Hồ thủy điện nào của miền Bắc được bổ sung nước nhiều nhất?

An Linh Thứ sáu, ngày 30/06/2023 11:40 AM (GMT+7)
Do có mưa, lũ nhỏ trên thượng lưu các dòng sông Đà, sông Gâm, trong 7 hồ thủy điện tại miền Bắc có 3 hồ thủy điện lớn thường xuyên được bổ sung lượng nước trên 500 m3/s.
Bình luận 0

Chỉ có 4 hồ thủy điện lớn tại miền Bắc được bổ sung nước nhiều nhất

Theo báo cáo của Cục An toàn môi trường (ATMT), Bộ Công Thương, trong ngày 30/6, hồ thủy điện Lai Châu có lưu lượng nước về hơn 833 m3/s, hồ thủy điện Lai Châu là hơn 552 m3/s, hồ thủy điện Hòa Bình là hơn 181 m3/s... sông Đà đã và đang giúp lưu lượng nước tại các hồ thủy điện trên dọc nguồn sông này được bổ sung nhiều nhất trong các công trình thủy điện tại miền Bắc.

Số liệu thống kê trong 4 ngày gần nhất, các hồ thủy điện tại miền Bắc như Sơn La, Lai Châu và Tuyên Quang đã được bổ sung lưu lượng nước rất cao, thường dao động từ trên 500 m3/s đến gần 1.000 m3/s.

Hồ thủy điện nào của miền Bắc được bổ sung nước về nhiều nhất? - Ảnh 1.

Công trình thủy điện Hòa Bình duy nhất xả nước phát điện trong suốt nhiều tháng qua bất chấp mực nước xuống rất thấp (Ảnh: Ngọc Hải).

Cụ thể, ngày 30/6, lưu lượng về hồ dao động nhẹ so với ngày hôm qua, cao nhất là hồ Sơn La với 833 m3/s, hồ thủy điện Tuyên Quang với hơn 733 m3/s, hồ thủy điện Lai Châu hơn 552 m3/s; hồ thủy điện Bản Chát: 207 m3/s, hồ thủy điện Hòa Bình hơn 181 m3/s, hồ thủy điện Thác Bà: 80 m3/s.

Ngày 29/6, hồ thủy điện Sơn La được bổ sung nước về rất cao 834 m3/s, gần đạt ngưỡng tối ưu, hồ thủy điện Hòa Bình đạt 616 m3/s, hồ thủy điện Tuyên Quang đạt 540 m3/s, hồ thủy điện Lai Châu hơn 499 m3/s, hồ thủy điện Bản Chát đạt 297,7 m3/s và hồ thủy điện Thác Bà hơn 120 m3/s.

Ngày 28/6, nước về hồ thủy điện Hòa Bình cao nhất 773 m3/s, hồ thủy điện Sơn La là 561 m3/s, hồ thủy điện Tuyên Quang là 396 m3/s, hồ thủy điện Bản Chát là 210,5 m3/s, hồ thủy điện Lai Châu là 195 m3/s và hồ Thác Bà là 114 m3/s.

Ngày 26/6, lượng nước về cao nhất là hồ thủy điện Sơn La với 565 m3/s, hồ thủy điện Tuyên Quang với hơn 515,3 m3/s, hồ thủy điện Lai Châu hơn 541 m3/s, hồ thủy điện Bản Chát hơn 128 m3/s và hồ thủy điện Hòa Bình hơn 273 m3/s...

Thực tế, mặc dù lưu lượng nước về các công trình hồ thủy điện tại miền Bắc cao, song do mực nước tại các hồ này đã cạn, nhiều hồ thủy điện trong tháng 5, đầu tháng 6/2023 đã ở mực nước chết nên việc bổ sung hàng trăm, thậm chí 1.000 m3/s mỗi ngày chỉ giúp các hồ thủy điện thoát mực nước chết, vận hành các tổ máy tối thiểu chứ chưa thể phát điện tối đa.

Nhà máy thủy điện Hòa Bình là công trình duy nhất chưa dừng phát điện ngày nào trong suốt 3 tháng qua trong khi 5-6 nhà máy thủy điện tại miền Bắc đã ngừng phát điện, ngừng xả nước qua nhà máy, xả đáy do mực nước xuống thấp, mực nước chết.

Hồ thủy điện nào của miền Bắc được bổ sung nước về nhiều nhất? - Ảnh 2.

Lượng nước về nhiều hồ thủy điện rất thấp, trong đó có hồ Thủy điện Thác Bà - Yên Bái (Ảnh: Nguyễn Tuyền)

Thậm chí thượng nguồn sông Đà, 7 - 10 năm trước, các nhà máy như Sơn La, Lai Châu chưa bao giờ gặp cảnh phải ngừng phát điện trong nhiều ngày liền như năm nay.

Số liệu sáng ngày 30/6 của Cục ATMT gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, mực nước thượng lưu tại các hồ thủy điện như Lai Châu đang cao hơn mực nước chết 27 mét, hồ thủy điện Hòa Bình cao hơn mực nước chết 21 mét, hồ thủy điện Bản Chát hơn 15,5 mét, hồ thủy điện Tuyên Quang cao hơn mực nước chết là 13,5 mét, hồ Sơn La hơn 10 mét...

Theo cập nhật số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến thời điểm 11 giờ ngày 30/6, mực nước dâng bình thường tại các hồ thủy điện miền Bắc khá lớn, trong đó nước dâng hồ thủy điện Bản Chát cao hơn 44 mét so với mực nước chất, nước dâng tại hồ thủy điện Sơn La cao hơn 40 mét so với mực nước chết, hồ thủy điện Hòa Bình cao hơn 37 mét so với mực nước chất, hồ thủy điện Lai Châu cao hơn 30 mét so với mực nước chất, hồ Thác Bà cao hơn 12 mét so với mực nước chết.

Miền Bắc vẫn nỗi lo thiếu điện, tiết giảm điện dài hạn?

"Mực nước thượng lưu một số hồ thủy điện thấp hơn mực nước dâng bình thường tại các hồ thủy điện cho thấy khả năng trong thời gian tới cung ứng nước về hồ thời gian tới vẫn sẽ khó khăn. Lưu lượng nước về hồ chỉ đảm bảo khi nước ở thượng lưu lớn và ổn định. Nếu lưu lượng nước về hồ duy trì mực 1.000 m3/s/ngày/ tuần, các công trình thủy điện tại miền Bắc mới thoát nỗi lo thiếu nước và phát đủ tải các tổ máy", đại điện Nhà máy thủy điện Thác Bà cho hay.

Trong sáng nay, theo số liệu cập nhật của EVN, vẫn chỉ có 4/7 nhà máy thủy điện tại miền Bắc xả nước phát điện, trong đó thủy điện Hòa Bình xả công suất cao nhất gần 1.000 m3/s, hai nhà máy thủy điện như Lai Châu, Tuyên Quang xả nước từ 600 - 740 m3/s, phát điện đủ tải, trong khi thủy điện Thác Bà vẫn phát điện cầm chừng.

Đáng lưu ý, ngày 29/6, Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về tình hình cung ứng điện 6 tháng cuối năm và trong các năm 2024, 2025.

Theo EVN, nhu cầu phụ tải điện của miền Bắc được dự báo sẽ tăng thêm từ 2.400 đến 2.900 MW/năm, nhưng các nguồn điện tăng thêm hai năm tới sẽ không cao, năm 2024, nguồn điện tại miền Bắc chỉ tăng thêm hơn 780 MW, năm 2025 nguồn điện tăng thêm là hơn 1.620 MW.

Tính toán cho thấy, năm 2024 nguồn điện bổ sung của miền Bắc chỉ đáp ứng 27- 30% nhu cầu tăng thêm tối thiểu (2.400 MW) và tối đa (2.900 MW) của miền Bắc. Năm 2025, nguồn điện tăng thêm của miền Bắc cũng chỉ đạt từ 57-70% nhu cầu điện tăng thêm của miền Bắc.

EVN khẳng định: "Việc cấp điện miền Bắc tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt giai đoạn cuối mùa khô khi mức nước các hồ thủy điện xuống thấp".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem