Sáng 25/5, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT Bắc Ninh tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp "Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn".
Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp nước ta đứng trước những thách thức lớn về ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, nông sản, thực phẩm chất lượng không cao, còn tồn dư hóa chất vượt quá mức cho phép.
Trong khi đó, chất thải trong chăn nuôi và trồng trọt cũng như những phụ phẩm nông nghiệp chưa được tận dụng, tái sử dụng dẫn đến lãng phí rất lớn. Điều này đặt ra vấn đề phải tìm giải pháp để phát triển mô hỉnh sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân và môi trường.
Xử lý triệt để chất thải, phụ phẩm trong nông nghiệp
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh cho biết, sản xuất nông nghiệp mặc dù chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, song đây là ngành được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực và an sinh xã hội.
Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm chỉ đạo và đầu tư kinh phí hỗ trợ, nên sản xuất nông nghiệp của tỉnh không ngừng phát triển, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh không ngừng mở rộng.
Đặc biệt, phát triển nông nghiệp kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng tất yếu, cần được đẩy mạnh hơn nữa để tiếp tục gia tăng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp, đưa nguồn phụ phẩm nông nghiệp ngày càng trở thành nguồn nguyên liệu có giá trị và đặc biệt là hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Từ cuối năm 2021, Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm Bắc Ninh đã triển khai dự án trồng nấm công nghệ cao trên diện tích 1,5ha. Dây chuyền tự động sản xuất nấm theo công nghệ sinh học trong nhà lạnh của Hàn Quốc được vận hành tự động ở tất cả các khâu và khép kín. Nguyên liệu sản xuất nấm hoàn toàn hữu cơ, gồm mùn cưa, lõi ngô và thành phần tinh bột như cám gạo, cám ngô, khô đỗ tương, yến mạch (chiếm 20-25%).
Đáng chú ý, giá thể trồng nấm sau khi đã thu hoạch được tái sử dụng, trở thành nguồn nguyên liệu tiếp tục phục vụ việc trồng cây tía tô, qua đây tạo ra chuỗi sản phẩm nấm - lá tía tô và phân hữu cơ, góp phần tăng hiệu quả kinh tế thân thiện với môi trường.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh, cán bộ kỹ thuật Công ty Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm Bắc Ninh cho biết, việc ủ giá thể trồng nấm thành phân hữu cơ không những làm giảm ô nhiễm môi trường mà con tạo ra phân hữu cơ rất tốt để bón cho cây trồng. Đây là mô hình điển hình trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn ở Bắc Ninh.
"Đến nay, đã có nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn được thực hiện, điển hình như: mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ sau thu hoạch ngay tại ruộng để làm phân bón hữu cơ cho sản xuất lúa vụ sau; mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi; mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng trong các trang trại; mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ bể Biogas để lấy khí đốt và phân bón hữu cơ, mô hình thu gom phụ phẩm nông nghiệp để ủ làm phân bón phục vụ sản xuất…" - ông Quang thông tin.
Tại diễn đàn, Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hồng Quang mong muốn các đại biểu tích cực thảo luận, phân tích những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, cung cấp những thông tin về các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới đã và đang được áp dụng vào sản xuất, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong việc xây dựng và nhân rộng những mô hình nông nghiệp tuần hoàn... Trên cơ sở đó đưa ra được những giải pháp phù hợp nhất, hiệu quả nhất nhằm thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ngày một phát triển trong thời gian tới.
Báo cáo đề dẫn tại diễn đàn, ông Trần Xuân Dẫn - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bắc Ninh thông tin, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý.
Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Chăn nuôi lợn không có nước thải ra môi trường
Tại diễn đàn, bà Hoàng Thị Thủy, Phòng Môi trường và Công nghệ, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, vấn đề môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi tạo ra áp lực rất lớn cho ngành chăn nuôi. Trong giai đoạn 2018-2021 ước tính có khoảng 61 triệu tấn chất thải rắn trong chăn nuôi và 304 triệu tấn chất thải lỏng, trong đó nguồn phát thải lỏng từ lợn chiếm tới 84%.
"Đáng chú ý, chăn nuôi tại nông hộ mới chỉ có 72% hộ xử lý chất thải, còn 28% vẫn xả thẳng ra môi trường. Đối với chăn nuôi trang trại, có 95% trang trại xử lý chất thải chăn nuôi, còn 5% xả thải ra môi trường" - bà Thủy cho biết. Cùng với đó, gần 50% phụ phẩm trồng trọt được xử lý bằng cách đốt trên đồng ruộng. Điều này đã gây tác động rất xấu đối với môi trường.
Theo bà Thủy, hiện nay có 4 công nghệ xử lý môi trường trong chăn nuôi, đó là: công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học, ủ phân và công nghệ vi sinh. Việc áp dụng các biện pháp xử lý môi trường này không chỉ giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản mà còn giúp tăng lượng phân bón hữu cơ, giảm nhập khẩu phân vô cơ, giúp chúng ta phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ thân thiện với môi trường.
Tham luận tại diễn đàn, PGS-TS Phạm Thị Vượng - Phó Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam cho rằng, trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn đang phát sinh ra nguồn chất thải lỏng rất lớn. Vì thế, Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam đang phát triển các mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học.
Với mô hình này, người nuôi chỉ cho lợn uống nước, còn lại không tắm, không rửa chuồng nên tiết kiệm tới 80% lượng nước và không có một giọt nước nào được thải ra môi trường. "Không chỉ có vậy, mỗi một con lợn chúng ta có thể bán được đệm lót từ 70.000-100.000 đồng" - PGS-TS Phạm Thị Vượng thông tin.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến các mô hình nông nghiệp tuần hoàn và những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện, đặc biệt là vấn đề về tích tụ đất đai, cơ chế chính sách hỗ trợ, rồi đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn...
Kết luận diễn đàn, ông Lê Minh Lịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, tại diễn đàn này, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào các nhóm vấn đề: vai trò, tác nhân trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; chính sách đối với sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn; thông tin, truyền thông cho việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn; giải pháp phát triển nông nghiệp tuần hoàn để nâng cao giá trị, phát triển kinh tế và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
"Với trách nhiệm và tâm huyết, những đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, của các chuyên gia, diễn đàn có ý nghĩa quan trọng giúp Bộ NNPTNT tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, định hướng các hoạt động khoa học công nghệ trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn" - ông Lê Minh Lịnh nói.