Truyền thuyết kể rằng một lần thấy hai con trâu thần từ dưới sông lên bờ húc nhau, Yết Kiêu đã dùng đòn gánh đánh đuổi, sau đó nhặt được mấy chiếc lông trâu, khi cầm lên ngắm tự nhiên thấy máu bừng lên mặt liền chạy ra sông, lao xuống nước, nước rẽ đôi, lên bờ thấy lông không ướt, Yết Kiêu liền nuốt vào bụng.
Từ đó thân thể cường tráng, trí lực phi thường, bơi lội dưới nước như đi trên đất bằng (nhập thủy như phúc bình địa). Sau này ông theo hầu Trần Hưng Đạo rồi cùng với Dã Tượng trở thành cận vệ trung thành, tài trí và mưu lược của vị quốc công Tiết chế triều Trần và được khen ngợi rằng: “Chim Hồng hộc bay được cao và xa là nhờ 6 cái trụ lông cánh, nếu không khác gì chim thường. Yết Kiêu, Dã Tượng là cánh chim hồng hộc của ta”.
Khi giặc Nguyên - Mông kéo vào xâm lược nước ta, trên đường thủy chúng đã gặp phải những thiệt hại đáng kể, bằng tài sông nước của mình, Yết Kiêu đã được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng “đặc công nước” dùng tài lặn đánh đắm thuyền giặc.
Họ không quản mùa đông giá rét, đêm đêm lặn xuống biển, nằm dưới đáy thuyền, lấy dùi sắt nhọn đục thủng thuyền, nước tràn vào làm thuyền giặc bị chìm ngay.
Quân giặc sợ lắm, lúc đầu chúng không hiểu vì lẽ gì, sau giặc dùng lưới để ngăn chặn; một lần không may Yết Kiêu bị giặc bắt, chúng hỏi ông: “Nước Nam bao nhiêu người có tài bơi lặn như mày?”.
Ông đáp: “Nước Nam có rất nhiều người có tài bơi lặn như tôi. Hiện nay, họ vẫn ẩn nấp ở dưới biển để đục thuyền, chỉ một mình tôi vì kém cỏi chẳng may bị bắt. Nếu các ông tha tôi ra tôi sẽ dẫn các ông đến chỗ họ ẩn nấp, tha hồ cho các ông bắt”.
Bọn giặc hý hửng tưởng bở, chúng lấy một chiếc thuyền nhỏ chở ông đi. Thừa lúc giặc sơ ý và không nhìn thấy, ông nhảy tùm xuống biển, lặn trốn về doanh trại quân ta, tiếp tục cùng quân dân ta đánh giặc cứu nước, gây cho chúng những kinh sợ trên đường thủy.
Thực ra từ thời Hùng Vương, do địa hình, điều kiện tự nhiên với hệ thống sông ngòi chằng chịt, hồ biển dài nên giao thông đường thủy ở nước ta đã phát triển. Vì thế, truyền thống thạo nghề sông nước qua lịch sử đấu tranh giữ nước và giành độc lập dân tộc đã được phát triển thành truyền thống thạo thủy chiến và liên tục được các thế hệ kế thừa, phát triển và hình thành nên một lực lượng với nghệ thuật đánh “đặc công nước” đã xuất hiện từ sớm dưới dạng những người lính thủy giỏi nghề bơi lặn, dùng dùi sắt nhọn đục thuyền đối phương, hoặc dùng thuyền đặc chủng bí mật bất ngờ đánh hỏa công.
Thời Lý, trong một tờ khải tâu lên vua Tống góp bàn về việc tiến binh xâm chiếm nước ta, một đại thần là Triệu Bổ Chi đã viết: Vả lại người Giao Chỉ giỏi thủy chiến. Từ xưa truyền lại rằng người Việt lội xuống nước đội thuyền địch để lật úp. Đỗ Mục nói chúng có kẻ đi chìm dưới đáy biển 50 dặm mà không thở. Hiện nay, thuyền buôn thường gặp giặc biển, bị chúng lặn dưới nước đục thuyền.
Lời bàn:
Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay thì vào thời nhà Trần trị vì, tất cả các quý tộc và quan lại đều có gia nô, thậm chí có quý tộc gia nô đông đến hàng ngàn người. Mà đã là gia nô thì phải suốt đời phục dịch cho chủ và trong xã hội, không ai có địa vị thấp hèn như họ cả.
Thường thì họ bị chủ khắc dấu vào thân thể, kể như vật sở hữu riêng. Khi chủ chết, có khi họ còn bị đem đi hỏa thiêu hoặc chôn sống theo chủ. Thân phận tuy khổ nhục như vậy nhưng khi vận nước lâm nguy, chính họ lại có những cống hiến xuất sắc. Và danh tướng Yết Kiêu, Dã Tượng là những đại biểu nổi bật nhất của họ, những người tận trung vì đại nghĩa cứu nước.
Và từ giai thoại trên cho chúng ta thấy từ thời nhà Trần trở về trước các triều đại của nước ta đã xây dựng được những đội quân quen nghề sông nước và cơ động chủ yếu bằng thuyền.
Điều đặc biệt là đội quân ấy ra đời một cách tự nhiên bên cạnh những đội quân bộ và trở thành hai bộ phận chủ yếu trong lực lượng vũ trang truyền thống của dân tộc ta. Phát huy truyền thống đó, Hải quân Nhân dân Việt Nam nói chung và bộ đội đặc công nước nói riêng đã và đang ngày đêm phát huy trí tuệ và sức mạnh của mình để giữ gìn vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.