Buổi sáng tháng 5, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Văn Đào – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thái đến thăm những hộ nông dân thôn Đông Luật nuôi cá lóc trong ao lót bạt.
Tiếp chúng tôi với nụ cười tươi, ông Nguyễn Văn Quyện (SN 1964) cho biết, nuôi cá lóc trong ao lót bạt ở các tỉnh bạn không phải mới, nhưng với nông dân xã Vĩnh Thái là một bước tiến dài.
Ông Quyện kể, năm 2018, trong một chuyến đi thăm bạn bè ở tỉnh Quảng Bình, ông thấy mô hình nuôi cá lóc trong ao lót bạt khá hiệu quả nên quyết định thử sức.
Ông Quyện đã vay ngân hàng để xây 2 ao nuôi (mỗi ao rộng 100m2), sâu 1,2 mét, lót bạt, phần đáy bể có độ dốc để thuận lợi mỗi khi thay nước. Nguồn nước trong bể được ông duy trì khoảng 1 mét. Xung quanh và phía trên ao có mái che bằng lưới nhằm ngăn cá thoát ra ngoài, hạn chế ánh sáng trực tiếp làm tăng nhiệt độ ao nuôi.
Sau khi vệ sinh ao nuôi, trong mỗi ao ông Quyện cho nước giếng khoan vào rồi thả 15.000 con cá giống (loại 500 con/kg). Sau 7 tháng, trừ hao hụt, ông Quyện thu hơn 10.000 con cá nặng từ 0,6 đến 0,7kg. Như vậy, với 2 ao nuôi ông Quyện thu từ 12 đến 14 tấn cá. Với giá bán từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/kg, ông Quyện có doanh thu ít nhất 600 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ cá lóc Vĩnh Thái chủ yếu ở tỉnh Quảng Trị và các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Ông Quyện cho biết, xây 1 ao nuôi cần 25 triệu đồng, tiền giống khoảng 10 triệu đồng, còn lại là tiền điện, nước… Chi phí nhiều nhất là thức ăn cho cá. Cá từ khi thả nuôi đến 2 tháng tuổi mỗi ngày cho ăn 2 bữa sáng và tối. Từ 2 tháng tuổi đến khi xuất bán cho ăn 3 bữa sáng, trưa, tối. Lượng thức ăn có thể linh hoạt tuỳ điều kiện thực tế.
Khi cá còn nhỏ khoảng 3 ngày thay nước một lần. Nhưng khi cá đã lớn cần thay nước 1 ngày 1 lần vào lúc trời dịu mát, tốt nhất là lúc sáng sớm hoặc ban đêm. Thay nước nhằm loại bỏ thức ăn thừa, vệ sinh cá để loại trừ các loại bệnh như nấm. Khi thời tiết khô nóng cần bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn (SN 1966) cũng nuôi 2 ao cá lóc vào năm 2018 và có thu nhập tương tự ông Quyện. Sau 2 năm nuôi cá lóc, ông Tuấn có thu nhập ổn định, đủ nuôi con ăn học và thoát nghèo.
"Nuôi cá lóc khá đơn giản, chỉ tận dụng thời gian rảnh, thời gian chính tôi làm nông nghiệp, phụ hồ, ra khơi. Ở vùng biển bãi ngang Vĩnh Thái, đất đai kém màu mỡ, diện tích manh mún, trồng trọt hiệu quả thấp, cuộc sống khó khăn, nếu không chăn nuôi thì khó mà khá lên được" – ông Tuấn tâm sự.
Nhận thấy nuôi cá lóc trong ao lót bạt có thu nhập ổn định, nhiều người trong thôn đã học hỏi làm theo.
Đến nay, thôn Đông Luật có 7 hộ dân với 14 hồ nuôi. Không chỉ vậy, 7 hộ dân này đã thành lập tổ hợp tác nuôi cá lóc do ông Nguyễn Văn Phúc (SN 1960) làm tổ trưởng. Tổ hợp tác nhằm hỗ trợ kỹ thuật và đầu ra sản phẩm cho các thành viên.
Ông Nguyễn Văn Đào – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thái cho biết, đối với nông dân vùng biển bãi ngang như xã Vĩnh Thái thì thu nhập từ nuôi cá lóc là khá cao.
Tuy nhiên, theo ông Đào, để nhân rộng thành quy mô lớn cần có sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, liên doanh liên kết với doanh nghiệp, cơ sở chế biến để ổn định đầu ra sản phẩm.
"Mô hình nuôi cá lóc trong ao lót bạt không chỉ tăng thu nhập cho nông dân mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương" – ông Đào nhấn mạnh.
Mô hình nuôi cá lóc trong ao lót bạt đang giúp nhiều hộ dân thôn Đông Luật, xã ven biển bãi ngang Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Clip: Ngọc Vũ.