Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm 31/3 cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Ukraine phải đi đến một kết thúc hòa bình "trước khi bắt đầu leo thang".
"Tôi sẽ mạo hiểm đề nghị chấm dứt chiến sự... tuyên bố đình chiến", nhà lãnh đạo Belarus nói trong bài phát biểu trên truyền hình.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhanh chóng bác bỏ đề xuất này, theo báo cáo của The Moscow Times, nói với một phóng viên hôm 31/3. "Hoạt động quân sự đặc biệt đang tiếp tục, vì đây là cách duy nhất để đạt được các mục tiêu của Nga".
Bộ Quốc phòng Ukraine cũng bác bỏ lời kêu gọi hòa bình trên Twitter, nói rằng: "Đây là đề nghị vô lý nhất từng được đưa ra. Trong bối cảnh một năm sự kiện Bucha, Tổng thống Belarus đã đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn với Nga".
Tại cuộc họp báo chung với lãnh đạo Moldova, Slovenia, Slovakia và Croatia đang ở thăm Ukraine ngày 31/3, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định, Ukraine vẫn để ngỏ đàm phán chấm dứt xung đột với Nga.
Mặt khác, ông nhấn mạnh, điều này chỉ xảy ra khi Nga tự nguyện rút quân khỏi các vùng lãnh thổ của Ukraine. Nhà lãnh đạo Ukraine nói, công thức hòa bình 10 điểm mà ông đưa ra đã vạch rõ quan điểm của Kiev về những hành động mà Moscow cần làm để chấm dứt xung đột.
"Chắc chắn sẽ có xác nhận kết thúc chiến sự. Nhưng chỉ tại bàn đàm phán, nơi các bên sẽ ngồi xuống và đại diện của Nga tuyên bố sẽ rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine. Khi đó, tiến trình ngoại giao sẽ bắt đầu. Nếu như chúng tôi tìm cách đẩy lực lượng Nga bằng biện pháp quân sự thì sẽ không còn gì để đàm phán", ông nói.
Năm ngoái, ông Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình 10 điểm nhằm chấm dứt chiến sự với Nga, trong đó yêu cầu Moscow rút toàn bộ quân và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ đề xuất này, coi những điều khoản mà Kiev đưa ra là "không thể chấp nhận được". Ngược lại, Moscow đưa ra bản kế hoạch hòa bình của mình gồm 10 điểm.
Theo bản đề xuất mà Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin đưa ra hồi đầu tuần, quân đội Ukraine trước tiên phải hạ vũ khí, đồng thời phương Tây phải ngừng toàn bộ hoạt động cung cấp vũ khí cho Kiev.
Một số điều kiện khác là những yêu cầu mà Moscow đã đưa ra tại bàn đàm phán trước đó như Ukraine phải "phi quân sự hóa", "phi phát xít hóa", cam kết không bao giờ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay Liên minh châu Âu (EU), khẳng định vị thế trung lập.
Đặc biệt, Moscow đề nghị Kiev công nhận "các thực tế mới về lãnh thổ" hay thừa nhận việc Nga đã sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine gồm Kherson, Zaporizhia, Donetsk và Lugansk sau các cuộc trưng cầu dân ý.