Dân Việt

Ninh Bình: Hỗ trợ toàn diện, giúp lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm có việc làm mới

Thùy Anh 24/03/2023 20:01 GMT+7
Do tình hình kinh tế khó khăn, thời gian qua tỷ lệ lao động thất nghiệp tại Ninh Bình có tăng nhẹ. Để hỗ trợ lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ chi trả trợ cấp thất nghiệp cho lao động.

Gần 5.000 lao động được giải quyết trợ cấp thất nghiệp

Nhận thấy thị trường lao động có những diễn biến trái chiều, tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng, Trung tâm Dịch vụ Việc làm (DVVL) Ninh Bình đã chú trọng nâng cao hiệu quả công tác trợ cấp thất nghiệp (TCTN) và tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp qua đó giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm để sớm quay lại thị trường lao động.

Ông Lã Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm DVVL Ninh Bình cho biết thời gian qua, trung tâm đã sử dụng nhiều hình thức tư vấn, hướng đến chuyển đổi số phù hợp  giúp lao động có việc làm như: Tư vấn trực tiếp; tư vấn trực tuyến qua mạng Internet, thư điện tử, thông qua hội thảo, hội nghị… và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kịp thời cho người lao động.

Từ đầu năm 2023, Trung tâm DVVL đã tuyên truyền chính sách BHTN bằng nhiều hình thức như: Phát tờ rơi cho người lao động tại các ngày hội việc làm, các phiên giao dịch việc làm lưu động, các chương trình tư vấn kết nối việc làm trong và ngoài nước, các hội nghị, hội thảo; treo băng rôn, cờ phướn tại một số xã, huyện trên địa bàn tỉnh...

trợ cấp thất nghiệp

Lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm DVVL Ninh Bình. Ảnh: NT

Hàng tuần, Trung tâm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và các chính sách BHTN tập trung cho người lao động thất nghiệp tại sàn giao dịch việc làm. Xác định công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả quá trình giải quyết chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

"Chúng tôi xác định nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm qua đó giúp lao động tìm được việc làm, quay lại thị trường lao động, ổn định cuộc sống. Để thực hiện nhiệm vụ này trung tâm đã đa dạng các hình thức tư vấn từ trực tiếp (qua hội nghị tư vấn, hội nghị, hội thảo...) tới gián tiếp qua mạng xã hội, qua Zalo, Facebook...

Bắt đầu từ tháng 5/2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tiếp nhận hồ sơ hưởng TCTN thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia đối với dịch vụ công thiết yếu của thủ tục hành chính "Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp" theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công văn 1399/LĐTBXH-VL ngày 4/5/2022 của Bộ LĐTBXH.

Kết quả, trong năm 2022, Trung tâm DVVL Ninh Bình đã giải quyết chế độ TCTN cho gần 5.000 người, tăng so với cùng kỳ. Nguyên nhân một phần là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một phần là do người lao động nghỉ việc, muốn dịch chuyển về quê hương để hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm kiếm việc làm ở gần gia đình.

Tăng cường tư vấn học nghề cho lao động thất nghiệp

Bên cạnh các hoạt động chi trả TCTN, tư vấn giới thiệu việc làm trung tâm còn tư vấn, giới thiệu lao động thất nghiệp đi học nghề. Kết quả, 100% lao động thất nghiệp, đang hưởng TCTN được tư vấn giới thiệu học nghề. Các nghề được tư vấn giới thiệu là: Lái xe ô tô hạng B2, hạng C, may dân dụng và công nghiệp, sửa chữa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa điện lạnh...

Ông Lã Thanh Tùng cho biết, đa phần lao động thất nghiệp là lao động phổ thông. Khi bị mất việc, tiền TCTN mới chỉ bù được một phần khó khăn cho cuộc sống của họ. Bởi vậy, công tác tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề là "phao cứu sinh" cho người lao động thất nghiệp. Việc học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp sang các nghề mà thị trường đang có nhu cầu hoặc nâng cao trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp là một giải pháp quan trọng, giúp người lao động có việc làm ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, có một thực tế là người lao động lại không mặn mà với chính sách này.

trợ cấp thất nghiệp

Tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Ảnh: NN

"Nguyên nhân chính khiến lao động thất nghiệp không muốn học nghề là vì họ có cuộc sống khó khăn, chỉ mong nhanh có việc làm để ổn định cuộc sống. Tất nhiên khi không có tay nghề, lao động sẽ rơi vào vòng xoáy của thất nghiệp - có việc làm- lại thất nghiệp, họ hiểu điều đó nhưng không dám thay đổi vì còn nhiều gánh nặng", ông Tùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, phải nhìn nhận rằng với mức hỗ trợ học nghề còn thấp, thời gian thụ hưởng ngắn và danh mục nghề nghiệp chưa đa dạng như hiện nay chưa thực sự hấp dẫn được người lao động.

Để hoạt động đào tạo nghề có hiệu quả, trung tâm cũng đã chủ động liên kết với các cơ sở dạy nghề có uy tín nhằm tổ chức các lớp dạy nghề phong phú, phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài, để thu hút lao động thất nghiệp học một nghề, trung tâm kiến nghị: Cơ quan chức năng cần nghiên cứu để đề xuất nâng mức hỗ trợ học nghề; kéo dài thời gian hỗ trợ học nghề; xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tạo việc làm bền vững cho nhóm lao động sau thất nghiệp...