Lấy ý kiến học sinh về Luật Đất đai: Làm luật là cố gắng lắng nghe tất cả mọi người!

Lương Lê Minh - Luật gia, Chuyên viên pháp chế Thứ bảy, ngày 11/03/2023 22:28 PM (GMT+7)
Gần cơ quan tôi có một trường tiểu học. Trường nằm trong khu phố cổ của Hà Nội, diện tích đất rất hạn chế, gần như không có sân chơi. Giờ ra chơi, các em học sinh hiếu động phải chen chúc trong hành lang chật hẹp. Việc học thể dục phải nhờ địa điểm của một đơn vị khác bên ngoài trường.
Bình luận 0

Trong khi đó, áp lực dân số ngày càng tăng, khiến cho mỗi lớp học phải có đến 50-60 học sinh, chất lượng học tập bị ảnh hưởng rất nhiều. Các em học sinh tiểu học đang tuổi ăn, tuổi chơi, giáo viên không thể nào bao quát hết.

Theo qui định của pháp luật, trường học trong khu vực đô thị phải đảm bảo bình quân tối thiểu 8m2/học sinh. Trong hoàn cảnh của ngôi trường kể trên, qui định này chắc chắn không thể được tuân thủ, mà nguyên nhân xuất phát từ việc quĩ đất rất hạn chế.

Với các trường mầm non ở khu vực phố cổ, điều kiện về không gian còn tồi tệ hơn các trường phổ thông. Đa số các trường mầm non trên địa bàn quận Hoàn Kiếm không có khuôn viên độc lập, mà bị xé nhỏ thành nhiều điểm trường, mà điểm trường rộng nhất cũng chỉ có 200m2.  

Rõ ràng, chính sách đất đai của nhà nước có ảnh hưởng đến mọi đối tượng trong xã hội, dù chỉ là một cháu bé trong độ tuổi mầm non. 

Những ngày qua, dư luận rất xôn xao về việc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức một hội nghị lấy ý kiến của trẻ em đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đối tượng tham gia là các học sinh của một trường THCS trên địa bàn Hà Nội.

Có nhiều ý kiến phê phán việc này, coi đây là việc làm hình thức, lãng phí. Là một chuyên viên pháp chế đã nhiều năm tham gia công tác xây dựng pháp luật, cá nhân tôi hiểu rằng những phê phán đó là có lí do. 

Luật Đất đai là một dự án luật có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội. Không có ai trong số gần 100 triệu người dân Việt Nam là không chịu ảnh hưởng của các qui định về đất đai. Vì vậy, việc lấy ý kiến rộng rãi của tất cả mọi tầng lớp, thành phần nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai là rất cần thiết; trẻ em đương nhiên cũng không ngoại lệ. Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến trẻ em về Luật Đất đai - vì những lí do đó - là hoàn toàn phù hợp với pháp luật.

Thế nhưng, ở nước ta, việc tổ chức lấy ý kiến với các dự án luật thường rất hình thức. Không chỉ trẻ em, mà ngay cả những người trưởng thành cũng rất khó nắm bắt được hệ thống qui định, điều khoản rất phức tạp của các đạo luật. Nếu như tổ chức lấy ý kiến bằng cách tổ chức hội nghị, rồi truyền đạt nguyên văn nội dung điều luật, rồi yêu cầu người dân góp ý vào từng điều khoản, thì sẽ rất khó để người dân bình thường có thể tham gia ý kiến. Điều này vô hình trung đã loại trừ quyền tham gia xây dựng pháp luật của người dân. 

Vấn đề ở đây là phải đổi mới cách thức tổ chức lấy ý kiến, để người dân (không phân biệt về độ tuổi, giới tính, sắc tộc, trình độ văn hóa, hiểu biết xã hội, kinh nghiệm sống, điều kiện kinh tế, v.v…) có thể tham gia một cách thực chất và có hiệu quả vào hoạt động xây dựng pháp luật. 

Ví dụ, trong lấy ý kiến đối với trẻ em, cần chọn lọc những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em, chẳng hạn như chính sách đất đai với các trường học, khu công viên, khu vui chơi. Cần chọn những ngôn ngữ phù hợp, diễn giải các khái niệm pháp lý bằng những ngôn từ đơn giản, ví dụ như không dùng từ "đất của đơn vị sự nghiệp công lập", mà phải diễn giải thành "đất của trường học", "đất của bệnh viện", để các em học sinh hiểu được. 

Cách thức tổ chức lấy ý kiến cũng nên điều chỉnh cho thân thiện, gần gũi hơn với các em học sinh, có cách thức để khuyến khích các em nêu ý kiến, ví dụ như phần thưởng. 

Bên cạnh đó, phải ghi nhận đầy đủ, chính xác, và chuyển hóa được những ý kiến của các em học sinh thành những kiến nghị, ý kiến trong hoàn thiện chính sách pháp luật. Để làm được điều này cần phải có những cán bộ pháp chế có hiểu biết chuyên sâu về pháp luật, có khả năng giải thích, diễn giải, có tâm huyết thực hiện nhiệm vụ. 

Việc tổ chức lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân đối với dự án luật cũng là một hình thức để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong vài năm gần đây, Chính phủ đã đặt ra vấn đề truyền thông chính sách, để có thể đưa chính sách pháp luật vào đời sống, trở nên gần gũi hơn với người dân.  

Tôi có thể chia sẻ với những ý kiến phê bình việc tổ chức lấy ý kiến còn nặng về hình thức, chưa phù hợp với đặc thù lứa tuổi của học sinh. Nhưng mặt khác, tôi không thể nào đồng tình với những ý kiến coi thường hiểu biết của trẻ em, cho rằng "trẻ em không biết gì", không cần thiết phải lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo văn bản qui phạm pháp luật.

Đây là một luồng quan điểm rất nguy hiểm, vì nó sẽ loại trừ quyền tham gia xây dựng pháp luật của một bộ phận đông đảo người dân. Nếu như căn cứ vào trình độ nhận thức để xác định quyền tham gia ý kiến đối với dự thảo luật, thì điều đó sẽ loại trừ rất nhiều nhóm yếu thế, nhóm thiểu số ra khỏi qui trình này.

Đúng là những em học sinh còn nhỏ tuổi thì sẽ có hiểu biết chưa đầy đủ về các qui định pháp luật phức tạp, nhưng chính vì thế lại càng cần đầu tư nguồn lực để thu thập, lắng nghe ý kiến của các em một cách thực chất, không hình thức. 

Bên cạnh việc lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các luật sư, luật gia thông thạo các qui định pháp luật, thì không thể loại trừ việc lấy ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân, dù cho họ chưa hiểu biết sâu sắc về luật pháp. 

Một em học sinh ở thủ đô Hà Nội có thể vẫn còn nhỏ tuổi, nhưng ít nhất trong chương trình giáo dục công dân ở nhà trường phổ thông, em cũng đã được học về những chính sách pháp luật chủ chốt của nhà nước. Hơn thế nữa, em có quyền được nêu ra ý kiến của mình, và Nhà nước có trách nhiệm lắng nghe ý kiến của em.

Xa hơn nữa, một người dân tộc thiểu số ở miền núi, một người cao tuổi bị mù chữ ở nông thôn, một người bị câm điếc ở giữa đô thị, v.v… Tất cả những nhóm người này đều có những hạn chế trong hiểu biết và nhận thức. Họ không thể hiểu được những qui định pháp luật, nhưng họ có quyền tham gia ý kiến vào dự án luật, vì họ chính là đối tượng chịu tác động của đạo luật đó. Dù cho ý kiến của họ có đơn giản, ngây ngô, lạc đề, thì những người có trách nhiệm không thể coi thường, mà phải nỗ lực diễn giải nhu cầu của họ, để cố gắng phản ánh trung thực ý kiến của họ đến cơ quan lập pháp. 

Hơn thế nữa, góc nhìn của họ - những người thuộc các nhóm yếu thế, nhóm thiểu số - có thể phản ánh những vấn đề rất lớn trong chính sách pháp luật. Một luật gia ở Hà Nội có thể rất thông thạo về chính sách đất đai, nhưng chưa chắc đã biết đến những luật tục về đất đai của đồng bào các dân tộc thiểu số. Một luật sư cho con đi học ở trường quốc tế 20 học sinh/lớp, chưa chắc đã thấu hiểu vấn đề của những học sinh trường công 60 người/lớp. 

Suy cho cùng, làm luật là quá trình cố gắng lắng nghe tất cả mọi người, trước khi ra quyết định. Những người càng thấp cổ bé họng, càng thuộc nhóm thiểu số, nhóm yếu thế, nhà làm luật càng phải cố gắng lắng nghe. Chỉ khi đó, pháp luật mới thực sự đi vào đời sống nhân dân. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem