Mái che được lắp dọc vỉa hè tuyến đường, kết cấu khung sắt lợp tôn, đóng trần, vươn ra ngoài chừng 4m. Vật liệu của mái sẽ sử dụng loại bền, đẹp, thi công nhanh, kết hợp thiết kế màu sắc hài hòa với cảnh quan chung ở khu vực.
Mái che. Sao không phải là cây xanh?
Cây xanh ở đô thị không chỉ thực hiện chức năng phủ bóng mát, điều hòa không khí, nó còn là một hình ảnh của cảnh quan, tạo sinh khí tốt lành cho một vùng đất.
Nhiều đô thị ở Việt Nam đang hình như bỏ quên quy hoạch và trồng cây xanh như thế nào trong quá trình phát triển. Nắng nóng đang ngày một tăng nhiệt, chỉ có cây xanh mới khắc chế được sự oi nóng, bức bí này. Điều này là một sự hiển nhiên, ai cũng biết nhưng hầu như những người làm quy hoạch lại không chú trọng.
Tôi có dịp đi ngang qua một vài đô thị ở các tỉnh thành miền Trung, nơi này vào mùa nắng nóng như cái lò thiêu. Nhiệt độ lúc nào cũng cao, chỉ cần dừng đèn đỏ ở các tuyến phố không đủ bóng cây xanh, cơ thể bạn sẽ cảm thấy ngột ngạt, khó chịu ngay lập tức.
Đông Hà, Quảng Trị là một trong những nơi đón gió phơn Tây Nam nóng rát nhất trong các tỉnh miền Trung. Nhưng cây xanh ở thành phố này là một tỷ lệ nghịch với nắng nóng mùa hè.
Trên các tuyến phố chính của đô thị này là sự thiếu vắng lớn cả một khoảng cây xanh. Nếu có thì đó cũng chỉ là sự hiện diện của các gốc cây nhỏ nhoi, thưa thớt lá giữa trời nắng nóng. Người đi đường phải chịu sự bức bí từ sức nóng của nền nhiệt cao, của khô rát gió phơn mà không biết dừng nghỉ ở đâu.
Cây xanh đô thị dù ở những nơi nắng nóng nhiều hay ít vẫn luôn có sứ mệnh riêng. Cây xanh giúp tạo ra một bộ mặt đô thị hài hòa, đẹp đẽ hơn. Nó che đi các khoảng bê-tông cứng nhắc từ những công trình, tòa nhà.
Nhưng, trồng cây xanh như thế nào cũng là một bài toán mà nhiều đô thị vấp phải. Các nhà quản lý đô thị cho rằng cứ cây xanh là được, thành ra việc trồng cây bừa bãi, thiếu nghiên cứu đã gây ra nhiều hệ lụy. Chẳng hạn như ở Hà Nội hay sau này thêm một vài đô thị khác, những hàng hoa sữa làm khổ người dân mỗi mùa ra hoa. Việc trồng dày đặc loại cây này đã tạo nên một sự khó chịu cho người dân mỗi khi cây ra hoa. Hà Nội lên kế hoạch thay thế.
Tháng 4/2021, dù đang trong thời kỳ sinh trưởng tốt nhưng những cây phong lá đỏ được trồng trên các tuyến đường ở Thủ đô vẫn trơ trụi lá. Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội nói rằng, bước đầu đơn vị này nhận định cây phong chưa thích nghi với điều kiện khí hậu của Thủ đô. Sở này đề xuất thay thế toàn bộ số cây phong lá đỏ nói trên. Và UBND TP.Hà Nội chấp thuận.
Huế, được biết đến là một đô thị có mật độ cây xanh nhiều, nhưng việc trồng cây xanh ở thành phố này vẫn có nhiều bất cập. Tuyến đường Lý Thường Kiệt sau hơn 10 năm chỉnh trang, cây so đo cam được đem về trồng, bây giờ chính quyền nơi đây buộc phải thay thế. Lý do được đưa ra là vì cây này nằm trong danh sách "danh mục các loài ngoại lai xâm hại xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam".
Các đô thị đều có một tổ chức phụ trách quản lý việc trồng và chăm sóc cây xanh. Những người này đã quá rành về cây xanh, nhưng tại sao lại không nắm được đặc tính của từng cây để chọn lựa cho phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và các lợi ích mà cây xanh mang đến. Việc cứ trồng tùy tiện rồi sau đó thay đổi không những xáo trộn cả tuyến đường, nó còn ảnh hưởng đến ngân sách và đặc biệt là mảng xanh cho đô thị.
Ngoài việc chọn cây trồng không phù hợp, các đô thị còn mắc một sai lầm khác là đem những gốc cây lớn để trồng. Vậy là là cứ đến mùa mưa bão, cây xanh lại bị bật gốc. Những gốc cây quá lớn được trồng xuống khiến tán và bộ rễ phát triển không đồng đều. Khi rễ chưa kịp bám chặt vào đất, tán đã phát triển rậm rạp nên mưa bão đến là đổ ngã, dù đã được cắt tỉa.
Việc quy hoạch đường sá không bài bản, nói đúng hơn là diện tích đường quá nhỏ, một thời gian sau dân cư đông, mật độ phương tiện đông lại phải mở rộng. Chuyện mở rộng đường nó kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó phải kể đến việc bứng, đào các gốc cây để làm đường.
Một cây xanh mất một thời gian khá lớn để gốc rễ bền chặt thì lại bị đào lên. Xong đường, trồng cây nhỏ thì không đủ độ che mát, trồng gốc lớn thì bị gió bão quật ngã do rễ chưa kịp phát triển.
Thích cây gì trồng cây đó, không có sự nghiên cứu, không tính toán đến các yếu tố về thổ nhưỡng, khí hậu khiến cây xanh ở các đô thị luôn chật vật với việc trồng xuống một thời gian rồi bị thay thế.
Các đô thị phát triển với những nhà cao tầng, bê-tông nhưng lại quên mất một điều là quá trình trồng, chăm sóc cây xanh như thế nào cho thật sự hài hòa.
Bài toán ở đây là gì? Đó là việc quy hoạch phải có tầm nhìn, ở những tuyến đường chưa đông dân cư, chưa có nhiều phương tiện qua lại thì chúng ta nên trồng cây từ nhỏ, lúc đó tán và rễ sẽ phát triển tỷ lệ thuận với nhau. Và quỹ đất dành cho đường phải rộng lớn, để khi mật độ dân số tăng lên sẽ không bị chật hẹp. Cây xanh khi được trồng phải tính toán thật kỹ đến các yếu tố sâu bệnh, mùi hoa… để không ảnh hướng đến người dân.
Với thành phố, đô thị dù lớn hay nhỏ thì việc trồng những mảng xanh, tạo không gian hài hòa là cực kỳ quan trọng. Mái che, dù có thiết kế theo hướng xanh hay hướng nào đi nữa cũng vẫn chỉ là một công trình thô cứng. Những sản phẩm như vậy ở các đô thị lại đang quá nhiều rồi.