Trồng rau đắng biển, một chị Cà Mau khá giả, rau này được làm thuốc bổ não cách đây 3.000 năm
Vì sao thứ rau ăn đắng dùng làm thuốc cách đây 3.000 năm, nông dân Cà Mau trồng tốt um, bán hút hàng?
Bích Lệ (Cổng TTĐT TP Cà Mau)
Thứ năm, ngày 30/03/2023 19:05 PM (GMT+7)
Trồng rau đắng biển tuy có chút vất vả nhưng không lo lắng về đầu ra, giá bán rau đắng ổn định, thu nhập quanh năm. Vui nhất là mỗi năm giao hơn 36.000 kg rau đắng sạch cho khách hàng, chị Võ Thị Út, khóm 3, phường Tân Thành, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) chia sẻ.
Bén duyên với nghề trồng rau đắng biển từ 16 năm về trước, chị Út cho biết, gia đình lúc đầu có vài công đất đào ao nuôi cá chình và cá bống tượng. Nhận thấy diện tich đất trống dọc theo các ao nuôi cá khá nhiều nếu bỏ không thì uổng phí.
Hai vợ chồng bắt đầu xin giống rau đắng biển trong xóm về trồng. Lúc đầu chỉ trồng một hầm nhỏ. Vài tháng sau, rau đắng biển phát triển tốt, vợ chồng chị mới nhân giống ra thành nhiều hầm trên toàn bộ diện tích đất trống của khu ao nuôi cá chình, nuôi cá bống tượng.
Bình quân 10 ngày chị Út rải một lượng phân hữu cơ cần thiết cho rau đắng phát triển. Cách 10 ngày sau sẽ tiến hành thu hoạch rau đắng. Mô hình trồng rau đắng được thực hiện ở các khoảng đất trống ở khu nuôi cá bống tượng, nuôi cá chình của gia đình chị Út tại phường Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Dưới cái nắng tháng 3, nhưng rau đắng biển của chị Út xanh mơn mởn. Quan sát xung quanh khu vực trồng rau chúng tôi không phát hiện bất kỳ loại phân hóa học nào.
Chỉ có tấm lưới mành màu đen được chị Út và anh Lành (chồng chị) che chắn kỹ lưỡng hầm rau đắng chuẩn bị cắt bán.
Như đoán được sự thắc mắc của chúng tôi, chị Út bảo: Để rau đắng phát triển tốt và non thì người trồng rau cần làm đất kỹ. Bố trí hầm trồng rau có độ sâu khoảng 40 cm, lót cao su bên dưới và bơm bùn non vào trước khi trồng.
Mùa mưa thì không cần tưới nước nhưng mùa hạn cần cung cấp lượng nước ngọt đủ để rau đắng phát triển. 6 tháng là cải tạo trồng mới, bơm bùn non và thay cao su một lần.
Mỗi hầm rau đắng biển cắt liên tục 3 ngày. Mỗi ngày thu hoạch 100 kg rau, giá 6.000 đồng/kg. Thương lái vào tận nhà thu mua.
Do gia đình có đến 10 hầm rau đắng, mỗi hầm có diện tích khá lớn nên cắt hết hầm này là đến kỳ thu hoạch của hầm rau đắng biển khác.
Một điều thú vị khiến rau đắng biển của chị Út luôn hút hàng và có bán quanh năm là, gia đình chị rất cần mẫn chăm chút cho các hầm rau đắng.
Chị nhổ cỏ, để nước xâm xấp chân rau quanh năm, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt mà rau thì xanh, non tự nhiên nên khách hàng rất tin mua.
Nhờ trồng rau đắng biển mà chị Út mua thêm được đất nông nghiệp của những hộ dân không có điều kiện canh tác, nuôi các con ăn học và mua sắm tiện nghi sinh hoạt trong gia đình.
Chị Út cũng thường xuyên giúp đỡ bà con chòm xóm khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống.
Từ tấm gương năng nổ tích cực phát triển kinh tế của vợ chồng chị Út mà nhiều dân lân cận cũng đã cải tạo đất trồng nhiều loại rau màu, trong đó có rau đắng cho thu nhập quanh năm, ông Phan Minh Thúy, Chủ tịch Hội nông dân phường Tân Thành (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) khen ngợi.
Rau đắng biển được người Ấn Độ sử dụng cách đây khoảng 3.000 năm. Công dụng của rau đắng biển đổi với sức khỏe con người.
Rau đắng biển có tên khoa học là Bacopa monniera. Nó được sử dụng trong nền Y học cổ truyền Ấn Độ cách đây 3.000 năm.
Rau đắng có chứa hoạt chất saponin gồm bacoside A và bacoside B, có tác dụng gia tăng tuần hoàn não, tăng cường dẫn truyền xung động ở hệ thần kinh, chống oxy hóa tế bào não, giúp cho sự tỉnh táo (alertness) và nhận thức (awareness). Một số người Ấn Độ cổ gọi cây này là Phenavati. Theo tiếng Phạn thì “Phena” có thể tạm hiểu là tính tạo bọt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.