Hiện, anh Đắc có 400 bè nổi để trồng rau hữu cơ. Các bè nổi bồng bềnh này được kết nối bằng dây để chống chọi với những cơn gió xô tới.
Trang trại trồng rau hữu cơ độc đáo của anh Đắc ở tại xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An khiến nhiều người tò mò và khi nhìn thấy thì vô cùng thích thú.
Trên đường đưa chúng tôi ra nông trại nổi tham quan bằng vỏ lãi, anh Đắc thổ lộ, làm được nông trại nổi trồng rau hữu cơ anh… bầm dập.
"Chua ăn chứ không phải chơi", anh Đắc bộc bạch.
Quen với những nông trại trên mặt đất, giờ đứng trước nông trại nổi trên mặt nước, tôi có cảm giác rất lạ. Hàng trăm chiếc bè trồng rau ăn lá, ăn quả chuyển động như một con rắn khổng lồ trên mặt nước theo từng cơn gió lùa qua.
Anh Đắc chia sẻ, để có những chiếc bè nổi trồng rau ổn định, vững chắc như vậy anh đã mất… 2 năm tính toán và thử nghiệm.
Theo đó, ban đầu để làm chiếc bè trồng rau hữu cơ dài 3m, rộng 1m, anh Đắc thu gom chai nhựa vứt bỏ rồi kết dính với nhau.
Tuy nhiên, sau khi đưa xuống nước, chiếc bè này nhanh chóng vỡ toang vì không chịu nổi những đợt sóng xô tới.
Bỏ kế hoạch này, anh Đắc dùng giỏ lưới cho vỏ chai nhựa vào để làm bè. Nhưng do không kết dính, nên các chai nhựa cứ xáo trộn làm bè không ổn định.
Nghĩ mãi, anh Đắc làm thêm khung tre để ổn định khung bè. Cộng thêm, anh dùng dây chằng bè trên ao, và kết nối các bè để thành một khối nhằm tạo sự ổn định và chống chọi sóng, gió.
Xong việc làm bè, anh Đắc tính toán đặt giá thể lên bè để trồng rau hữu cơ. Làm thế nào để sức nổi của bè chịu được trọng của giá thể và khi rau hữu cơ tăng trưởng trên bè?
"Thường mỗi bè có khoảng 13kg chai nhựa. Khi trồng các loại dây leo, như: Cà chua, bầu, bí, mướp tôi tăng thêm 2kg chai nhựa cho mỗi bè để tăng độ nổi khi các loại rau cho trái", anh Đắc chia sẻ.
Ngoài các loại rau ăn trái kể trên, hiện anh Đắc còn trồng các loại rau ăn lá, như: Xà lách, cải xanh, cải ngọt…
Theo anh Đắc, việc trồng trên bè nổi giúp cách ly được khoảng 80% các loại sâu, bệnh và côn trùng gây hại, bảo đảm chất lượng rau sạch. Nếu có sâu bệnh sinh sôi, nhân công sẽ dùng tay bắt, dùng chế phẩm sinh học phun diệt sâu, rầy, hoặc kéo các bè trồng rau hữu cơ ra giữa hồ để cách ly với bờ ao.
Hiện tại, các sản phẩm rau hữu cơ của anh Đắc được bán cho hệ thống siêu thị. Ngoài ra, anh cũng cung cấp sản phẩm theo đơn đặt hàng của các đơn vị.
Theo anh Đắc, với 400 bè nổi trồng rau hữu cơ, mỗi ngày anh cung cấp 300 – 500kg các loại rau cho các đơn vị đặt hàng. Mỗi tháng, anh Đắc thu khoảng 250 triệu đồng tiền bán rau.
Hiện, giá rau tại nông trại nổi trồng rau hữu cơ này khá "chát". Giá rau hữu cơ thấp nhất là 40.000 đồng/kg, cao nhất hơn 100.000 đồng/kg. Cụ thể, giá cà chua bi hơn 100.000 đồng/kg, giá xà lách khoảng 100.000 đồng/kg, giá bầu, bí 40.000 đồng/kg…
Anh Đắc thổ lộ, trồng rau hữu cơ, làm nông nghiệp sạch công sức bỏ ra rất nhiều. Vì thế, khi có sản phẩm, anh tự định giá rồi mới bán ra thị trường chứ không để thương lái cho giá thu mua.
"Nhân viên siêu thị đến hỏi thu mua rau, họ phải thừa nhận siêu thị không có loại rau sạch này thì mới nói chuyện tiếp. Còn giá rau tôi định sẵn rồi, được thì mua. Tôi "bao" kiểm tra chất lượng", anh Đắc khẳng định.
Anh Đắc thổ lộ, rau hữu cơ ở nông trại nổi này rất khác biệt với rau thường bởi mùi vị thơm, ngon. Những ai đã thưởng thức quen thì khó bỏ được.