Vùng đất ven sông Đà ở Sơn La, tại đây nông dân đắp bờ đá cuội thành ruộng trồng lúa nước
Giảm nghèo gian nan nơi vùng đất ven sông Đà ở Sơn La, nông dân đắp bờ đá thành ruộng trồng lúa
Văn Ngọc
Thứ sáu, ngày 05/05/2023 07:01 AM (GMT+7)
Là vùng đất cằn cỗi, sản xuất nông nghiệp khó khăn, nông dân đắp bờ đá làm ruộng trồng lúa nước, xã Pắc Ngà (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), con đường giảm nghèo ở đây phải vượt qua nhiều gian nan...
Clip: Trên con đường hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, người dân ở xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La còn phải khắc phục nhiều khó khăn, vượt qua nhiều gian nan...
Pắc Ngà vùng đất dốc và sỏi đá
Lên chuyến đò từ bến cảng Tà Hộc, ngược dòng sông Đà sau gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi cũng đến được xã Pắc Ngà - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Đồng bào nơi đây 100% là dân tộc Thái. Cuộc sống của người dân chủ yếu là tự cung, tự cấp. Hoạt động giao thương buôn bán con rất nhiều hạn chế, chính vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở nơi đây còn ở mức cao.
Giữa cái nắng của buổi trưa hè, ông Vì Văn Quý, bản Noong Cốc, xã Pắc Ngà (Bắc Yên, Sơn La) cùng vợ đang thoăn thoắt với đôi tay gầy khẩn trường làm cỏ cho mạnh ruộng của gia đình. Lau những giọt mồ hôi trên trán, với khuôn mặt hốc hác, làn da nâu đen rám nắng vì quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", ông Qúy chia sẻ: Gia đình ông có hơn 2.000m2 đất ruộng làm được 2 vụ, nhưng có đến 6 miệng ăn. Năm nào được mùa, gia đình ông vừa đủ ăn hết năm. Còn năm nào mất mùa, gia đình ông phải vay mượn thêm để trang trải cho vài tháng cuối năm.
Để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống hàng ngày, gia đình ông Quý chăn nuôi thêm vài chục con gà và đôi lợn thịt. Số đàn vật nuôi này chờ đến cuối năm gia đình ông mới dám đem ra chợ bán. Số tiền bán được ông chia thành 2 phần: phần mua mắm, mua muối và một số đồ dùng để phục vụ gia đình trong mới năm tới; phần còn lại, gia đình ông dành để mua gà, lợn giống về nuôi, với hy vọng trong năm không có dịch bệnh cuối năm có một khoản lo cho gia đình.
"Cuộc sống gia đình tôi và những người dân trong bản còn nhiều khó khăn lắm! Đường xá thì đi lại khó khăn, không làm ăn buôn bán được gì. Nhà tôi cũng làm ruộng nhưng cũng chỉ đủ ăn thôi, không có dôi dư để bán. Tôi mong muốn nhà nước làm đường bê tông để người dân đi lại thuận tiện hơn; hỗ trợ người dân có con giống để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập" - ông Quý nói.
Ở xã Pắc Ngà, không chỉ mỗi gia đình ông Quý mà còn có nhiều hộ gia đình cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Người dân chủ yếu là trồng lúa nước trên những mảnh ruộng bậc thang, làm nương sắn và chăn nuôi nhỏ lẻ để phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Bà Hoàng Thị Un, bản Noong Cóc, xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên (Sơn La) chia sẻ: Vốn là hộ nghèo của xã, thu nhập của gia đình tôi phụ thuộc vào việc trồng sắn trên 2 mảnh nương dốc gần 1 ha. Năm làm nhiều thì gia đình tôi thu về gần 30 triệu đồng. Năm nào mất mùa thi cũng chỉ đủ vốn, coi như năm đó làm không công.
Theo bà Un, đường giao thông đi lại khó khăn, ảnh hưởng rất nhiều đến việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm của gia đình bà làm ra. Bên cạnh đó, gia đình bà khó khăn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi do thiếu kiến thức, hai nữa là gia đình bà không có vốn để đầu tư phát triển kinh tế.
Pắc Ngà vẫn tiến lên phía trước trên con đường giảm nghèo bền vững
Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Pắc Ngà (Bắc Yên, Sơn La) cho biết: Pắc Ngà là xã đặc biệt khó khăn của Huyện Bắc Yên, giao thông đi lại từ xã đến huyện gặp nhiều khó khăn. Xã có 9 bản, hơn 1.400 hộ với hơn 7.000 nhân khẩu, 100% là dân tộc Thái. Cơ cấu kinh tế của xã là sản xuất nông, lâm nghiệp như thâm canh cây lúa nước, ngô, sắn, trồng các loại cây ăn quả và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đời sống vật chất của người dân trong xã còn nhiều khó khăn.
Cũng theo ông Thuận, những khó khăn, rào cản khiến Pắc Ngà còn chậm phát triển là do xã có địa hình phức tạp, độ dốc cao; đất đai canh tác bạc màu; mưa lũ, sạt lở đất xảy ra thường xuyên; giao thông bị chia cắt bởi lòng hồ Sông Đà... làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống của người dân.
Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của người dân còn chậm, còn có một số người dân trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Diễn biến thời tiết, khí hậu cũng một phần làm đã ảnh hưởng đến tình hình phát triển nông nghiệp của địa phương.
"Cái khó khăn nhất của Pắc Ngà hiện nay giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Bởi, Pắc Ngà có địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, trình độ dân chị còn nhiều hạn chế, đường xá đi lại khó khăn. Những nguyên nhân trên dẫn đến việc giao thương buôn bán của người dân gặp khó khăn, nông sản của bà con nông dân tạo ra khó tiêu thụ, dẫn đến thu nhập của người dân còn thấp"- ông Thuận nói.
Chủ tịch UBND xã Bắc Ngà cũng cho biết, bài toán đặt ra với Pắc Ngà hiện nay là hoàn thiện hệ thống giao thông, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Tư những mục tiêu trên, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người thay đổi tập quán sản xuất, bỏ thói quen tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, thâm canh tăng vụ phát triển các mô hình kinh tế trang trại, vườn đồi...; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ nông dân.
Xây dựng các mô hình khuyến nông tự nguyện; đưa cây trồng, con giống năng suất chất lượng cao vào sản xuất; khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung; coi trọng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tìm hướng ra cho sản phẩm nông nghiệp của người dân.
Nổi bật nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Pắc Ngà là năm 2015, Đảng ủy xã tập trung chỉ đạo người dân khai thác ruộng ngập ven sông, cải tạo và mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở các bản Pắc Ngà, Tà Ỉu. Sau 8 năm triển khai, đến nay người dân đã khai hoang trên gần 40 ha ruộng bán ở bản Tà Ỉu, cải tạo hơn 35 ha khu bãi đá thành ruộng để sản xuất 2 vụ tại bản Pắc Ngà.
Ông Vì Văn Păn, bản Pắc Ngà, xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La chia sẻ "Tư khi được xã vận động tuyên truyền, gia đình tôi đã tập chung cải tạo bãi đá do mưa lũ tạo thành ruộng để cấy 2 vụ với diện tích hơn 500m2 đất ruộng. Không chỉ được nhà nước vận động tuyên truyền cải tạo ruộng, gia đình tôi còn được hỗ trợ về giống lúa, phân bón và kỹ thuật chăm sóc lúa theo từng giai đoạn. Giờ gia đình không còn đói ăn nữa, trồng lúa 2 vụ, cả gia đình 5 người đủ ăn quanh năm, năm nào năng xuất còn có lúa dôi dư bán lấy tiền, có thêm thu nhập".
Với những nỗ lực vươn lên của người dân, cấp ủy chính quyền xã Pắc Ngà đến nay, các nương đồi trước đây trồng ngô, trồng sắn, nay đang được thay thế bằng màu xanh của cây ăn quả, cây sơn tra; đàn trâu, bò được nuôi nhốt chuồng vỗ béo làm hàng hóa.. Hiện nay, Pắc Ngà đã có trên 300 ha cây ăn quả các loại, trong đó 50 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 400 tấn quả các loại/năm; sản phẩm chăn nuôi đã trở thành hàng hóa, với trên 33.600 con gia súc, gia cầm.
Cuộc sống người dân có nhiều bước chuyển biến, nên người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn xã đã có trên 5km đường giao thông nội bản được cứng hóa, đạt 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 4%/năm, hộ nghèo 240 hộ, chiếm 17,09%, hộ cận nghèo 308 hộ chiếm 21,94%.
"Giai đoạn 2020-2025, xã Pắc Ngà đề ra các chỉ tiêu chủ yếu, như: Tổng sản lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu đạt trên 26 tấn; giá trị tăng bình quân 5%/năm. Phấn đấu có từ 1 đến 2 sản phẩm OCOP. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 4%/năm, đưa xã Pắc Ngà ra khỏi xã nghèo. Tỷ lệ hộ được dùng điện sinh hoạt an toàn đạt 99%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 47%. Hằng năm Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; có 85% tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên" ông Thuận nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.