Bến Ninh Hải bên dòng sông Cấm thuộc Hải Dương xưa thành cảng Hải Phòng thời Pháp thuộc
Bến Ninh Hải bên dòng sông Cấm thuộc Hải Dương xưa trở thành cảng Hải Phòng sầm uất thời Pháp thuộc
Thứ năm, ngày 20/04/2023 13:07 PM (GMT+7)
Từ bến Ninh Hải bên sông Cấm, từ 1887 trở về trước thuộc địa phận tỉnh Hải Dương, một tụ điểm buôn bán, đã nhanh chóng trở thành đô thị sầm uất- cảng biển Hải Phòng trong những thập niên cuối của thế kỷ XIX thời Pháp thuộc.
Cảng Hải Phòng là cửa khẩu giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp - thương mại, đầu mối giao thông, có vị trí chiến lược quân sự quan trọng trong thời thuộc Pháp.
Từ bến Ninh Hải
Vùng đất Hải Ninh/Hải Phòng có một mạng lưới sông ngòi chằng chịt gồm các chi lưu của sông Hồng, sông Thái Bình như sông Bạch Đằng, sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc, và các sông nhỏ hơn là chi lưu của các con sông này…
Tất cả các con sông lớn, nhỏ trong vùng đã tạo nên một thể liên kết thống nhất trên địa bàn và với cả châu thổ và thượng du sông Hồng. Nơi đây là một trong những cửa ngõ giao thông quan trọng của vùng Bắc Bộ.
Mặc dù có những điều kiện khá thuận lợi song tình hình chính trị khu vực này từ đầu thế kỷ đến giữa thế kỷ XIX lại thường xuyên mất ổn định.
Các cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành (những năm 1820), của Lê Duy Phụng (những năm 1860) mặc dù cuối cùng đều thất bại song đã tạo ra tình trạng mất kiểm soát của chính quyền trong suốt một thời gian dài.
Cùng với đó là nạn hải tặc (chủ yếu có nguồn gốc từ miền Nam Trung Hoa) đã làm cho tình hình chính trị, an ninh ngày càng bất ổn.
Nỗ lực xây dựng một hệ thống an ninh đủ mạnh để bảo vệ và quản lý vùng duyên hải này vào những năm 1860 - 1870 của nhà Nguyễn đã bị chững lại bởi những khó khăn tài chính và sự xâm lăng của thực dân Pháp ở Đà Nẵng và Nam bộ.
Mặt khác, từ đầu thế kỷ XIX, việc triều Nguyễn chủ trương mở trung tâm kinh tế đối ngoại cho Đàng Ngoài ở Nam Định đã vô tình tạo ra tình trạng buôn lậu của thương nhân người Hoa ở Ninh Hải ngày càng phức tạp và trầm trọng hơn.
Cảng Hải Phòng được thực dân Pháp xây dựng với quy mô lớn. Ảnh tư liệu
Trước tình trạng một số thương nhân người Hoa có liên quan đến những rối loạn ở vùng duyên hải Đông Bắc nên năm 1855 triều đình Huế phải tuyên bố lệnh cấm các thuyền buôn Trung Hoa đến buôn bán ở Ninh Hải. Nhưng lệnh cấm này vẫn không giải quyết được vấn nạn buôn lậu đồng thời còn thất thu thuế.
Sau đó, Nguyễn Trường Tộ đã điều trần nêu rõ việc phải mở cửa biển ở Ninh Hải cho các hoạt động thương mại, tăng cường hàng hải và hỗ trợ cho người buôn bán. Phạm Phú Thứ đề nghị mở cảng thương mại ở Hải Yên; Trần Đình Túc và Nguyễn Duy Tế đề nghị mở cảng, lập phố ở khu vực cửa Trà Lý, tỉnh Nam Định.
Song một số ý kiến lại cho rằng khu vực cửa biển Ninh Hải thích hợp hơn. Năm 1872, các cơ quan về quản lý các hoạt động thương mại của triều Nguyễn đề nghị cho mở 3 cửa biển là Đà Nẵng, Ba Lạt và Đồ Sơn. Song rút cục chủ trương này vẫn không thực hiện được vì nhiều khó khăn, nhất là tài chính quá eo hẹp. Ninh Hải vẫn chưa thể thành cảng.
Đến cảng Hải Phòng thời thuộc Pháp
Từ năm 1857, người Pháp đã xác định phải xâm chiếm bằng được Việt Nam và Đông Dương làm thuộc địa và để tiến vào vùng Vân Nam (Trung Hoa).
Bởi vậy, ngay sau khi thiết lập được bộ máy cai trị ở Nam Kỳ, từ tháng 6/1866, một phái đoàn khảo sát do đại úy hải quân Doudart de Lagrée chỉ huy ngược sông Mê Kông hướng tới Vân Nam. Sau hơn 1 năm, họ tới được biên giới Trung Quốc và nhận thấy việc sử dụng sông Mê Kông là không khả thi nhưng họ lại phát hiện ra con sông Hồng thì thuyền bè có thể đi lại đến tận cửa sông.
Năm 1872, họ tiếp tục cử đại úy hải quân Vincen F. Senez làm thuyền trưởng tàu Bourayne đi thăm dò các vùng duyên hải Bắc Kỳ và tiếp tục khảo sát con đường thủy theo sông Hồng lên Vân Nam. Đến đây, Ninh Hải được biết đến như một cửa ngõ tiến vào vùng châu thổ Bắc Bộ và Vân Nam.
Sau đó, thương nhân Jean Dupuis đã đưa thương thuyền khám phá con đường thủy từ Ninh Hải lên Vân Nam. Từ 3/1873 - 3/1874, người Pháp liên tục dùng sức mạnh quân sự và ngoại giao để ngày 15/3/1874 triều đình Huế phải ký Hiệp ước Giáp Tuất, trong đó có điều khoản quan trọng nhất là mở cửa Ninh Hải, khai thông tuyến giao thương cửa Cấm - sông Hồng - Vân Nam.
Tiếp đó, ngày 31/8/1874, người Pháp buộc nhà Nguyễn ký “Hiệp ước thương mại” chính thức hóa việc mở cửa biển Ninh Hải, nắm quyền kiểm soát các hoạt động thương mại, xác lập đặc quyền kinh tế, quyết định việc ra vào của tàu thuyền nước ngoài. Trong những năm tiếp theo, người Pháp tiếp tục hoàn thiện bộ máy hành chính đồng thời với tập trung xây dựng và khai thác cảng.
Sau cuộc đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai, người Pháp buộc triều đình ký hiệp ước Harmand (1883), tiếp đó là hiệp ước Patenôtre. Ngày 11/9/1887, theo Nghị định của Tổng trú sứ Bắc - Trung Kỳ, tỉnh Hải Dương tách thành hai tỉnh Hải Dương và Hải Phòng. Ngày 19/7/1888, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập TP Hải Phòng và Hà Nội. Ngày 1/10/1888, vua Đồng Khánh ra đạo dụ nhượng hẳn Hải Phòng cho Pháp.
Để thực hiện chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1914), cảng Hải Phòng được xác định là một đầu mối giao thông của cả Bắc Kỳ. Sau nhiều tranh cãi về sự lựa chọn địa điểm, cuối cùng, tháng 2/1903, người Pháp đã chính thức xem Hải Phòng là “cảng lớn xứ Bắc Kỳ” và bắt tay vào việc xây dựng.
Ngay từ đầu, cảng và các công trình phụ cận được bố trí ở dọc bờ sông Cấm, tận dụng sông Cấm, sông Tam Bạc và sau này cả kênh vành đai phục vụ cho việc ra vào của tàu thuyền. Trong suốt 3 thập kỷ đầu thế kỷ XX, người Pháp đã đầu tư xây dựng, mở rộng và hiện đại hóa thiết bị của cảng Hải Phòng, tập trung nhất là khoảng từ 1912 - 1921.
Đến năm 1923, cảng đã có 6 hệ thống cầu tàu biển, 1 cầu tàu sông, một số cầu tàu xi măng cho xà lan, các cầu gỗ và hệ thống đường ray nối liền các kho hàng, bến bãi cùng cần cẩu phục vụ việc bốc dỡ hàng hóa.
Do lượng phù sa của sông Cấm quá lớn nên dự án đào một “lạch cửa Nam Triệu” đã ra đời. Khởi công từ năm 1904, đến năm 1920 lối vào cảng đã hoàn tất với một con kênh rộng 80m, dài 8.000m, sâu 5,5m.
Tuy nhiên, bùn lắng đọng của sông Cấm quá lớn, cho dù nạo vét liên tục nhưng cho đến năm 1921 thì những tàu lớn có mớn nước trên 7,5m vẫn phải đỗ ở vịnh Hạ Long hoặc vịnh Quảng Yên để trung chuyển về cảng và ngược lại.
Các công trình phụ trợ khác như hệ thống nhà kho, cung cấp nước ngọt, trụ sở Hải quan, các trạm kiểm dịch, đèn biển trên đảo Long Châu, đảo Hòn Dáu, phao tiêu chỉ dẫn các luồng lạch ngoài biển, kè đá từ bến sáu Kho đến cầu Ngự… cũng được xây dựng. Hải Phòng trở thành cảng lớn thứ 2 ở Đông Dương.
Cảng Hải Phòng còn được kết nối hệ thống đường bộ thuộc địa và hệ thống đường sắt Đông Dương.
Hoạt động đầu tiên của người Pháp ở cảng Hải Phòng là Sở Thuế đoan Ninh Hải theo “Hiệp ước thương mại” ký tháng 8/1874. Năm 1875, người Pháp xây dựng Nha Thương chính và ra đạo luật thuế quan bảo đảm sự độc quyền cảng của họ.
Năm 1874, họ thu thuế quan được 75.000 quan, năm 1875 là 182.000 quan; năm 1880 là 271.000 quan, năm 1885 là 502.000 quan và 1901 là 16.315.257 quan. Về khai thác thương mại, ngay từ năm 1876 đã nhập 46 vạn franc, xuất 28,5 vạn franc hàng hóa, chiếm 4/5 tổng hàng hóa xuất nhập của Bắc Kỳ.
Mặt khác, người Pháp sử dụng cảng Hải Phòng để vận chuyển hàng hóa quá cảnh, đặc biệt là từ các thị trường Hongkong, Nga, Mỹ, Ấn độ, Nhật Bản, châu Âu đến Vân Nam và ngược lại.
Số lượng tàu vào ra cảng Hải Phòng ngày càng nhiều. Từ năm 1900 - 1939 có 29.421 lượt vào ra, tổng tải trọng 40.547.453 tấn. Bình quân mỗi năm đón khoảng 754 chiếc vào ra; tổng hàng nhập khẩu là 5.597.246 tấn; xuất khẩu là 15.045.131 tấn. Từ 1940 - 1953, cảng Hải Phòng có 15.431 tàu vào ra, trung bình 1.187 chiếc năm.
Cảng Hải Phòng cũng là động/nguồn lực để Hải Phòng phát triển thành một đô thị cảng, công nghiệp và thương mại lớn nhất Bắc Kỳ.
Trong suốt 3 thập kỷ đầu thế kỷ XX, người Pháp đã đầu tư xây dựng, mở rộng và hiện đại hóa thiết bị của cảng Hải Phòng, tập trung nhất là khoảng từ 1912 - 1921. Đến năm 1923, cảng đã có 6 hệ thống cầu tàu biển, 1 cầu tàu sông, một số cầu tàu xi măng cho xà lan, các cầu gỗ và hệ thống đường ray nối liền các kho hàng, bến bãi cùng cần cẩu phục vụ việc bốc dỡ hàng hóa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.