Thành phố lớn nhất tỉnh Hải Dương soi bóng xuống hai dòng sông nào?

Thứ ba, ngày 07/02/2023 05:00 AM (GMT+7)
TP Hải Dương - thành Đông đã có một lịch sử đủ dài để nhìn lại mình, chiêm nghiệm và cũng có đủ sự bộn bề lo toan để tính chuyện tương lai phát triển.
Bình luận 0

Kết nối quá khứ và hiện tại

Thiên nhiên đã ưu ái dành cho người xứ Đông một vùng đất đắc địa trên ngã ba sông Thái Bình và sông Sặt để định trấn sở, sau khi đã di chuyển từ Mạc Động (Chí Linh) về Mao Điền (Cẩm Giàng). Thành trì hiểm yếu, bảo vệ trấn giữ phía đông kinh thành Thăng Long, nhưng tường thành cũng chỉ đắp bằng đất cao chừng bốn mét, có hào nước bao bọc xung quanh. 

Với diện tích 35 ha và dân số cả quan, lính và dân khoảng 2.700 người. Ngày nay hào thành lịch sử còn lại như một con mương thoát nước từ đường Chi Lăng vòng sau Bệnh viện Quân y 7 đổ nước ra hồ Bình Minh. 

Thành phố lớn nhất tỉnh Hải Dương soi bóng xuống hai dòng sông nào? - Ảnh 1.

 Sông Sặt chảy qua TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

 

Thời thuộc Pháp, năm 1923, toàn quyền Đông Dương nâng cấp đô thị Hải Dương lên thành phố, trở thành đô thị lớn thứ tư ở miền Bắc, nối liền TP Hà Nội với TP Hải Phòng.

 

Trải qua vật đổi sao dời thành phố hiện có 25 đơn vị hành chính, gồm 19 phường, 6 xã với tổng diện tích 111,62 km2, dân số (cả dân số quy đổi) trên 522.000 người. 

Theo quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2050 là thành phố trực thuộc trung ương. Như vậy TP Hải Dương sẽ là thành phố trong thành phố, mô hình tương tự như TP Thủ Đức của TP Hồ Chí Minh? 

Tôi liền mở laptop “hỏi ông Google” biết được diện tích TP Hải Dương hiện nay vừa đúng bằng diện tích của TP Thủ Đức, nhưng dân số chỉ bằng một phần ba. 

Đáng chú ý là TP Hồ Chí Minh  có quy mô GRDP lớn nhất cả nước, trong đó TP Thủ Đức đóng góp 8%. Không thể so sánh trình độ phát triển, thu nhập của một thành phố phát triển nhất nước với một tỉnh nông nghiệp khu vực phía Bắc, nhưng ít ra nó cũng gợi lên một tầm nhìn, định vị trình độ phát triển. 

TP Hải Dương là đơn vị dẫn đầu của cả tỉnh, giá trị công nghiệp, xây dựng đã chiếm tỷ trọng trên 70%. Cơ cấu kinh tế thành phố đóng góp khoảng 25% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp và gần 67% vào tổng giá trị của ngành thương mại dịch vụ của tỉnh.

Trên cơ sở mục tiêu, định hướng chung của tỉnh, TP Hải Dương đã xác lập vị thế và mở ra tầm nhìn quy hoạch phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 với vai trò là trung tâm hành chính chính trị, kinh tế, văn hoá, du lịch, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo của tỉnh Hải Dương. 

Là đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng lân cận. Đầu mối kết nối giữa thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng, Quảng Ninh. Là cửa ngõ của thủ đô hướng ra biển, đầu mối trung chuyển  trọng yếu về giao thông đường thuỷ trong vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Định hướng lớn và tầm nhìn nêu trên, tôi dẫn ra từ dự án nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung của TP Hải Dương đến năm 2040. Công trình nghiên cứu của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, tiếp nối và điều chỉnh quy hoạch tổng thể do công ty tư vấn của Nhật Bản thực hiện được UBND tỉnh quyết định phê duyệt năm 2017. 

Trong bối cảnh TP Hải Dương là đô thi loại hai nay đã được công nhận là đô thị loại một. Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI xác định mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để tỉnh sớm là thành phố trực thuộc trung ương.

 

Thành phố lớn nhất tỉnh Hải Dương soi bóng xuống hai dòng sông nào? - Ảnh 3.

Theo quy hoạch của TP Hải Dương, ven sông Thái Bình sẽ hình thành những dải dịch vụ du lịch, thương mại

 Nhìn dài rộng tương lai

Có lẽ được khích lệ bởi thành công và sự nổi tiếng của TP Đà Nẵng từ khi quan tâm đến khai thác du lịch và đầu tư phát triển hai bờ sông Hàn; cả TP Hà Nội cũng quyết định phát triển thành phố hai mặt quay ra sông Hồng, nên TP Hải Dương xác định: là thành phố bên sông. 

Không nên nghĩ đó là điều tự nhiên, bình thường, mà là ý tưởng rất cơ bản, quyết định xu hướng phát triển của thành phố. Sông Thái Bình bắt đầu từ Lục Đầu Giang (Chí Linh) xuôi ra biển dài khoảng 64 km. Đoạn qua TP Hải Dương chừng 16 km, bắt đầu từ thôn Chi Các (xã Việt Hoà) đến bờ sông xã Ngọc Sơn. Sông Sặt nhận nước sông Hồng từ cống Xuân Quan (Hưng Yên) là trục chính của hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải, qua TP Hải Dương dài 11 km, đổ nước vào sông Thái Bình ở âu thuyền Cầu Cất. 

Theo quy hoạch mới, hai dòng sông là không gian chủ đạo, trọng tâm bố cục không gian đô thị. Hình thành dải cảnh quan trên khu vực hai bên bờ sông, phát triển các khu đô thị sinh thái, khu dịch vụ giải trí công cộng, sinh thái nông nghiệp. 

Tạo các trục kết nối hai bờ với không gian mở vào trong lõi đô thị cũ và trung tâm mới nam sông Sặt, bờ phía bắc và đông sông Thái Bình. Kích hoạt và tạo sự sôi động, đưa không gian ven sông trở thành khu vui chơi hấp dẫn. 

Trong 6 khu vực phát triển của thành phố, có hai khu vực trong không gian sông Thái Bình và không gian sông Sặt. Với không gian sông Thái Bình (quy mô hơn 1.000 ha) dọc bờ sông, hình thành những dải dịch vụ du lịch, thương mại. Đáng chú ý là hai công viên sinh thái ngập nước, tạo không gian vui chơi giải trí đồng thời là nơi chứa lũ cục bộ khi trời mưa to (thuộc khu vực hai xã cũ của Thanh Hà mới sáp nhập vào thành phố). 

Với không gian cảnh quan sông Sặt, quy hoạch các đảo đô thị du lịch, mở thêm các quảng trường, cơ sở thương mại, dịch vụ… có các điểm nhìn đẹp để đối hướng nhìn ra không gian sông Thái Bình. Khu vực Đảo Ngọc (hiện do Tập đoàn Nam Cường quản lý) hình thành khu vui chơi giải trí, thể thao cao cấp. Xây dựng bệnh viện đa khoa tại khu vực đô thị mới Thạch Khôi thành trung tâm y tế cấp vùng. 

Bên cạnh là khu nông nghiệp công nghệ cao. Ven sông Sặt, khu công nghiệp Đại An đang triển khai một bến cảng nội địa. Vai trò quan trọng của sông Sặt là vận tải thuỷ. Phía sông Thái Bình tại khu vực cầu Bình Hàn dự định mở một bến ca nô chở khách tham quan lên đến Kiếp Bạc và đưa khách du lịch đường sông hướng ra ven biển, ghé bến lên đền thắp hương chiêm bái quan lớn Tuần Tranh, mua bánh gai Ninh Giang rồi tiếp tục tham quan khu rừng ngập mặn Hải Hậu (Nam Định) với rừng cây và những đàn chim di cư từ bốn phương tụ hội. 

Còn ngay ở Hải Dương hai phía bãi sông sẽ là khu du lịch sinh thái, khách du lịch có thể lướt bên những khu sinh thái ven sông với những vườn vải, vườn cam, vườn ổi, nghỉ ngơi tại những nhà vườn, ngắm cảnh sông đêm trăng và đón gió từ phía biển. Nhất là khung cảnh bình minh, khi mặt trời từ phía biển nhô lên, thành phố hai bên sông với những công trình kiến trúc nhiều vẻ nhuộm nắng như được dát vàng rực rỡ, lung linh soi bóng xuống dòng sông.

 Vẻ đẹp sớm mai của đất này từ xưa cũng đã từng say lòng viên công sứ người Pháp khi ông ta viết thư về cho sếp ở Bộ thuộc địa giải nghĩa với cảm hứng đầy lý thú: “Hải Dương có nghĩa là ánh dương của miền duyên hải” (theo lời dịch của ông Lưu Đức Ý).

Quy hoạch là hoạch định, mở ra viễn cảnh của tương lai, phải được hiện thực hoá từng bước, từng năm, từng nhiệm kỳ. Thách thức lớn nhất là nguồn lực. Trong thời gian trao đổi ngắn ngủi chiều cuối năm, ông Trần Hồ Đăng, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Các công trình biệt thự tầm cỡ kiến trúc khá đẹp dọc hai phía sông Sặt đoạn từ trong thành phố đến âu thuyền và dãy phố nhà hàng, khách sạn mới nổi trên đường Trường Chinh vài năm gần đây cho thấy tiềm lực trong dân rất lớn. 

Về đối nội, thành phố rất coi trọng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp và người dân mở mang kiến thiết. Đối ngoại là phải tạo môi trường hấp dẫn đầu tư để có thêm những nhà đầu tư tầm cỡ đến làm ăn…”.

Chúng tôi nêu vấn đề khắc phục tình trạng ô nhiễm, úng ngập cục bộ và ứng phó với nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ông Trần Hồ Đăng cũng nói ngắn gọn: “Ba trạm bơm tiêu đều sẽ được nâng cấp. Hệ thống đường ống, đầu nối tăng khẩu độ để thoát nước nhanh. Khắc phục úng ngập cục bộ, đối phó với tình hình nước biển dâng thì công trình xây dựng kiên cố phải quan tâm đến nâng cao cốt nền, xác định cốt nền xây dựng ở từng khu vực…”.

Về bất cập trong hoạt động xây dựng, tôi có cuộc hẹn gặp tham khảo thêm ý kiến của ông Nguyễn Tiến Hoá, nguyên Giám đốc sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Xây dựng của tỉnh. Dù nghỉ hưu đã hàng chục năm nhưng ông Hoá vẫn chưa thôi trăn trở. 

Ông chia sẻ: "Để khắc phục ô nhiễm sông Sặt, phải phối hợp với các địa phương đầu nguồn hệ thống Bắc Hưng Hải cùng quyết liệt với các cơ sở xả thải chưa xử lý. Thành phố đã dự kiến kè đá hai phía bờ sông, vận động các hộ dân bố trí lại khu vực vệ sinh, không xả thải trực tiếp ra sông. Với các hộ chuẩn bị xây dựng, yêu cầu quay mặt cả ra sông. 

Thường xuyên kiểm tra nước thải bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường. Về cốt nền, khi tôi còn làm việc đã khảo sát cắm cột mốc nền ở khu vực phố Sơn Hoà, nhưng nay cốt nền đã không còn giữ được. Phải khảo sát cao độ cả khu vực để có khoảng ba cốt nền trong thành phố để bà con đều biết khi thiết kế công trình xây dựng". 

Vui câu chuyện, chúng tôi trao đổi những dự kiến quy hoạch về lĩnh vực giao thông vận tải. Đáng chú ý là thành phố sẽ mở thêm 6 cây cầu mới trên sông Thái Bình. Đường sắt sẽ được đưa lên cao đoạn qua thành phố, hai ga tàu trên cao là ga Hải Dương và ga Tiền Trung. Ông Hoá thoáng có vẻ trầm ngâm, hạ giọng: Đó là đề xuất của thành phố, còn phải chờ quyết sách của Trung ương về cả tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng.

Về làm cầu, ông kể lại dự án làm cầu Hàn năm trước và đồng ý với tôi là dù kinh phí khó khăn thì mỗi cây cầu phải là một công trình kiến trúc nghệ thuật. Vì thế mà TP Hà Nội khi triển khai dự án xây dựng thêm cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng đã tổ chức cuộc thi tuyển chọn các phương án kiến trúc, nhấn mạnh yêu cầu kiến trúc nghệ thuật của cây cầu.

Tôi nghĩ ngay đến cầu Phú Lương vốn là biểu tượng của TP Hải Dương, cùng tuổi với cầu Long Biên và cầu Tràng Tiền (Huế). Cầu dài 5 nhịp, 381 m, tĩnh không kết cấu thép hình bán nguyệt bị bom Mỹ đánh sập, đã thay bằng kết cấu thép lan can đều nhau. 

Từ ngày có cầu mới bê tông ở phía trên tôi chưa có dịp thăm lại cây cầu cũ, bây giờ chỉ chuyên dùng cho tàu hỏa và xe thô sơ, người đi bộ qua lại, nên cũng vắng vẻ. Thấy có khách đứng ở đầu cầu, ông Nguyễn Văn Chung, công nhân tuần cầu từ đầu phía đông trở lại. 

Ông cho biết nhiệm vụ của tổ tuần cầu thường xuyên cả ngày lẫn đêm, ngay sau khi có tàu chạy qua là phải lên cầu kiểm tra đường ray, tà vẹt. Nếu phát hiện có gì không an toàn thì phải báo ngay về công ty. Lầm lụi, vắng vẻ, nhưng hơn hai mươi năm nay, ông Chung vẫn gắn bó với công việc tuần cầu. Bởi nhà ông đã ba đời làm nghề cầu đường. 

Ông nội, bố đẻ, đến ông. Ông cho biết con trai cả và con gái đi học và làm việc ở Nhật Bản cũng theo nghề cầu đường. Ông khoe: "Tôi hỏi con, bên Nhật tàu hoả tốc độ bao nhiêu km một giờ, cháu bảo ở Nhật người ta không quen tính đường dài bao nhiêu km mà tính bằng thời gian tàu chạy. Tốc độ tàu cao tốc 380 km một giờ". Tôi bảo ông sắp tới đường sắt Hà Nội - Hải Phòng sẽ thay đường ray khổ một mét mốt bằng khổ một mét tư tiêu chuẩn quốc tế. Tương lai rồi sẽ có tàu cao tốc như bên Nhật. Đến lúc đó có thể ông đã về hưu?

- Thế thì tôi sẽ bảo các cháu chuẩn bị về mà làm thợ cầu như bố ở ngay cầu Phú Lương này, gần nhà với bố mẹ…

 - Thế thì thật tuyệt vời!

 Có tiếng còi tàu báo hiệu. Ông Chung nắm chặt tay tôi chào từ biệt, miệng cười nở nang cả khuôn mặt!

Nguyễn Phúc Lai (Báo Hải Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem