Một làng cổ ở Hải Dương mấy trăm năm nay, đàn bà lại làm nghề của đàn ông
Một làng cổ ở Hải Dương mấy trăm năm nay đàn bà lại làm nghề của đàn ông
Nguyễn Việt
Thứ bảy, ngày 22/04/2023 06:00 AM (GMT+7)
Trước đây, một số ngành nghề thường được mặc định không dành cho phụ nữ, trong đó có nghề mộc, bởi công việc nặng nhọc, vất vả. Nhưng ở một làng cổ ở xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) đàn bà, con gái nơi đây lại làm nghề của đàn ông.
Về đến làng cổ, thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) âm thanh của tiếng máy cưa, máy xẻ, tiếng đục chạm khắc gỗ từ các xưởng mộc nằm rải rác khắp làng vang lên rộn rã. Tìm hiểu được biết, nơi đây có nghề mộc truyền thống mấy trăm năm tuổi.
Đến các gia đình làm mộc hay xưởng mộc, điều đáng chú ý, đó là phụ nữ ngồi đục, chạm khắc, chà nhẵn, đánh giáp... Nghề mộc vốn nặng nhọc, bụi bặm tưởng chỉ dành cho đàn ông, ấy vậy mà, nhiều "bóng hồng" nơi đây làm nghề của đàn ông rất thành thục, lành nghề, nhát đục mạnh mẽ, dứt khoát, các hoa văn được tạo hình lại mềm mại.
Thấy tôi ngạc nhiên, anh Bùi Hoàng Lượng trưởng thôn Cúc Bồ cho biết: "Trước đây những người thợ mộc làng Cúc Bồ chủ yếu đi "kiếm cơm thiên hạ". Đến đâu, ai thuê đóng đồ là ở lại làm luôn, chứ không mở xưởng mộc làm tại nhà. Do tính chất làm việc xa nhà, nặng nhọc nên chỉ có đàn ông làm mộc, còn đàn bà ở nhà chăm lo nhà cửa, con cái, cấy hái mùa màng".
Cũng theo anh Lượng: "Mấy chục năm trở lại đây, những người thợ mộc lành nghề, có vốn trở về mở xưởng tại nhà. Từ khi có xưởng mộc, phụ nữ làng Cúc Bồ mới tham gia làm mộc. Ban đầu chỉ làm những lúc nông nhàn, rỗi rãi để phụ giúp chồng hoặc làm thuê cho các xưởng trong làng để có thêm thu nhập. Nhưng giờ đây nhiều chị em làm chuyên nghiệp, ngày công khá cao trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình".
Đến nhà vợ chồng anh Bùi Huy Giang, chị Bùi Thị Minh gặp lúc 2 vợ chồng đang miệt mài làm việc, người đục, người dùng máy tạo hoa văn cho sản phẩm.
Chị Minh thao tác công việc một cách thuần thục, lành nghề. Nghỉ tay, chị Minh tâm sự: "Em làm nghề mộc đến nay được 17 năm nay rồi, từ khi lấy nhà em. Do nhà em cũng làm mộc nên từ bé em đã tiếp xúc, quen với công việc này nhưng hồi đó em không làm nghề.
Đến khi lấy chồng, ở nhà chồng cũng làm nghề mộc nên chị Minh mới làm mộc để phụ giúp chồng. Chồng chị là người hướng dẫn các thao tác, kỹ thuật đục, chạm khắc cho em. Do cũng sống trong môi trường nhà làm nghề nên chị tiếp thu cũng nhanh.
"Hồi đầu làm cũng thấy mệt sau cũng quen, giờ thấy bình thường. Với lại có vợ có chồng làm cùng cũng vui và thu nhập gia đình nhờ đó cũng nhiều hơn. Mỗi tháng thu nhập của vợ chồng em cũng đạt 30 triệu đồng", chị Minh thổ lộ.
Anh Giang vui vẻ chia sẻ thêm: "Có hai vợ chồng làm cũng trôi việc, em làm khâu pha gỗ, vẽ hình, đục tạo hình ban đầu, vợ làm khâu hoàn thiện sản phẩm. Nhà em có thể làm mọi việc liền quan đến nghề mộc. Giờ vắng vợ mấy ngày là ách tắc ngay".
Đến thăm xưởng mộc của vợ chồng chị Bùi Thị Thủy, tôi thấy công nhân đều đang làm việc khẩn trương, tiếng máy, tiếng đục rộn ràng, náo nhiệt. Xưởng của vợ chồng chị Thủy có 25 công nhân, trong đó có 5 lao động nữ. Do đặc thù của xưởng chuyên làm nhà cổ, đình, đền, chùa nên các công việc nặng như pha gỗ, làm cột, làm kèo và đi lắp ghép nhà cho khách sẽ do đàn ông làm. Còn lao động nữ làm tại xưởng với các phần việc đánh giấy giáp làm nhẵn gỗ, chà bóng, làm sạch hoàn thiện sản phẩm.
Tôi thấy chị Thủy và chồng cùng lăn xả với công việc. Chị không nề hà bất cứ công việc gì của xưởng. Cũng như chị Minh, chị Thủy tham gia làm nghề mộc từ khi lấy chồng. Hơn chục năm làm nghề đến nay chị Thủy có thể làm được nhiều khâu của nghề mộc từ pha gỗ, tạo hình, chạm khắc, đục đẽo đến phun sơn... Ngoài ra, chị Thủy còn giúp chồng quản lý, điều hành xưởng hoạt động sản xuất khi chồng dẫn thợ đi làm xa. Vì vậy, công việc sản xuất của xưởng không bị ảnh hưởng tiến độ các hợp đồng đơn hàng.
Việc nhiều, thu nhập cao
Phụ nữ ở các địa phương khác nếu không đi làm xa, đi làm công ty chỉ thuần làm nông nghiệp sẽ luôn đối mặt với tình trạng không có việc làm (những lúc nông nhàn), không có thu nhập hoặc thu nhập bấp bênh. Còn ở Cúc Bồ người dân không lo điều này. Bởi họ có làng nghề mộc mấy trăm năm tuổi "chống lưng".
Ông Lượng trưởng thôn cho biết: Làng mộc Cúc Bồ hiện sản xuất tập trung vào một số nhóm sản phẩm như: sản xuất đồ dùng gia đình và trang trí nội thất; nhóm sản xuất các mặt hàng cao cấp sập, tủ, bàn ghế, tượng, phù điêu và nhóm làm nhà cổ, kiến trúc đình, chùa, đền miếu và tu bổ di tích.
Cùng với việc phát triển của xã hội, nhu cầu sử dụng các sản phẩm đồ gỗ cao nên nghề mộc ở Cúc Bồ phát triển. Bên cạnh đó, chủ các xưởng mộc cũng năng động, nhạy bén, luôn mở rộng quan hệ ngoại giao nên khách hàng nhiều. Vì vậy người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng làm không hết việc.
Anh Bùi Văn Phiến chủ xưởng mộc chuyên làm nhà cổ, nhà thờ, đình, đền, chùa cho biết: "Giờ nhu cầu xây nhà thờ họ, nhà gỗ ngày một nhiều, khách đông chúng tôi làm không xuể. Mỗi năm xưởng của tôi cũng như các xưởng khác làm một hai chục ngôi nhà cũng bơi ra rồi. Không còn sức mà kham".
Cũng theo các chủ xưởng mộc, hiện nay, ngày công của những người làm nghề mộc ở Cúc Bồ cao hơn hẳn so với ngành nghề, công việc khác.
Những lao động làm công việc đơn giản không đòi hỏi nhiều kỹ thuật như chà bóng, đánh giấy giáp cũng được trả công 200 nghìn đồng/ngày, công việc nặng nhọc, đòi hỏi kỹ thuật như pha gỗ, vẽ, tạo hình, chạm khắc công từ 300 – 500 nghìn đồng/ngày. Tương ứng với mức lương từ 6 đến 15 triệu đồng/người/tháng.
Clip: Làng cổ, làng Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương)-làng nghề mộc hàng trăm năm qua ở Hải Dương, đàn bà, con gái làm việc của đàn ông. Thực hiện: Nguyễn Việt.
Trưởng thôn Bùi Hoàng Lượng cho biết, thôn Cúc Bồ có hơn 800 hộ, với hơn 3000 nhân khẩu. Riêng số hộ làm nghề mộc trong thôn có gần 100 hộ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, trong đó có từ 60 – 90 lao động nữ làm mộc. Hằng năm, giá trị sản xuất của nghề mộc Cúc Bồ đạt 117 tỷ đồng. Nhờ đó, đời sống của người dân nói chung và phụ nữ làm nghề mộc nói riêng đều có cuộc sống ổn định, nhiều gia đình trở nên giàu có sung túc.
Trên đường đi, ông Lượng chỉ tay về phía cánh đồng của thôn gần chân đê sông Luộc chia sẻ: "Cánh đồng này địa phương dự kiến sẽ quy hoạch thành khu sản xuất nghề mộc để các hộ làm mộc sẽ tập trung làm ở đây. Nếu thực hiện được điều này nghề mộc Cúc Bồ sẽ có cơ hội phát triển hơn, quy mô hơn sẽ giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động. Chỗ này xa khu dân cư sẽ giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề phát sinh trong quá trình sản xuất. Qua đó, góp phần bảo đảm sức khỏe cho người dân trong thôn".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.