Farm của Shiokawa (người sáng lập và điều hành Công ty Nico Nico Yasai) nằm trọn trong một thung lũng ở rìa thị trấn Vân Hồ (Sơn La), bao quanh là núi đá dựng đứng. Con đường đất nhỏ, hẹp dẫn vào Farm cũng gập ghềnh như cách khởi nghiệp cùng nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam của người đàn ông 40 tuổi này.
Đón chúng tôi khi trời Tây Bắc đang ngả dần về chiều muộn, khuôn mặt Shiokawa nhễ nhại mồ hôi khi vừa kết thúc buổi làm việc ở Farm. Đoàn của chúng tôi hơn 30 người xúm lại nghe người đàn ông Nhật Bản đã có 18 năm làm nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam chia sẻ về công việc của mình.
Đứng cạnh Shiokawa, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia bày tỏ ấn tượng khi thấy anh mặc bộ đồ làm nông, phía trước ngực áo in dòng chữ bằng tiếng Anh "There is no waste around a plant", dịch ra tiếng Việt "Không có gì bỏ đi xung quanh cái cây". "Khi nhìn vào hình ảnh về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn in trên ngực áo mang lại cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc", ông Thanh chia sẻ.
Đáp từ Shiokawa nói: "Đây là thông điệp mà chúng tôi hướng đến để góp phần mang tới người tiêu dùng những sản phẩm sạch, an toàn nhất và cũng là động lực để chúng tôi lao động chăm chỉ mỗi ngày".
Nói về hành trình đến Việt Nam làm nông nghiệp, Shiokawa nhớ lại, giai đoạn 2005 đến năm 2010 khi anh tham gia một dự án trường học nông nghiệp hữu cơ tại Buôn Ma Thuột. "Thời gian ấy, tôi đi đi về về giữa Việt Nam và Nhật Bản để đảm bảo chương trình học tại đại học, vừa phụ trách việc dạy tiếng Nhật cho các bạn thực tập sinh người Việt trước khi qua Nhật Bản trải nghiệm thực tế. Nhờ dịp đó, anh có cơ duyên biết đến nông nghiệp hữu cơ" - Shiokawa kể.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Shiokawa gặp một số người bạn, trong đó có Nguyễn Phước Thiện (Giám đốc Nico Nico Yasai), cùng nhiều bạn thực tập sinh khác. Sau nhiều lần trò chuyện, nhận ra mọi người đều có chung chí hướng với nhau nên dù chưa từng làm qua nông nghiệp hữu cơ, nhưng "chúng tôi vẫn muốn thử sức và từ đó Nico Nico Yasai ra đời".
Tháng 7/2010, với diện tích khoảng 1.000 m2 thuê của người dân Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk), Shiokawa tự mình cuốc đất, bắt đầu thử nghiệm mô hình trồng rau hữu cơ, nhưng sản lượng ban đầu rất thấp, trong khi việc tiêu thụ thị trường kém hiệu quả vì giá thành cao.
Sau một thời gian tìm hiểu và quan sát thị trường, anh nhận thấy nhu cầu sử dụng rau hữu cơ trong cộng đồng người Nhật nói riêng tại TP HCM rất cao nên quyết định kêu gọi thêm những thực tập sinh từ Nhật cùng làm.
Đến năm 2011, khi mọi thứ đã bắt đầu tiến triển tốt, Shiokawa nhận đặt hàng của từng hộ gia đình rồi tự mình đứng ra vận chuyển rau do công ty vận tải không biết tiếng Nhật.
Thời gian đầu kinh doanh, anh hầu như không có lợi nhuận, doanh thu không đủ bù vào chi phí nhưng tâm huyết với nông nghiệp hữu cơ khiến chàng trai người Nhật này vẫn kiên trì gắn bó với ước mơ và lựa chọn của mình.
"Nền nông nghiệp của hai quốc gia đều khác nhau rất nhiều. Đất nước chúng tôi là khí hậu ôn đới còn nước các bạn sở hữu khí hậu nhiệt đới nên nhiều quy trình tại Nhật Bản không thể áp dụng ở Việt Nam. Vì thế chúng tôi phải chắt lọc những gì phù hợp nhất. Nên khó khăn nhất là ở giai đoạn đầu, khi đưa vào thử nghiệm những công nghệ, quy trình của Nhật Bản áp dụng tại Việt Nam", Shiokawa chia sẻ.
Anh cũng cho biết, phân bón hữu cơ ở Việt Nam giá thành khá cao và người dân phải tự bỏ tiền mua, còn ở Nhật Bản những thứ như phân bón, cám... gần như là miễn phí, do vậy vấn đề phát sinh thêm các chi phí là điều không thể tránh khỏi.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay sau gần 12 năm hoạt động, ngoài Farm ở Buôn Mê Thuột, Nico Nico Yasai đã có thêm ở Vân Hồ, Đắk Long, Krông Bông, cung cấp rau sạch cho cả hai miền Nam - Bắc. Đặc biệt, nhờ hương vị rau củ tươi ngon, ngọt vị, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, mà sản phẩm nông sản của Nico Nico Yasai đã được nhiều hệ thống siêu thị lớn, cao cấp cũng như nhà hàng lựa chọn, trong đó có thể kể đến AEON Mall Việt Nam, An Nam Gourmet Market, Pizza 4P's, Hum, Yen Sushi…
Thưởng thức cà chua sạch ngay tại vườn
Đồng hành với Shiokawa tại Farm ở Vân Hồ còn có Nguyễn Phước Sinh (đến từ Đắk Lắk). Chia sẻ với tôi, chàng trai sinh năm 1997 nói, trước đây là sinh viên của Trường Đại học công nghệ thực phẩm TP. HCM nhưng theo học được 2 năm thì bỏ ngang. Sau đó, Sinh sang Nhật Bản du học và như "mối cơ duyên trời định", anh gặp Shiokawa.
Sinh chia sẻ, nông trại rau hữu cơ tại Vân Hồ có diện tích hơn 2.500m2, được thiết kế thành các nhà màng, nhà lưới trồng cải mầm, mồng tơi, rau muống, cải ngọt, cải xanh, xà lách, cà chua, đậu bắp, dưa leo, cà tím, ngô, bắp cải…
"Làm nông nghiệp để trân trọng thiên nhiên, bào chế nguồn dinh dưỡng tốt nhất và tạo ra sản phẩm tốt nhất mang giá trị đặc biệt, chính vì thế chúng tôi cũng trân trọng tất cả những phế phẩm nông nghiệp, biến chúng thành nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho cây trồng", Sinh nói về phương châm hoạt động của Farrm.
Anh lấy ví dụ như các loại thuốc dùng cho cây trồng đều có nguồn gốc tự nhiên như: Cây neem (tên gọi khác là sầu đông), ớt, tỏi, rượu chưng cất, nước than, dấm tre hoặc phân vi sinh… nhằm tăng sức đề kháng cho cây, giúp chúng có thể chống chọi được với thời tiết, thiên nhiên.
Shiokawa cùng Sinh dẫn chúng tôi đến khi vực ủ phân hữu cơ của Farm. Không ngần ngại bốc nắm phân lên tay, Shiokawa nói, "chúng không hề có mùi hôi gì cả, bởi đã được chúng tôi xử lý vi sinh". Nguồn gốc của phân được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên như: Vỏ trấu và tro, vỏ đậu phộng, bã mía, rơm rạ, rác thực phẩm, phân gà, phân heo, phân bò…
Shiokawa cho biết, bên cạnh quy trình canh tác thì công việc thu hoạch và bảo quản rau cũng vô cùng quan trọng. Để rau tươi ngon thì phải đảm bảo từ khâu thu hoạch cần phải xử lý ngay để đưa đến khách hàng, không để tình trạng hàng tồn kho. Đặc biệt, khâu sơ chế sau khi thu hoạch cũng khá quan trọng, rau cần phải rửa qua hai bước.
Theo đó, bước đầu tiên là tại Farm khi chuyển đến nhà xưởng để sơ chế lại thì sẽ dùng nước sát khuẩn làm từ trà tự nhiên nhằm loại bỏ khuẩn vi sinh còn tồn dư trong quá trình trồng trọt. Sau đó để ráo, đóng gói, bỏ vào thùng lạnh và vận chuyển đến các siêu thị để cung cấp cho khách hàng, sao cho toàn bộ quy trình từ thu hoạch, xử lý, vận chuyển, cung ứng đến các siêu thị, khách hàng mua về bảo quản và sử dụng chỉ được gói gọn trong 7 ngày, đây là "thời điểm vàng" để các loại rau có thể giữ được giá trị dinh dưỡng cao nhất.
Dứt lời, Shiokawa chạy vào trong nhà lấy một hộp cà chua bi có màu đỏ, quả đều rất đẹp mắt mời chúng tôi ăn thử. Không ngần ngại, tôi và một số đồng nghiệp liền trải nghiệm ngay tại vườn, chúng rất ngon, có vị chua nhẹ nhưng ngọt hơn cà chua thông thường.
Được thưởng thức nông sản sạch ngay tại vườn, trước khung cảnh núi rừng hung vĩ quả thực là một cảm giác rất tuyệt vời. Thời điểm này cũng là lúc sương trên đỉnh núi đang dần tràn xuống chiếm lĩnh cả thung lũng. Chúng tôi vội vàng chào tạm biệt Shiokawa và Sinh, trước khi rời đi, 2 chàng trai ra cổng tiễn cả đoàn, họ vẫy tay rồi cúi chào hẹn ngày gặp lại.