Xử lý nghiêm tài xế vi phạm nồng độ cồn, ma túy tham gia giao thông

Thế Anh Thứ năm, ngày 10/12/2020 09:32 AM (GMT+7)
Sau một năm thực hiện "Năm An toàn giao thông 2020" với chủ đề "Đã uống rượu bia, không lái xe" tình trạng tai nạn giao thông đã giảm 3 tiêu chí nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân. Vậy nhờ đâu để đạt được những hiệu quả này?
Bình luận 0

Tai nạn giao thông giảm

Theo thống kê, trong 11 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 12.985 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.048 người, bị thương 9.652 người. So với 11 tháng đầu năm 2019, số vụ TNGT giảm 2.900 vụ (-18,26%), số người chết giảm 927 người (-13,29%), số người bị thương giảm 2.492 người (-20,52%).

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá: "Nghị định 100 đã tạo đột phá trong ý thức chấp hành giao thông của người dân".

Xử lý nghiêm tài xế vi phạm nồng độ cồn, ma túy tham gia giao thông - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong 5 năm qua, phong trào đảm bảo ATGT đã được thực hiện tốt đem lại hiệu quả rõ rệt, số vụ tai nạn giao thông có chuyển biến tích cực. Trong 5 năm, Bộ GTVT cũng đã xử lý gần 1.200 điểm đen TNGT. Chủ trương của Bộ GTVT khi phát hiện sẽ xử lý ngay, đây là giải pháp giúp giao thông an toàn hơn.

Đặc biệt, kể từ khi Nghị định 100/CP ra đời, để đảm bảo trật tự ATGT, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin xử phạt nguội theo Nghị định 100/2019 được nhiều địa phương thực hiệt tốt.

"Về công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, đã có nhiều đổi mới về giáo trình đào tạo, thiết bị đào tạo, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong giám sát sát hạch. Bộ GTVT sẽ cùng với các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện nghiêm công tác này", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Theo thống kê của Uỷ ban ATGT quốc gia, những năm qua kết quả về đảm bảo trật tự ATGT giảm được cả 3 tiêu chí đã có sự đột phá, nhất là trong năm 2020, số người chết do TNGT đã giảm xuống dưới 7.000 người. Nếu có sự vào cuộc quyết liệt, tình hình TNGT thời gian tới sẽ tốt hơn. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Để có được những kết quả nêu trên đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục về ATGT đã được thực hiện tốt. "Đây là giải pháp "mưa dầm thấm lâu", sau thời gian dài thực hiện, toàn xã hội đã nhận thức được việc chấp hành pháp luật ATGT là giải pháp tốt nhất để giảm TNGT", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá.

Đáng chú ý, nhìn nhận vào thực tế có thể nhận thấy rõ, Nghị định 100/CP cũng đã làm thay đổi thói quen, ý thức của người dân khi tham gia giao thông, điển hình là việc đội mũ bảo hiểm đặt tỷ lệ cao. Bên cạnh đó, Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt đã tạo đột phá trong ý thức chấp hành tham gia giao thông của người dân.

Xử lý nghiêm tài xế vi phạm nồng độ cồn, ma túy tham gia giao thông - Ảnh 2.

Tai nạn giao thông để những hậu quả nghiêm trọng.

Để giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn giao thông trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, Bộ GTVT đã đang và tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế TNGT, trong đó, Bộ GTVT luôn nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của văn bản quy phạm pháp luật.

Trong đó, Nghị định 100 và Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đã hình thành khung pháp lý về quản lý vận tải và xử phạt vi phạm. Qua đó, tạo đột phá lớn trong đảm bảo ATGT, giảm TNGT.

Đây là bài học mà Bộ GTVT sẽ tiếp tục phát huy trong quá trình sửa Luật GTĐB. Giải pháp này không tốn kém kinh phí mà phát huy hiệu quả cao trong đảm bảo ATGT. "Bộ GTVT sẽ tập trung thực hiện tốt Luật Quy hoạch để hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, đảm bảo chống ùn tắc giao thông và phát huy hiệu quả hệ thống giao thông phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ.

Về tổ chức vận tải, dù có hạ tầng tốt nhưng tổ chức vận tải không tốt sẽ dẫn đến tai nạn giao thông. Nghị định 10 giúp cho hoạt động vận tải công cộng, vận tải taxi đi vào nề nếp. Bộ GTVT sẽ phối hợp với các đơn vị để điều hành vận tải, chống ùn tắc giao thông và giảm TNGT.

Một vấn đề khác là kiểm soát tải trọng xe, vừa qua đã thành công kiểm soát xe quá tải bằng hệ thống cân tự động trên QL5. Bộ GTVT sẽ ứng dụng cân điện tử hiện đại đủ điều kiện xử phạt nguội xe quá tải. Bộ GTVT sẽ áp dụng mô hình này ở các cảng, mỏ vật liệu, đầu nguồn hàng, các tuyến trọng điểm có nhiều xe quá tải và nhân rộng ra toàn quốc.

Xử lý nghiêm tài xế vi phạm nồng độ cồn, ma túy tham gia giao thông - Ảnh 3.

Lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra các phương tiện có dấu hiệu vi phạm.

Vi phạm vẫn còn phức tạp

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT – Bộ Công an cho biết, trong quá trình tuần tra, xử lý vi phạm, lực lượng CSGT rất khó xử lý đối với hành vi vi phạm không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, nhất là trong thời gian cao điểm việc xử lý dễ xảy ra ùn tắc giao thông.

Trong 5 năm qua, lực lượng CSGT đã mở các đợt cao điểm, các chuyên đề xử lý vi phạm trên các tuyến đường trọng điểm phức tạp về ATGT, trong đó chú trọng xử lý các vi phạm về tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tổng kiểm tra xe tải, xe container, xe khách.

Trong 5 năm lực lượng CSGT đã xử lý hơn 20 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 14 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng hơn 1.400 tỷ đồng. Đặc biệt, số trường hợp vi phạm chưa được phát hiện trên thực tế vẫn còn ở mức cao, nhất là các vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, vi phạm chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, vi phạm chở quá tải trọng cho phép.

Ông Trung cho biết, trong cao điểm buổi sáng, CSGT phạt không xuể vì quá nhiều người vi phạm. Hành vi này rất khó xử lý, nhất là trong thời gian cao điểm, nếu dừng xe rất dễ xảy ra ùn tắc giao thông. Lực lượng CSGT cũng đã ứng dụng công nghệ để giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm và xử phạt nguội vi phạm. Kết quả xử phạt nguội qua hệ thống giám sát trong 3 tháng qua đã phát hiện xử phạt trên 42.000 trường hợp.

Cục CSGT sẽ tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống này trên toàn quốc, bao phủ các tuyến quốc lộ để hỗ trợ lực lượng chức năng áp dụng công nghệ vào xử lý vi phạm giao thông. Khi hoàn thiện toàn bộ hệ thống camera, chúng tôi đặt mục tiêu giảm tối đa cảnh sát làm nhiệm vụ trên đường mà vẫn đảm bảo giữ trật tự ATGT, xử lý vi phạm.

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gửi Ủy ban ATGT Quốc gia, các Bộ, ngành và địa phương về việc bảo đảm trật tự ATGT gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội xuân 2021.

Cụ thể, năm 2020, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc quyết tâm thực hiện thành công "mục tiêu kép" là tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển KT-XH, hoạt động kinh tế, GTVT nội địa đang dần phục hồi và dự báo xu hướng sẽ tăng mạnh.

Trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021, nhu cầu vận tải hành khách, hàng hoá và mật độ phương tiện tham gia giao thông dự báo sẽ gia tăng, tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông và dịch vụ vận tải.

Để bảo đảm trật tự ATGT cho nhân dân vui đón Tết 2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia và các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn và kiến thức phòng, chống dịch Covid-19 khi tham gia giao thông cho người dân; Cập nhật kịp thời tình hình TNGT, ùn tắc giao thông trong dịp Tết và tại khu vực diễn ra Lễ hội Xuân.

Thủ tướng chỉ đạo các địa phương và cơ quan liên quan phải chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cơ sở giáo dục, đào tạo phổ biến, yêu cầu người lao động, học sinh, sinh viên chấp hành quy định pháp luật về ATGT; chủ động phối hợp với các đơn vị vận tải tổ chức bán vé tàu xe trực tiếp cho công nhân, sinh viên và người lao động trong quá trình về nghỉ Tết và trở lại làm việc, học tập, giảm áp lực giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem