Ông nói, Washington đang tìm cách sửa đổi một "sai lầm lịch sử" bằng cách kết nạp Kiev vào NATO và tán thành các mục tiêu của họ.
"Nghị quyết của Hạ viện là rất rõ ràng: Thật không may, Mỹ cùng với các nước phương Tây khác đã khuyến khích Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí khác để đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực. Đây là một chính sách sai lầm dẫn đến một cuộc chiến lớn ở châu Âu", ông Podoliak viết trên Twitter.
Kiev khẳng định trong nhiều năm rằng Mỹ có nghĩa vụ phải bảo vệ họ khỏi Moscow vì Ukraine đã đồng ý trả lại vũ khí nguyên tử cho Moscow theo Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, để đổi lấy sự đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đưa ra lời "xin lỗi" về điều này trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình RTE của Ireland hồi đầu tháng.
Moscow lập luận kho vũ khí này không phải của Ukraine mà thuộc về Liên Xô, và Nga được công nhận là người thừa kế duy nhất. Nga cũng chỉ ra những tuyên bố của Tổng thống Zelensky về việc mua lại vũ khí hạt nhân, được đưa ra vào tháng 1/2022, để biện minh cho hoạt động quân sự hiện tại của mình.
Ông Podoliak nói thêm, chỉ có việc "trả lại các vùng lãnh thổ cho Ukraine, đưa tội phạm chiến tranh ra trước công lý và đưa quốc gia này trở thành thành viên đầy đủ của NATO" mới giúp mang lại an ninh cho châu Âu.
Những bình luận của ông Podoliak được đưa ra sau một nghị quyết được đề xuất bởi các đại diện Mỹ Joe Wilson và Steve Cohen, một đảng viên Cộng hòa Nam Carolina và một đảng viên Đảng Dân chủ Tennessee. Mặc dù văn bản chưa được công khai, chính phủ Ukraine dường như đã nắm rõ nội dung. Đại sứ Kiev tại Washington, Oksana Markarova, đã tweet vào 25/4 rằng văn bản "bao gồm các yếu tố quan trọng" trong "công thức hòa bình" của Tổng thống Zelensky.
Một số thành viên quốc hội ẩn danh nói với Yahoo News, nghị quyết trên thực tế lặp lại các luận điểm của Tổng thống Zelensky, tuyên bố chính sách của Mỹ là khôi phục biên giới năm 1991 của Ukraine và yêu cầu Nga bồi thường thiệt hại.
"Có lẽ đặc điểm quan trọng nhất của văn hóa văn minh phương Tây là khả năng phân tích kinh nghiệm trong quá khứ và thừa nhận sai lầm", ông Podoliak nói với Yahoo khi nhận được bình luận về nghị quyết hôm 25/4.
Mỹ tiếp tục tuyên bố không tham gia vào cuộc xung đột, nhưng nhấn mạnh rằng Nga "phải thua" và đã cung cấp hơn 100 tỷ USD viện trợ tài chính và quân sự cho Kiev trong năm qua.
Nghị quyết Wilson-Cohen sẽ cần được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện thông qua trước khi bỏ phiếu trước toàn viện. Một nghị quyết đồng hành đã được giới thiệu tại Thượng viện vào tối 25/4, được bảo trợ bởi các Đảng viên Đảng Dân chủ Richard Blumenthal của Connecticut và Sheldon Whitehouse của Rhode Island, và Lindsey Graham của Đảng Cộng hòa Nam Carolina.