Vào những ngày cuối tháng 3 - giai đoạn Cảnh sát giao thông mở đợt cao điểm kiểm tra nồng độ công đối với lái xe, nhiều quán bia, quán nhậu nổi tiếng ở Hà Nội trở nên vắng khách.
Chủ các nhà hàng chia sẻ, trước khi Cảnh sát giao thông chưa mở đợt cao điểm kiểm tra vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe, nhà hàng luôn chật cứng bàn vào khoảng thời gian từ 17h – 21h30 tối. Thế nhưng, thời điểm hiện tại lượng khách hàng sụt giảm mạnh, có những nơi chỉ duy trì được 30% lượng khách so với trước đây.
Ghi nhận của PV Dân Việt vào khung giờ 18h30, tại Nhà hàng Bia hơi Cường Mít, ở KĐT Xa La, Hà Đông, TP.Hà Nội, lượng khách ngồi uống bia thưa thớt, có thể đếm trên đầu ngón tay. Tình trạng này còn xuất hiện tại các nhà hàng, quán nhậu khác, chẳng hạn như tại quán bia hơi vỉa hè Thảo Nguyên, ở KĐT Xa La.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, theo phản ánh của người tiêu dùng và các chủ nhà hàng đó là do, Cảnh sát giao thông làm sát sao việc kiểm tra vi phạm nồng độ cồn nên nhiều người có tâm lý ngại uống rượu bia.
Là một trong những nhà hàng bị ảnh hưởng từ cao điểm thổi nồng độ cồn trong những ngày vừa qua, chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Quốc Mạnh - Chủ Nhà hàng lẩu cua sông Trúc Viên, P.Dịch Vọng, Cầu Giấy, TP.Hà Nội cho biết, doanh thu của nhà hàng đang giảm 30% - 40% so với thời điểm trước. Bình thường nhà hàng sẽ tiếp đón khoảng 150 - 160 khách, nhưng vào cao điểm thổi độ cồn lượng khách chỉ còn khoảng 100 khách.
"Giai đoạn này nhà hàng chỉ duy trì hoạt động không có lãi và tạo ra thói quen không uống rượu bia, dần dần khách quay trở lại với những món ăn ngon, hoặc uống rượu bia nhưng sẽ đi taxi, Grab, xe ôm, các dịch vụ lái xe đưa đón", chủ nhà hàng chia sẻ.
Cũng theo ông Mạnh, doanh thu của nhà hàng giảm cũng bị ảnh hưởng từ một phần do khách chưa quen với việc đi taxi, xe ôm để "đi nhậu". Do đó, để "kéo" khách, nhà hàng này có thêm dịch vụ gọi xe hoặc trông giữ xe cho khách tại quán hỗ trợ khách hàng sau khi uống rượu bia di chuyển từ nhà hàng về nhà.
"Gần đây lượng khách đã bắt đầu có dấu hiệu tăng dần do khách đã làm quen được với khái niệm "đã uống rượu bia thì không lái xe". Dần dần, khách sẽ chuyển sang dùng đồ uống không có cồn khi tới nhà hàng như uống Coca, nước suối, bia không cồn để chủ động lái xe về nhà", ông Mạnh thông tin thêm.
Cũng trao đổi với PV Dân Việt về việc kinh doanh nhà hàng bị ảnh hưởng từ việc Hà Nội siết chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện, ông Vũ Văn Hạnh, Quản lý Nhà hàng Huy Anh Quán Cũ cho biết: "Việc kinh doanh bị ảnh hưởng rất lớn từ việc thổi nồng độ cồn với tài xế lái xe".
Theo ông Hạnh, từ Tết Nguyên đán 2023 đến bây giờ, khách đến nhà hàng sử dụng rượu bia rất dè dặt. Nhiều khách tới nhà hàng gọi rượu, bia để tỏ ra băn khoăn suy nghĩ về việc di chuyển về nhà bằng cách nào. Nhà hàng cũng phải bố trí thêm nhân viên trông giữ xe qua đêm cho khách hàng, hoặc chở khách về nhà sau khi ăn nhậu tại quán.
Cũng theo chia sẻ của ông Hạnh, thường khách hàng tới nhà hàng di chuyển bằng xe cá nhân, ít di chuyển bằng phương tiện công cộng, do đó, lượng khách giảm đi rất nhiều. So với trước thời điểm chưa xử lý vi phạm nồng độ cồn, doanh thu của nhà hàng bị giảm khoảng 70%.
"Lý do doanh thu giảm mạnh là vì nhà hàng chủ yếu kinh doanh bia hơi, các loại đồ uống khác có kinh doanh nhưng ít. Chúng tôi mong muốn, cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, cân nhắc việc điều chỉnh lại mức vi phạm nồng độ cồn để làm sao người dân sử dụng rượu bia hôm nay, ngày mai lái xe dù hơi thở còn nồng độ tỷ lệ ít nhưng vẫn có thể lái xe được.
Về phía khách hàng tới uống bia, trao đổi với PV Dân Việt, anh Vũ Đình Huynh, Chỉ huy trưởng tại một công trường xây dựng trên địa bàn TP.Hà Nội cho biết: "Kể từ khi Cảnh sát giao thông kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn tôi thay đổi thói quen uống rượu bia và hạn chế uống rượu bia đi rất nhiều".
Anh Huynh cho biết: "Chúng tôi là dân công trường, nên mỗi sau mỗi giờ làm việc vào cuối giờ chiều anh em thợ thi công thường rủ nhau đi uống vài cốc bia cho mát giải tỏa mệt mỏi sau một ngày làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi đã chuyển từ uống rượu bia sang những đồ uống khác vì sợ bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn.