Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Mới đây Trung tâm Dịch vụ việc làm Yên Bái đã tổ chức xác minh hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, kết quả cho thấy có 23 đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) sai quy định. Trung tâm này đã phải tổ chức 8 đợt thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp (TCTN) với số tiền lên tới hơn 92 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Tám (34 tuổi) Yên Bái từng làm công nhân dưới Hà Nội. Giữa năm 2022, chị mất việc nên về quê, đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm việc làm mới.
Theo quy định, chị Tám phải đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, chị Tám được hưởng 7 tháng trợ cấp thất nghiệp (từ tháng 5 đến tháng 11/2022) với số tiền 2,79 triệu đồng/tháng.
Khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì tháng 10/2022, chị Tám tìm được việc làm mới. Tuy nhiên, đến đầu tháng 11/2022, chị Tám mới đến Trung tâm khai báo có việc làm mới. Việc chị Tám khai báo tình trạng vị trí việc làm mới chậm trễ dẫn đến không được bảo lưu 2 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp và bị thu hồi 1 tháng (tháng 10) do hưởng sai quy định.
"Thực ra tôi có nghe qua về chính sách khi nhận trợ cấp thất nghiệp, nhưng nghĩ không ai biết, phần khác vì bận nên định hết tháng rồi đi khai báo, không ngờ lại là phạm luật", chị Tám chia sẻ.
Tương tự, một số lao động khác trong thời gian đang hưởng TCTN có việc làm mới cũng không khai báo tình trạng việc làm mới. Điều này khiến cho lao động gặp thiệt hại vì bị truy thu số tiền đã hưởng, ngoài ra còn mất luôn tháng đóng BHXH đáng lẽ sẽ được bảo lưu cho lần hưởng TCTN sau.
Ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, tình trạng lao động vi pháp chính sách hưởng trợ cấp thất nghiệp không hiếm. Năm nào trung tâm cũng tiếp nhận hàng chục trường hợp vi phạm, trục lợi khi hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trước đó, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến tháng 7/2019 còn 14.758 trường hợp phải thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định với số tiền phải thu hồi là 71.952 tỷ đồng. Con số này có xu hướng tăng qua các năm.
"Mặc dù chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền tư vấn cho lao động ngay từ khi nộp hồ sơ hưởng TCTN, thậm chí theo luật, định kỳ hàng tháng lao động cũng phải khai báo tình trạng việc làm nhưng thực tế không phải lao động nào cũng tuân thủ. Có trường hợp, lao động còn cố tình vi phạm, trục lợi chính sách", ông Thành nói.
Mặc dù không khó để truy ra những trường hợp lao động vi phạm chính sách hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng thực tế, việc xử lý, truy thu tiền hưởng sai lại rất khó.
Ông Lưu Mạnh Dũng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Yên Bái cho biết, khó khăn chính là việc cung cấp tài khoản tra cứu lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không phát hiện được kịp thời tại thời điểm lao động có việc làm mới và tham gia các loại bảo hiểm theo quy định. Nguyên nhân là do quy định thời điểm đóng bảo hiểm của người sử dụng lao động là cuối tháng, tuy nhiên tại thời điểm khai báo của người lao động nằm trong khoảng đầu tháng hoặc giữa tháng nên rất khó phát hiện.
"Chính bởi vậy, việc thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp do hưởng sai còn chậm và khó khăn. Nguyên nhân là do đa phần lao động không còn ở địa phương hoặc còn tại địa phương thì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn không có tiền nộp lại", ông Dũng nói.
Nghị định số 61/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi tìm được việc làm mới trong thời gian 3 ngày làm việc thì cần khai báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp và bảo lưu số tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp. Quy định là vậy nhưng nhiều lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có việc làm mới lại không khai báo dẫn tới không được bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp mà còn bị thu hồi số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định.
Tương tự, ở tất cả trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước đều xảy ra tình trạng này. Ông Lê Thanh Truyền - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai thì cho rằng ngoài nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân chủ quan là do lao động chưa nắm rõ quy định, cố tình gian lận dẫn đến bị thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu số tháng hưởng. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm thất nghiệp mà còn khiến cho người lao động gặp khó khăn khi không may bị mất việc làm, sẽ không được cộng vào số lần hưởng kế tiếp.
"Đối với những trường hợp có biểu hiện trục lợi quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm đã tham mưu Sở LĐTBXH ban hành văn bản đề nghị thu hồi tiền hưởng TCTN sai quy định của người lao động. Trung tâm cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp nơi người lao động có việc làm mới, nơi người lao động cư trú để họ hoàn trả số tiền đã hưởng sai quy định về cơ quan bảo hiểm xã hội", ông Truyền nói.
Để làm tốt hơn công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp, ông Tuyền cho biết trung tâm cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt là đối thoại trực tiếp, cung cấp chính sách pháp luật có liên quan cho lao động và chủ sử dụng lao động, đặc biệt là người lao động ở vùng sâu, vùng xa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.