Cú hích để nông nghiệp hữu cơ phát triển phải từ chính sách
Cú hích cho nông nghiệp hữu cơ không chỉ là kỹ thuật mà cần chính sách đột phá
Trần Khánh
Thứ tư, ngày 23/11/2022 08:00 AM (GMT+7)
Cú hích để nông nghiệp hữu cơ phát triển không không chỉ dừng lại ở vấn đề kỹ thuật. Nông nghiệp hữu cơ cần một chính sách quản lý đồng bộ, tạo điều kiện hỗ trợ thuận lợi hơn.
Đây là ý kiến được các đại biểu đề cập tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về Nông nghiệp hữu cơ do Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.HCM ngày vừa qua.
Nông nghiệp hữu cơ sau 3 năm triển khai Nghị định số 109
Ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường cho biết, sau 3 năm triển khai Nghị định số 109, nông nghiệp hữu cơ trong nước đã đạt được một số kết quả ban đầu.
Đến năm 2020 tổng diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam khoảng trên 174.351ha, tăng 47% so với năm 2016. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 63.536 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt 100.000ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ đạt 12.450ha.
Sản lượng sản phẩm được chứng nhận hữu cơ tuy chưa nhiều nhưng số lượng và chủng loại sản phẩm đang ngày càng được mở rộng. Hầu hết các địa phương đã hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ.
Theo ông Duy, những kết quả này là tiền đề để tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định tại Nghị định 109, cũng như xây dựng kế hoạch hành động chi tiết thời gian tới.
Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết, nếu như năm 2016, lượng phân bón hữu cơ của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5% (0,8 triệu tấn). Đến nay, lượng phân bón hữu cơ đã tăng lên 20%; tương đương khoảng 3 triệu tấn, và đang không ngừng tăng mạnh
Hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng đã nâng lên, chiếm khoảng 21%. Đây là những bước tiến rất nhanh chóng nhằm tạo nền tảng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhất là sản xuất lúa trong giai đoạn tới.
Chuyên gia Nguyễn Đăng Nghĩa cũng đánh giá sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần sớm tháo gỡ. Nhiều cơ quan chức năng đã có những đề nghị, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nông nghiệp hữu cơ phát triển.
Tuy nhiên tất cả mới chỉ dừng ở đề xuất mà chưa có chính sách, cơ chế cụ thể nào được ban hành. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang đứng trước thách thức về thu nhập của người sản xuất, sự phức tạp về quá trình sản xuất và giám sát.
Tháo gỡ chính sách cho nông nghiệp hữu cơ
Chuyên gia Nguyễn Đăng Nghĩa khẳng định, sản xuất nông nghiệp hữu cơ không còn là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề chính sách.
Chính phủ cần có định hướng quy hoạch vùng, với các sản phẩm ưu tiên; có cơ chế giao đất dài hạn với hạn điền phù hợp cho mỗi đối tượng sản xuất. Cụ thể là quy hoạch và bảo vệ đất đai và nguồn nước hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Trong việc này, chính sách phải hướng tới người sản xuất và thực tế thị trường chứ không phải hướng tới mục tiêu quản lý doanh nghiệp.
Ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, dù đã có những kết quả bước đầu, nhưng cần nhìn nhận khâu tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ còn rất ít, chưa bài bản.
Vật tư đầu vào cho nông nghiệp hữu cơ chưa có danh mục công khai của cơ quan có thẩm quyền. Đây có thể coi là rào cản, trở ngại lớn cho thanh tra, kiểm tra, chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
Theo ông Mịch, Bộ NNPTNT cần có kế hoạch chuẩn bị cho việc chỉnh sửa, bổ sung nghị định 109. Bởi vì hiện nay người dân, nông dân, HTX rất khó tiếp cận các chính sách nêu trong Nghị định 109.
Theo đó, ông Mịch đề nghị cơ quan chức năng sớm công bố danh mục vật tư đầu vào cho nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, ngành chức năng sớm công bố danh mục cơ đơn vị hoạt động chứng nhận sản phẩm hữu cơ (TCVN và quốc tế) tại Việt Nam như quy định trong Nghị định 109.
Bà Đỗ Thị Tuyết, đại diện Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, Việt Nam đã có bộ tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ TCVN 11041 làm căn cứ áp dụng.
Tuy nhiên, thực tế triển khai Nghị định số 109 vẫn có một số điểm khó áp dụng. Trong đó, Việt Nam chưa có cơ chế quản lý xử phạt về ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Vì thế, việc ghi nhãn sản phẩm là "hữu cơ" chưa được kiểm soát, dẫn đến mất lòng tin của người tiêu dùng và thị trường.
Sản phẩm hữu cơ được chứng nhận theo TCVN của Việt Nam chưa thực sự có uy tín và được chấp nhận trên thị trường thế giới, đặc biệt đối với hàng xuất khẩu vì chưa có cơ chế thừa nhận tương đương.
Hệ thống các văn bản và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến vật tư hữu cơ đầu vào được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn thiếu. Điều này làm khó cho nhà sản xuất trong việc lựa chọn, sử dụng cũng như căn cứ đánh giá việc sử dụng.
Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiến nghị Bộ NNPTNT sớm công bố công khai danh mục các vật tư đầu vào đảm bảo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; đồng thời đẩy mạnh việc hài hòa giữa tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam với các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.