Giá dầu hôm nay 31/5 trái chiều trước những lo ngại về thoả thuận trần nợ của Mỹ, và cuộc họp khó đoán kết quả của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+).
Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 31/5 (8h38 giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ ở mức 69,405 USD/thùng, giảm 0,08% trong phiên, trong khi giá dầu Brent đứng ở mức 73,838 USD/thùng, tăng 0,17% trong phiên.
Rủi ro trần nợ công tiếp tục chi phối, giá dầu đã giảm sâu hơn 4%. Lo ngại xoay quanh vấn đề trần nợ công của Mỹ tiếp tục gây áp lực tới thị trường tài chính trong phiên ngày 30/5, kéo giá của cả 2 mặt hàng dầu WTI và Brent đều sụt giảm hơn 4%. Cụ thể, giá dầu WTI đánh mất mốc 70 USD/thùng sau khi giảm 4,42%, dầu Brent giảm mạnh 4,25% xuống còn 73,71 USD/thùng.
Tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kevin McCarthy vẫn giữ sự lạc quan rằng thỏa thuận sơ bộ về trần nợ công sẽ được thông qua. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa cho biết họ có thể phản đối thỏa thuận nâng trần nợ ở Mỹ.
Trong khi đó, các chuyến hàng dầu thô đường biển trung bình trong 04 tuần từ Nga, đã giảm lần đầu tiên trong 06 tuần xuống 3,64 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 26/5. Mặc dù vậy, dòng chảy dầu thô nhìn chung vẫn duy trì mức cao ổn định, cao hơn 1,4 triệu thùng/ngày so với cuối năm ngoái và cao hơn 270.000 thùng/ngày so với cuối tháng 2, tháng cơ sở cho việc cam kết cắt giảm. Nguồn cung dồi dào của Nga làm gia tăng sức ép bán trên thị trường dầu thô.
Không chỉ vậy, bất chấp tuyên bố cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày, Nga vẫn đặt mục tiêu tăng cường xuất khẩu dầu diesel từ các cảng quan trọng phía Tây thêm hơn 30% trong tháng 6 so với tháng 5.
Tồn kho dự trữ tại điểm giao dầu thô kỳ hạn chuẩn của Mỹ đã tăng 1,05 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 26/5, theo trích dẫn từ Công ty khai thác dữ liệu Wood Mackenzie.
Thị trường tương lai cũng phản ánh nguồn cung dồi dào trong ngắn hạn khi chênh lệch giá WTI tháng trước tiến sâu vào trạng thái “bù hoãn mua”, tức là các hợp đồng ngắn hạn được giao dịch với giá chiết khấu so với các hợp đồng dài hạn.
Hiện thị trường chưa rõ về quyết định chính sách của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, tại cuộc họp sắp tới cũng như việc thỏa thuận về trần nợ có được Quốc hội Mỹ thông qua hay không.
Dù Nhà Trắng và các nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã đạt thỏa thuận về trần nợ, việc một số nghị sỹ lên tiếng phản đối đã gây thêm sự không chắc chắc về thỏa thuận này.
Thêm vào đó, các nhà đầu tư vẫn chưa rõ OPEC+ sẽ quyết định ra sao về chính sách sản lượng tại cuộc họp vào ngày 4/6, do những tín hiệu trái ngược từ các nước sản xuất lớn.
Các nhà phân tích cho rằng giá dầu WTI và Brent đều chịu sức ép khi các nhà giao dịch nhận định OPEC+ sẽ không đưa ra quyết định mang lại sự hỗ trợ bổ sung cho thị trường.
Tại thị trường trong nước, ngày 22/5, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 22/5.
Ở kỳ điều chỉnh ngày 22/5, giá xăng tăng 357-499 đồng/lít, lên 20.488 đồng/lít với RON 92 và 21.499 đồng/lít với RON 95.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ BOG: Thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước), xăng RON 95 ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu điêzen ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước). Chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu: Không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 31/5 như sau: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.488 đồng/lít (tăng 357 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1,011 đồng/lít; Xăng RON 95-III không cao hơn 21.499 đồng/lít (tăng 499 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 17.954 đồng/lít (tăng 301 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa không cao hơn 17.969 đồng/lít (giảm 3 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.158 đồng/kg (tăng 296 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 11/5/2023-22/5/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu tiếp tục sẽ tăng trong năm nay do nhu cầu của Trung Quốc và ảnh hưởng từ các động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ ; những lo ngại về vấn đề trần nợ công của Mỹ, hoạt động công nghiệp bị đình trệ và lãi suất cao hơn làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế…các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/5/2023 và kỳ điều hành ngày 22/5/2023 là: 85,146 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 2,130 USD/thùng, tương đương tăng 2,57% so với kỳ trước); 89,633 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 2,267 USD/thùng, tương đương tăng 2,59% so với kỳ trước); 89,187 USD/thùng dầu hỏa (tăng 0,649 USD/thùng, tương đương tăng 0,73% so với kỳ trước); 89,184 USD/thùng dầu điêzen (tăng 1,920 USD/thùng, tương đương tăng 2,20% so với kỳ trước); 435,577 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 12,971 USD/tấn, tương đương tăng 3,07% so với kỳ trước).
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã phục hồi trở lại.
Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu như kỳ trước và tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động của giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 15 đợt điều chỉnh, trong đó có 8 đợt tăng, 6 đợt giảm và 1 đợt giữ nguyên.
Được biết, với diễn biến giá dầu trên thế giới, doanh nghiệp đầu mối dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể sẽ được điều chỉnh tăng vài trăm đồng/lít trong kỳ điều hành 1/6. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá xăng dầu kỳ này thế nào còn phụ thuộc vào việc trích lập Quỹ BOG xăng dầu và các loại phí có điều chỉnh khác nếu có. Tuy nhiên, với sự biến động mạnh của giá xăng dầu trên thế giới hiện nay thì giá bán lẻ xăng dầu trong nước (tăng, giảm hay giữ nguyên) đang trở nên khó dự đoán, các doanh nghiệp vẫn cho rằng, giá xăng dầu kỳ này có thể được điều chỉnh tăng từ 400 – 700 đồng/lít.
Tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước vừa qua, cho rằng nguồn cung trong nước vẫn còn bị động, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm (cả về số lượng và chủng loại) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho khách hàng; phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống (cả nguồn trong nước và nhập khẩu).
Bộ trưởng cũng lưu ý, các doanh nghiệp đầu mối cần có sự trao đổi thống nhất, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để có được tiếng nói chung và hài hòa về lợi ích.
Theo báo cáo của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) 4 tháng đầu năm, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng dầu các loại, chiếm tới 35-40% tổng nguồn cung xăng dầu.
Tính đến giữa tháng 5, tình hình hoạt động của các nhà máy vẫn ổn định. Trong tháng 6 và quý III, quý IV, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn dự kiến vận hành sản xuất như sản lượng đã đăng ký với Bộ Công Thương.
Điểm khó khăn nhất là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm 35-40% thị phần, nhưng thường xuyên không ổn định, trong khi chúng ta phải ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhà máy này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng giải pháp lúc này là cần có phương án dự phòng nếu nhà máy tiếp tục bị trục trặc, làm thế nào để các đầu mối khác kịp nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh địa chính trị có nhiều bất ổn, giá cả thất thường.