Vì sao nói áp dụng kinh tế tuần hoàn vào chăn nuôi, nông dân được lợi đơn lợi kép?

Thứ ba, ngày 04/04/2023 05:19 AM (GMT+7)
Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người chăn nuôi, mà còn góp phần quan trọng vào việc giải bài toán về xử lý chất thải trong chăn nuôi để bảo vệ môi trường.
Bình luận 0

Thực tế cho thấy, việc ngành chăn nuôi tăng trưởng và phát triển mạnh thì lượng chất thải trong chăn nuôi cũng rất lớn. 

Nguồn chất thải này nếu được thu gom, xử lý để phục vụ làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình chăn nuôi, trồng trọt và cho các hoạt động sản xuất khác thì sẽ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), những năm qua, ngành chăn nuôi nước ta đã có sự tăng trưởng khá mạnh cả về đàn vật nuôi và sản lượng vật nuôi. Hiện cả nước có đàn heo hơn 28,8 triệu con, đàn trâu bò hơn 8,9 triệu con và gia cầm hơn 533 triệu con…

Chúng ta cơ bản cung cấp sản lượng thịt, trứng, sữa đáp ứng nhu cầu 100 triệu dân và một phần cho xuất khẩu. Giá trị toàn ngành chăn nuôi trong năm vừa qua đã đạt 23,7 tỉ USD. Với đàn vật nuôi lớn thì cũng tạo ra lượng phát thải lớn cần phải xử lý để đảm bảo cho môi trường. Qua thống kê, lượng chất thải chăn nuôi vào năm 2021 đã đạt 62,2 triệu tấn chất thải rắn và 303,5 triệu tấn chất thải lỏng.

Theo Cục Chăn nuôi, chăn nuôi cần gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi KTTH trong nông nghiệp. Chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp phải được coi là nguồn tài nguyên quý cần khai thác hiệu quả.

Vì sao nói áp dụng kinh tế tuần hoàn vào chăn nuôi, nông dân được lợi đơn lợi kép? - Ảnh 1.

Mô hình tận dụng cỏ, lá cây trong vườn cây ăn trái để nuôi dê và sử dụng phân dê làm phân bón phục vụ lại cho vườn cây tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ

Việc xử lý và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Cần tận dụng tối đa và sử dụng có hiệu quả tiềm năng về phụ phẩm nông nghiệp, chất thải trong chăn nuôi để phát triển chăn nuôi bền vững, giảm khí phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường. 

Đây cũng chính là những vấn đề và những yêu cầu được đặt ra trong Chiến lược phát triển chăn nuôi của nước ta trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn chính là triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, nuôi thủy sản, lâm nghiệp. 

Hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi đã xuất hiện ngày càng nhiều tại các địa phương trong nước và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, đặc biệt nó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường. Điển hình như mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm an toàn sinh học theo chu trình khép kín, chất thải trong trại nuôi được thu gom, xử lý để sản xuất khí đốt, điện và phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt, hay mô hình nuôi thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước…

Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực chăn nuôi và nông nghiệp nói chung ở nước ta được đánh giá chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng. Tỷ lệ thu gom và tái chế phụ phẩm còn thấp do còn gặp các khó khăn. 

Nhiều địa phương, doanh nghiệp và nhà chuyên môn kiến nghị, tới đây các cấp thẩm quyền cần sớm hoàn thiện khung hành lang pháp lý và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các bên liên quan. Kịp thời tháo gỡ khó khăn và có các hỗ trợ cần thiết về vốn, về tiếp cận khoa học công nghệ… để người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và nhân rộng nhanh các mô hình hiệu quả về kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi…

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Tỉnh Đồng Nai có đàn gia súc gia cầm rất lớn và thời gian qua tỉnh đã quan tâm áp dụng nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi. Trong đó, tỉnh đã sử dụng chất thải chăn nuôi để sản xuất trên 2 triệu tấn phân hữu cơ/năm. Tỉnh cũng phát triển các mô hình sử dụng phụ phẩm và chất thải chăn nuôi để nuôi trùng quế hay ruồi lính đen, làm biogas… giúp tạo ra nhiều giá trị gia tăng. 

Dù vậy, phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi vẫn còn gặp các khó khăn, trở ngại liên quan đến vấn đề nhận thức và khả năng tài chính, về hành lang pháp lý, cũng như người dân còn hạn chế về khả năng tiếp cận khoa học, công nghệ để phát triển mô hình…”.

Theo TS. Nguyễn Thế Hinh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT, nhiều mô hình áp dụng KTTH trong chăn nuôi được các chương trình, dự án hỗ trợ thực hiện cũng đã khẳng định mang lại hiệu quả cao. Đáng chú ý, Dự án hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp (LCASP) đã hỗ trợ nhiều địa phương xây dựng mô hình xử lý chất thải bằng máy tách phân và hệ thống tưới bằng nước thải biogas. 

Qua thực hiên mô hình tại các trang trại chăn nuôi heo và bò quy mô trên 2.000 con cho thấy, các trang trại đều đạt tỷ suất lợi nhuận trên 20%, thời gian hoàn vốn 5-6 năm. Thí điểm mô hình trên một số trang trại heo quy mô trên 5.000 con đạt tỷ suất lợi nhuận lên đến 60%, thời gian hoàn vốn 2-3 năm. 

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, đặc biệt cần tạo điều kiện và hành lang pháp lý thuận lợi để nông dân sử dụng và tiêu thụ hết các sản phẩm được tái sử dụng từ chất thải chăn nuôi: như phân hữu cơ, điện từ khí biogas, nước thải biogas đã qua xử lý… 

Theo ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, tận dụng mọi lợi thế trong nông nghiệp, kể cả những thứ mình vứt bỏ để tái tạo, sử dụng nhằm phát triển KTTH là rất cần thiết và hiệu quả. Song, nói thì dễ mà làm thì khó bởi cần có sự liên kết phối hợp giữa các bên liên quan và chúng ta phải xây dựng được chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra.

Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu của thế giới và chúng ta bắt buộc phải thực hiện, nhất là khi chăn nuôi quy mô lớn. KTTH giúp mang lại nhiều lợi ích thiết thực như nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, hài hòa lợi ích lâu dài giữa các lĩnh vực sản xuất khác nhau, nhất là giữa chăn nuôi và trồng trọt. Đồng thời, giúp bảo vệ, giữ gìn môi trường, tài nguyên cho thế hệ mai sau. 

Đây cũng là gốc rễ của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong thực tiễn, việc áp dụng mô hình KTTH trong chăn nuôi không là mới mẽ mà đã có từ xưa với các mô hình VAC, VACR, lúa - cá - vịt… Tuy nhiên, khi quy mô sản xuất lớn hơn, chúng ta cần có những bước đi bền vững hơn, cách tiếp cận mới hơn, phù hợp hơn với xu thế mới của thế giới và khu vực.

Khánh Trung (Báo Cần Thơ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem