Một ngôi đình cổ ở Hà Nội, dấu ấn trăm năm đúc vàng, bạc của dân làng Châu Khê quê Hải Dương
Một ngôi đình cổ ở Hà Nội, dấu ấn hàng trăm năm đúc vàng, bạc của dân làng Châu Khê quê Hải Dương
Thảo Quyên
Thứ ba, ngày 25/04/2023 10:23 AM (GMT+7)
Nằm trên phố Hàng Bạc sầm uất, đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc, TP Hà Nội) không chỉ là ngôi đình cổ kính mà còn là minh chứng về quá trình hình thành và phát triển của nghề kim hoàn, chế bạc, vàng của dân làng Châu Khê quê Hải Dương tại kinh thành Thăng Long xưa.
Clip: Đính Kim Ngân, một ngôi đình cổ kính ở Hà Nội, nơi gắn liền với sự ra đời nghề đúc vàng, bạc của dân làng Châu Khê, quê ở Hải Dương gây dựng nên nghề kim hoàn truyền thống ở kinh thành Thăng Long. Đình Kim Ngân là một trong những công trình kiên trúc cổ mang nét văn hóa giữa không gian phố cổ Hà Nội.
Nơi lưu giữ dấu tích nghề kim hoàn
Đình Kim Ngân được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ ông tổ bách nghệ (tổ trăm nghề) Hiên Viên, đồng thời cũng là ông tổ nghề lớn nhất Á Đông.
Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, đình Kim Ngân có từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI do Thượng thư bộ lại Lưu Xuân Tín, người làng Châu Khê (nay thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) được triều đình trao trọng trách lập xưởng đúc bạc nén tại kinh thành xây dựng nên.
Sau sự kiện này, người Châu Khê được ông Lưu Xuân Tín ưu tiên cho lên Thăng Long làm nghề đúc bạc ngày càng đông. Từ nghề đúc bạc nén, họ tiến tới nghề làm đồ trang sức bằng vàng, bạc (còn gọi là nghề kim hoàn). Kể từ đó, nghề làm vàng bạc Châu Khê trở nên lừng danh không chỉ giới hạn ở Hải Dương mà còn lan truyền đến Hà Nội.
Với truyền thống dựng một ngôi đình để làm nơi tụ hợp, tế lễ khi lên Thăng Long lập nghiệp, người dân Châu Khê đã xây dựng ra hai ngôi đình để thờ tổ nghề. Đó là đình Dưới (tên nôm của đình Kim Ngân) và đình Trên tức "Kim Ngân tràng thị" ở số 50 Hàng Bạc.
Theo như tìm hiểu, thợ Châu Khê nấu bạc, đúc thành nén cho triều đình ở Tràng Đúc, nay là số nhà 58 Hàng Bạc và nhận nguyên liệu rồi giao bạc nén cho Ty quan (người đại diện của triều đình) tại đình Kim Ngân ở số nhà 42 Hàng Bạc. Nghề nấu bạc nay gọi theo danh từ chuyên môn là chuyên bạc. Chuyên bạc và đúc bạc đã trở thành "đặc quyền" của dân làng Châu Khê - Hàng Bạc.
Là người sinh sống lâu năm tại phố Hàng Bạc, bà Nguyễn Thị Mai (67 tuổi) chia sẻ: "Không như những ngôi đình khác, đình Kim Ngân có chức năng khá đặc biệt bởi đây là nơi gắn với nghề nghiệp của những người dân đã góp công, góp của dựng đình - những người thợ kim hoàn của làng Châu Khê (Hải Dương) lên lập nghiệp tại Thăng Long".
Giá trị kiến trúc, nghệ thuật của ngôi đình đổ Hà Nội
Ngày nay, đình Kim Ngân là di tích lâu đời, làm nên nét đẹp cổ kính của con phố Hàng Bạc. Tuy nhiên, đình Kim Ngân không thờ Thượng thư Lưu Xuân Tín - người đã mang "đặc ân" nghề nghiệp đến cho dân làng Châu Khê mà thờ Hoàng đế Hiên Viên - một nhân vật có tính chất thần thoại được coi là ông tổ của bách nghệ.
Với diện tích 575m2, đình Kim Ngân được coi là có quy mô khá lớn so với các di tích khác trong trong khu vực phố cổ. Công trình có kiến trúc cơ bản gồm: nghi môn, sân, tiền tế, hậu cung kiến trúc theo kiểu chữ "công", đại đình ba gian, hậu cung ba gian được nâng lên trên cao và là hậu cung kép, có sàn thờ và hệ thống vách ngăn riêng biệt, nối giữa hậu cung và tiền tế là ống muống theo kiểu kiến trúc hai tầng mái.
Thường đến đình Kim Ngân dâng hương, Chị Vũ Thảo Phương (28 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Trong số những ngôi đình ở phố cổ, đình Kim Ngân tuy có quy mô khiêm tốn nhưng những giá trị mà nó đang lưu giữ thì lại có nhiều nét đặc sắc, nhất là về kiến trúc".
Theo đánh giá của các nhà kiến trúc sư và các nhà nghiên cứu lịch sử, đình Kim Ngân là một công trình có giá trị nghệ thuật tiêu biểu còn sót lại. Đặc biệt hơn, nơi đây còn có nhiều chi tiết chạm khắc tinh xảo, mang nhiều đặc trưng nghề kim hoàn truyền thống của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Nhìn vào vẻ đẹp khang trang như hiện tại ít ai biết đình Kim Ngân từng bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong thời kỳ chiến tranh, đình là nơi tổ chức dạy chữ quốc ngữ, nghiệp vụ y tá và luyện tập quân sự. Sau năm 1954, nhiều hộ dân đến nương nhờ cửa đình, lấn chiếm diện tích nên khu vực thờ cúng bị thu hẹp, đình cũng bị hư hại nặng.
Nhận thấy đây là một công trình trọng điểm, mang ý nghĩa lớn về mặt kiến trúc, lịch sử nên sau khi xuống cấp, đình Kim Ngân được UBND TP Hà Nội giao cho UBND quận Hoàn Kiếm tu sửa vào năm 2004. Năm 2011, đình Kim Ngân hoàn thành sửa chữa, mở cửa phục vụ người dân, khách du lịch đến tham quan.
Hiện nay, đình Kim Ngân không chỉ là di tích có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật, mà còn là một điểm văn hóa hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Với những giá trị trên, đình Kim Ngân được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia vào tháng 10/2012.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.