Ngã ba biên giới Mường Nhé ở Điện Biên, nơi dân giữ rừng, được hưởng lợi từ rừng
Ngã ba biên giới Mường Nhé ở Điện Biên, nơi dân giữ rừng, được hưởng lợi từ rừng
Vinh Duy
Chủ nhật, ngày 07/05/2023 08:07 AM (GMT+7)
Huyện Mường Nhé (Điện Biên) là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Nhưng người dân nơi ngã ba biên giới này đã chung tay bảo vệ rừng. Giữ rừng, họ được hưởng lợi từ dịch vụ chi trả môi trường rừng; có hộ thu về hơn 100 triệu đồng/năm.
Trong câu chuyện với phóng viên, ông Lò Văn Chiên, Phó Chủ tịch HĐND huyện Mường Nhé cho biết: "Trước đây Mường Nhé có diện tích rừng lớn nhất tỉnh. Những năm trước kinh phí cho chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng chưa cao. Vì thế người dân phá rừng làm nương rẫy rất lớn. Những cánh rừng của Mường Nhé cứ mất theo từng năm. Để giữ rừng Mường Nhé, UBND huyện đã tăng cường, tuyên truyền, vận động người dân giữ rừng và hưởng lợi từ dịch vụ chi trả môi trường rừng".
Theo ông Lò Văn Chiên thì diện tích rừng của Mường Nhé hiện còn trên 125.000ha. Diện tích rừng tại các xã và khu Bảo tồn Thiên nhiên Mường Nhé đang được bảo vệ tốt. Nhờ giữ rừng tốt mà nhiều hộ dân đã thoát nghèo, có vốn để phát triển kinh tế. "Nói đâu xa, bạn cứ lên bản Tả Ló San, xã Sen Thượng xem.
Cả bản có 26 hộ dân với gần 100 nhân khẩu mà nhận quản lý, bảo vệ hơn 2.700ha rừng. Đây là bản được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng nhiều nhất không chỉ ở huyện Mường Nhé mà còn nhiều nhất cả tỉnh, với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng được chi trả cho cộng đồng bản trong năm 2021. Trung bình mỗi hộ thu hơn 100 triệu/năm, đảm bảo an ninh lương thực, lại có vốn đầu tư cho chăn nuôi" ông Lò Văn Chiên chia sẻ.
Đúng như lời ông Phó Chủ tịch HĐND huyện chia sẻ. Chúng tôi đến bản Tả Ló San khi trời chiều đã buông, cái nắng cộng với gió Lào càng làm cho mảnh đất biên viễn thêm ngột ngạt. Vừa đi tuần rừng về, anh Lý Phù Cà tâm sự: "Từ đầu năm đến nay, nắng nóng kéo dai.
Vì thế bản chúng tôi phải thay phiên nhau đi tuần rừng. Phát hiện các đám cháy nhỏ là dập ngay, không để cháy lớn ra khu rừng bản nhận khoanh nuôi, bảo vệ. Bản đã thành lập 2 tổ quản lý bảo vệ rừng, định kỳ mỗi tuần một lần, tổ tuần tra bảo vệ rừng thực hiện tuần tra theo quy định. Nhưng nắng nóng thế này cứ 2 ngày là chúng tôi đi tuần rừng".
Theo anh Lỳ Phú Cà thì nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng không chỉ giúp các tổ tuần tra, bảo vệ rừng hoạt động hiệu quả hơn mà người dân cũng đã nâng cao ý thức trong việc giữ rừng. 2 tổ bảo vệ rừng ngoài tuần rừng, thì còn vận động người dân không săn bắn, chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy. Khi phát hiện sự việc, các thành viên trong tổ sẽ xử lý ngay. Nếu vụ việc phức tạp thì sẽ báo cáo kiểm lâm địa bàn giải quyết.
Quyết tâm giữ rừng Mường Nhé
Với quyết tâm của đồng bào các dân tộc, những cánh rừng Mường Nhé đã xanh trở lại. Tại xã Mường Nhé, công tác quản lý bảo vệ rừng có sự phối hợp giữa kiểm lâm địa bàn với các ban ngành của xã. Lãnh đạo UBND xã xây dựng phương án cụ thể giao cho cộng đồng thôn bản bản thực hiện. Các lực lượng tiến hành phổ biến cho bà con Luật Lâm nghiệp, các nghị định, thông tư của Chính phủ, mỗi bản 2 lần/năm để bà con hiểu được trách nhiệm, quyền lợi của việc bảo vệ, phát triển rừng.
Cùng với đó, thông qua chính sách giao khoán bảo vệ rừng, người dân không còn xem việc bảo vệ rừng là trách nhiệm riêng của lực lượng bảo vệ như trước kia mà đã gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, nhóm hộ và cộng đồng. Người dân xem rừng như tài sản của gia đình, cùng bảo vệ, chăm sóc, hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Ông Lò Văn Lâm, Trưởng bản Mường Nhé 2, xã Mường Nhé cho biết: "Bản Mường Nhé 2 đang quản lý bảo vệ 783ha rừng. Bản chia thành 5 tổ tuần tra bảo vệ rừng. Hàng tháng lần lượt các tổ được phân công đi tuần tra một lần. Trong quá trình đó, nếu gặp ai phá rừng, phát xẻ gỗ thì tịch thu máy mang về xã và báo cáo với kiểm lâm địa bàn để xử lý. Cùng với đó, chúng tôi cũng nhắc nhở bà con nếu phá rừng sẽ bị xử lý và phạt. Lần đầu thì có thể nhắc nhở nhưng lần 2 sẽ báo lên cấp trên, giao cho Hạt Kiểm lâm để xử lý".
Xã Sín Thầu có tổng diện tích tự nhiên trên 17.000ha, trong đó khoảng 13.000ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 60%. Để bảo vệ rừng đồng nghĩa với bảo vệ nguồn thu không nhỏ từ tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả, mỗi bản của xã Sín Thầu thành lập từ 2 - 3 tổ bảo vệ rừng. Cùng với đó, UBND xã Sín Thầu tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định của pháp luật, lợi ích của việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đến với người dân thông qua các buổi họp bản, trên hệ thống loa của bản.
Xã tiến hành ký cam kết bảo vệ rừng tới từng hộ dân. Với cách làm này, nhận thức của người dân ngày một nâng cao, các bản đã chủ động đưa công tác phát triển, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng vào hương ước, quy ước của bản, được người dân hưởng ứng.
Năm 2022 đã chi trả hơn 88 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng trên địa bàn Mường Nhé. Hiện nay Mường Nhé là huyện được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng nhiều nhất tỉnh. Trung bình mỗi hộ dân có thu nhập gần 10 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, tại bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, hộ nhận được số tiền cao nhất lên tới trên 120 triệu đồng/năm. Người dân đã sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng phát triển sinh kế thông qua phát triển kinh tế ngoài rừng, từ đó hạn chế khai thác gỗ và lâm sản phụ, góp phần bảo vệ, phát triển "lá phổi xanh" của thiên nhiên.
Việc triển khai thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. Góp phần phát triển rừng trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rừng tự nhiên bị xâm phạm. Được chăm sóc, bảo vệ cẩn thận, những cánh rừng tại Mường Nhé ngày càng phát triển, nhân lên thêm nhiều mảng màu xanh tốt trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.