học cách trau dồi kỹ năng sống", Điệp chia sẻ.
* Bài có sự biên tập ở title