Lái xe sẽ bị xử phạt những lỗi gì khi cố tình không thổi nồng độ cồn?

Quang Minh Thứ hai, ngày 20/03/2023 12:42 PM (GMT+7)
Trong trường hợp, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn mà cố tình trốn tránh không hợp tác thì sẽ bị xử lý theo quy định.
Bình luận 0

Câu hỏi:

Thời gian qua, lực lượng CSGT toàn quốc đồng loạt tăng cường công tác xử lý vi phạm về nồng độ cồn và được đại đa số người dân ủng hộ, chấp hành. Tuy nhiên, có không ít tài xế cố tình không thổi vào thiết bị đo nồng độ cồn khi CSGT yêu cầu. Vậy trong trường hợp này, CSGT sẽ xử lý thế nào. Lái xe có thể bị xử lý về những hành vi gì?

Phạm Thành Long (37 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Trả lời:

Luật sư Ma Văn Giang, Công ty Luật TNHH Niềm Tin Công Lý – Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008 được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019.

Những vụ tại nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng bao gồm thiệt hại về người và tài sản. Do vậy, việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn là hết sức cần thiết.

Lái xe sẽ bị xử phạt những lỗi gì khi cố tình không thổi nồng độ cồn? - Ảnh 1.

Người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt theo quy định. Ảnh: An Sơn.

Trong trường hợp, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn mà cố tình trốn tránh không hợp tác thì theo quy định tại điểm b khoản 10 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Ngoài ra, theo điểm a khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sử đổi bổ sung bởi điểm a khoản 32 Điều 1 Nghị Định 123/2021/NĐ-CP, để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2, khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) đối với những hành vi vi phạm được quy định tại khoản 10 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem