Theo dữ liệu của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sáng nay 4/7, lưu lượng nước về hồ thủy điện Sơn La rất lớn lên đến gần 1.300 m3/s. Ngoài ra, nước dâng của 5/7 hồ thủy điện miền Bắc đã cao hơn mực nước chết hàng chục mét.
Báo cáo của Cục ATMT gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sáng nay về tình hình vận hành hồ chứa thủy điện, lưu lượng về các hồ chứa thủy điện khu vực Bắc bộ tăng nhẹ; Khu vực Bắc Trung bộ giảm nhẹ so với hôm qua.
Các hồ thủy điện khu vực Bắc bộ, lưu lượng nước về tăng nhẹ so với ngày hôm qua: hồ thủy điện Sơn La hơn 1.284 m3/s; hồ Lai Châu hơn 721 m3/s, hồ Tuyên Quang hơn 603 m3/s, hồ Hòa Bình hơn 235 m3/s, hồ Bản Chát hơn 230 m3/s và hồ Thác Bà hơn 65 m3/s.
Mực nước tại 5/7 hồ thủy điện miền Bắc đang cao từ 12 đến 28 mét so với mực nước chết. Hồ thủy điện Lai Châu có mực nước cao nhất hơn 293,23 mét, cao hơn 28 mét so với mực nước chết, song vẫn thấp hơn 2 mét so với mực nước dâng bình thường của hồ.
Hồ thủy điện Hòa Bình có mực nước thượng lưu hơn 99,68 mét, cao hơn gần 19,7 mét so với mực nước chết, hồ thủy điện Bản Chát có mực nước thượng lưu hơn 447,32 mét, cao hơn 16,32 mét so với mực nước chết. Hồ thủy điện Tuyên Quang, Sơn La đều cao hơn mực nước chết từ 12-13 mét so với mực nước chết.
Tuy nhiên, hầu hết mực nước thượng lưu tại các hồ thủy điện miền Bắc không vượt mực nước dâng bình thường (mực nước dâng mục tiêu của các hồ) nên ngoài 4 hồ phát điện cực đại, còn lại 3 nhà máy thủy điện vẫn chưa phát điện, chờ nước dâng hoặc tích nước.
Sáng ngày 4/7, vẫn chỉ có 4/7 nhà máy thủy điện phát điện, trong đó có Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La và Tuyên Quang, trong đó Hòa Bình, Lai Châu thường xuyên phát ở công suất đỉnh, tối ưu.
Trao đổi với PV Dân Việt sáng nay 4/7, ông Phạm Văn Vương, giám đốc Nhà máy thủy điện Hòa Bình, lượng nước về hồ mấy ngày nay tương đối lớn, nhà máy phát điện tối đa 8 tổ máy. Ngày hôm qua 3/7, có thời điểm nhà máy xả hơn 2.000 m3/s, phát điện công suất cực đại. Trong sáng nay, có thời điểm nhà máy giảm công suất, phát điện ổn định, xả nước trên 500 m3/s. Nhưng lúc 11 giờ ngày 4/7, nhà máy thủy điện Hòa Bình đã điều chỉnh xả nước hơn 900 m3/s. Dự kiến trong ngày sẽ phát tối đa 8 tổ máy, công suất xả nước qua nhà máy bình quân 1.000 m3/s.
Theo thông tin vận hành hồ chứa nước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sáng nay, trong 4 nhà máy thủy điện xả nước phát điện, tính đến 11 giờ cùng ngày, công suất xả nước qua nhà máy cao nhất thuộc về nhà máy thủy điện Lai Châu với hơn 1.000 m3/s. Các nhà máy thủy điện Sơn La, Tuyên Quang công suất xả nước lên đến 700 m3/s, các tổ máy đã phát điện tối đa công suất.
Bên cạnh lưu lượng nước và công suất phát điện các thủy điện miền Bắc đang được dư luận chú ý, EVN cũng cho biết lượng nước về các hồ chứa và các nhà máy thủy điện miền Trung và phía Nam trong ngày 4/7 bình thường, thấp hơn nhiều so với các hồ ở miền Bắc.
Theo báo cáo của Cục An toàn Môi trường gửi Bộ Công Thương, khu vực Bắc Trung bộ, các hồ thủy điện lưu lượng về hồ giảm nhẹ so với ngày hôm qua hồ Trung Sơn lưu lượng nước về 134 m3/s; hồ Bản Vẽ hơn 47 m3/s...
Các hồ thủy điện ở Đông Nam bộ lưu lượng về hồ tăng nhẹ so với ngày hôm qua hồ Thác Mơ 113 m3/s và hồ Trị An hơn 740 m3/s.
Các hồ thủy điện tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ lưu lượng nước về ít, cao nhất chỉ có hồ thủy điện Sông Tranh hơn 84,7 m3/s, còn lại các hồ thủy điện khác như A Vương, Đăkđrink, Sông Bung, Sông Tranh đều có lưu lượng nước về rất thấp chỉ vài chục m3/s.
Các hồ thủy điện tại Tây Nguyên có lưu lượng nước về thấp, tương đương các hồ thủy điện ở Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ, cao nhất chỉ có hồ Ialy 304 m3/s, hồ thủy điện Buôn Kuốp lưu lượng nước về hơn 216 m3/s.
Mới đây, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, từ nay đến 20/7 hệ thống điện đáp ứng được nhu cầu phụ tải khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, khi có sự cố hay gặp tình huống cực đoan, việc tiết giảm điện vẫn có thể sẽ xảy ra.
Những ngày gần đây, miền Bắc đang phải đối mặt với hiện tượng nắng nóng tăng cường, dự kiến kéo dài đến 12/7, trong đó cao điểm có khả năng rơi vào giai đoạn từ 6-8/7. Dự kiến khoảng thời gian nắng nóng trên, phụ tải miền Bắc có thể đạt trung bình khoảng 440 triệu kWh ngày. Cao nhất khoảng 470 triệu kWh/ngày với công suất đỉnh đạt 23.000 MW.
Theo EVN, để đảm bảo điện trong những ngày nắng nóng, đơn vị này đã có văn bản yêu cầu các đơn vị phát điện tập trung nhân lực, vật tư và các điều kiện cần thiết khắc phục, sớm đưa vào vận hành các tổ máy, lò hơi đang bị sự cố tại nhà máy nhiệt điện Phả Lại 1 và 2. Cùng đó phải khắc phục hiện tượng suy giảm công suất dưới định mức trong quá trình vận hành do sự cố các hệ thống phụ trợ, chất lượng nhiên liệu đầu vào, phát hiện xử lý sớm các bất thường không để xảy ra sự cố, đặc biệt là sự cố chủ quan do lỗi của con người.
Về cung ứng than, EVN cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm toàn diện trong việc thu xếp nguồn than cho sản xuất điện, đảm bảo cung cấp đủ và ổn định cho vận hành nhà máy điện năm 2023 và các năm tiếp theo.
Liên quan đến việc đảm bảo điện trong trường hợp tiêu thụ điện ở miền Bắc tăng đột biến khi nước trong các hồ thủy điện không còn nhiều, EVN cho biết nếu xảy ra tình huống cực đoan như sự cố các nguồn điện lớn ở khu vực miền Bắc, sự cố đường dây truyền tải 500kV Bắc - Trung... có thể sẽ phải tiết giảm điện cục bộ ngắn hạn trong thời gian khắc phục các sự cố.