Người Lự ở Nậm Tăm của Lai Châu hưởng lợi từ chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số
Người Lự ở Nậm Tăm của Lai Châu hưởng lợi từ chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số
Tuấn Hùng
Thứ năm, ngày 04/05/2023 06:31 AM (GMT+7)
Những năm qua, nhờ được hưởng lợi chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người của Chính phủ, người Lự ở xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, Lai Châu đã vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá.
Clip: Người Lự ở Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu hưởng lợi từ chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn lực giúp người Lự phát triển kinh tế
Người Lự ở xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu chiếm 40% dân số toàn xã. Nằm cách trung tâm huyện lỵ 50km, Nậm Tăm là xã thuần nông, trung tâm của khu vực vùng thấp của huyện Sìn Hồ. Toàn xã hiện có 10 bản, trên 1.000 hộ dân, hơn 4.600 nhân khẩu.
Năm 2016, Quyết định 2086 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025 được ban hành đã mang đến luồng gió mới, làm thay đổi cơ bản đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nậm Tăm, trong đó có sự đổi thay rất lớn trong đồng bào người Lự.
Đề án được ban hành nhằm phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc thiểu số rất ít người. Xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách bền vững nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng.
Chia sẻ với Dân Việt, bà Tao Thị Chùm, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) cho biết: Từ khi Đề án được phê duyệt và triển khai, xã Nậm Tăm đã chỉ đạo cán bộ công chức chuyên môn và các ban, ngành, đoàn thể xã phối hợp với phòng văn hóa, phòng nông nghiệp tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của đề án đối với 5 bản được thụ hưởng là bản Nậm Ngập, Nà Tăm 1, Nà Tăm 2, Phiêng Chá, bản Pậu.
Đề án là tiền đề, nguồn lực mới hứa hẹn biến ước mơ thoát nghèo và làm giàu của bà con dân tộc thiểu số ở địa phương thành hiện thực. Để Đề án mang lại hiệu quả thiết thực, xã thường xuyên phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật nuôi và chăm sóc phòng chống dịch bệnh ở cây trồng và vật nuôi.
Từ năm 2019 đến nay, Đề án đã cấp phát giống gia cầm cho 5 bản đồng bào Lự sinh sống với trên 12.200 con gà, vịt. Hỗ trợ xây dựng chuồng trại cho 60 hộ với số tiền 120 triệu đồng. Cấp trên 82 nghìn tấn phân bón cho 328 hộ và cấp 1.250 cây giống bưởi da xanh cho 11 hộ với diện tích 2,5ha. Cấp 9,6 tấn giống khoai tây cho 55 hộ với diện tích thực hiện 10 ha. Hỗ trợ nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất cho các bản...
Gia đình anh Tao Văn Nọi, bản Nà Tăm 1 là một trong số hơn 400 hộ đồng bào Lự trên địa bàn xã Nặm Tăm được hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn kinh phí thuộc Quyết định 2086. Trước năm 2019, toàn bộ diện tích đang trồng bưởi da xanh của gia đình anh chỉ dùng để trồng lúa một vụ, hiệu quả kinh tế thấp.
Năm 2019, từ nguồn kinh phí thuộc Quyết định 2086, gia đình anh Nọi được hỗ trợ 100 cây bưởi da xanh để phát triển sản xuất. Với sự giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, vườn bưởi da xanh của gia đình anh Nọi đang phát triển rất tốt. Năm 2022, vườn bưởi đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Dự kiến trong năm 2023, vườn bưởi sẽ là nguồn thu chính và ổn định cho gia đình.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn bưởi xanh tốt của gia đình, anh Nọi hồ hởi cho biết: Nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước đã giúp gia đình tôi có điều kiện để trồng và chăm sóc vườn bưởi. Tôi và gia đình rất vui bởi đã nắm bắt được kỹ thuật trong trồng trọt để phát triển kinh tế một cách hiệu quả.
Hiện nay bản Phiêng Chá, xã Nậm Tăm có 178 hộ, trong đó có 113 hộ là người Lự. Trước đây, cuộc sống của đồng bào dân tộc Lự ở Phiêng Chá còn nhiều khó khăn. Từ khi triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và đặc biệt là Quyết định 2086 đã mang đến cho đồng bào Lự ở đây cơ hội mới để bước tiếp những bước tiến dài.
Giờ đây, đường bê tông được đầu tư đến tận khu sản xuất của bản, nhà văn hóa, các công trình nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng mới. Ông Tao Văn Thòn, Trưởng bản Phiêng Chá, xã Nậm Tăm chia sẻ với chúng tôi: Phiêng Chá quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ sản xuất cho đồng bào Lự nên giờ đây, kinh tế của người dân trong bản đã thay đổi rất nhiều. Cuộc sống bà con từng bước phát triển, xóa đói, giảm nghèo.
Với nguồn lực hỗ trợ từ Quyết định 2086, các bản khu vực đồng bào Lự của xã Nậm Tăm được bố trí nơi ở ổn định, an toàn, có tư liệu sản xuất. 100% hộ nghèo là người Lự đều được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để xây dựng nhà ở, đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng hàng hóa. Từ đó nâng cao đời sống và thu nhập, góp phần hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra.
Nguồn lực để người Lự ở Nậm Tăm phát huy bản sắc văn hóa
Qua câu chuyện với bà Tao Thị Chùm, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm, được biết cùng với việc phát triển kinh tế, Đề án cũng đã góp phần hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc và nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào người Lự.
Xã Nậm Tăm đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân là nghệ nhân, người am hiểu, nắm giữ các di sản văn hóa dân tộc tham gia trực tiếp truyền dạy cho thế hệ trẻ với những nghề truyền thống: dệt hoa văn thổ cẩm, làm váy áo, chăn đệm, đan lát và các nhạc cụ truyền thống. Khôi phục, bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nét đẹp về lễ hội Căm Mường, giữ vững các môn thể thao té nước, kéo co, ném còn, đẩy gậy…
Trong năm 2020, xã được hỗ trợ mở 15 lớp truyền dạy nghề với tổng số 583 người tham gia. Trong đó, lớp học nghề dệt truyền thống và lớp tạo sản phẩm mới gắn với sản xuất hàng hóa, sản phẩm du lịch là trên 400 học viên với 40 nghệ nhân truyền dạy. Lớp học tiếng dân tộc bằng hình thức truyền khẩu thông qua loại hình dân ca truyền thống với 30 học viên và 13 nghệ nhân truyền dạy.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Tao Thị Nó, bản Phiêng Chá, xã Nậm Tăm cho biết: Sự hỗ trợ của Đề án đã giúp chúng tôi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm đặc trưng của dân tộc mình.
Thời gian qua, Đề án cũng đã hỗ trợ cho xã Nậm Tăm phục dựng 5 lễ hội "Căm Mường" tại các bản thuộc đề án. Các bản cũng đã thành lập và duy trì 5 đội văn nghệ tại 5 bản. Nhà văn hóa cộng đồng được hỗ trợ trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa cho người dân.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, bà Tao Thị Chùm, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm cho biết: Xã đặc biệt quan tâm tới việc triển khai quyết định 2086. Các chế độ, chính sách được triển khai kịp thời và đúng đối tượng. Đặc biệt là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Lự. Qua đó, được người dân đồng tình ủng hộ.
Nguồn lực từ Quyết định 2086 đã giúp vùng đồng bào dân tộc Lự xã Nậm Tăm từng bước khởi sắc. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư khá đồng bộ, sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển. Đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của người dân được nâng cao. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn dưới 10%.
Tại tỉnh Lai Châu, có 20 bản thuộc 3 huyện là Tam Đường, Sìn Hồ và Mường Tè được triển khai Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025. Trong đó, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ có 5 bản đồng bào người Lự được thụ hưởng các chương trình của Đề án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.