Nắng nóng gay gắt 10 ngày tới: Nhà máy thuỷ điện nào "chia lửa" với thuỷ điện Hoà Bình?
Nắng nóng gay gắt 10 ngày tới: Nhà máy thuỷ điện nào "chia lửa" với thuỷ điện Hoà Bình?
An Linh
Thứ bảy, ngày 01/07/2023 11:32 AM (GMT+7)
Mực nước thượng lưu tại các hồ thuỷ điện tại miền Bắc hiện tại chỉ cao hơn từ 10 đến 27 mét so với mực nước chết. Nếu các nhà máy thuỷ điện phải phát điện mà lũ không về, việc tích nước sẽ rất khó khăn.
Thông tin được dư luận quan tâm nhất hiện nay là tình hình cung ứng điện của hệ thống điện miền Bắc, trong đó đặc biệt là thủy điện. Tin vui là sáng ngày 1/7, đã có 5/7 nhà máy thủy điện tại miền Bắc đã phát điện, song chưa thể đủ tải, phát hết công suất.
Theo Bộ Công Thương, trong các ngày vừa qua, lưu lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc đã được cải thiện, mực nước hiện tại của các hồ Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Bản Chát đều đã tích được cao hơn mực nước chết từ 5 đến 9m. Đã bắt đầu huy động thường xuyên hơn là các nhà máy thủy điện Lai Châu, Tuyên Quang, Huội Quảng.
Bộ Công Thương khẳng định, miền Bắc đang trong thời kỳ lũ sớm, dự kiến trong thời gian tới lưu lượng nước về các hồ miền Bắc tiếp tục tăng và có thể đảm bảo cung cấp điện với phụ tải tính toán trung bình khoảng 421-425 triệu kWh/ngày.
Theo Bộ Công Thương, nếu trường hợp cực đoan không có lũ về, các nhà máy thủy điện tại miền Bắc vẫn có thể sử dụng lượng nước còn lại trong hồ kết hợp với lưu lượng nước tự nhiên về các hồ. Tuy nhiên khả năng tích nước sẽ khó khăn.
Bộ Công Thương cho biết, sản lượng điện miền Bắc trong hai ngày 29-30/6 là 407 đến 433 triệu kWh, trong đó sản lượng thủy điện chỉ đạt 101-119 triệu kWh, tương đương việc chỉ đáp ứng từ 25-27% sản lượng điện toàn miền. Số còn lại vẫn phải phụ thuộc vào nguồn điện từ nhiệt điện tại miền Bắc khi cung ứng hơn 260-261 triệu kWh, đáp ứng 60% sản lượng điện miền Bắc.
Về công suất các nguồn điện tại miền Bắc trong hai ngày qua 29-30/6, thủy điện chỉ đáp ứng từ 7.700 đến 9.100 MW/ngày, nguồn nhiệt điện cung ứng ổn định trung bình từ 10.000-11.400 MW/ngày; điện truyền tải đường dây Bắc - Trung là hơn 2.000 MW.
Tổng công suất điện miền Bắc dao động từ 22.100 đến 22.500 MW/ngày. Như vậy, có thể nói nguồn cung ứng điện của thủy điện trong hai ngày qua cao nhất chỉ đạt 40% tổng công suất cực đại của hệ thống điện toàn miền Bắc. Hiện, trên 60% tổng công suất nguồn điện của miền Bắc vẫn phụ thuộc vào nhiệt điện, điện truyền tải từ miền Trung trở ra.
Một tin vui được Bộ Công Thương cho hay, trong ngày 30/6/2023 không có máy nhiệt điện than khu vực Miền Bắc bị suy giảm công suất.
Về tình hình nước về các hồ thủy điện của miền Bắc, theo báo cáo của Bộ Công Thương trong ngày 29-30/6, 7 hồ thủy điện tại miền Bắc đều trên mực nước chết.
Trong ngày 30/6 mực nước hồ thủy điện Lai Châu cao hơn mực nước chết gần 27 mét, đây là mực nước hồ cao nhất tại miền Bắc; hồ Hòa Bình là 21,2 mét, hồ Bản Chát hơn 15,4 mét, hồ Tuyên Quang hơn 13,5 mét và hồ Sơn La hơn 10,5 mét.
Dọc hệ thống sông Đà, nơi có ba nhà máy thủy điện lớn là Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình đều có mực nước hồ đạt khá cao, nếu cụm ba nhà máy thủy điện này đủ nước phát điện và có lũ, cung ứng điện miền Bắc có thể sẽ bớt căng thẳng.
Theo số liệu về tình hình vận hành hồ chứa các công trình thủy điện miền Bắc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, 11h giờ ngày 1/7, đã có 5/7 nhà máy thủy điện tại miền Bắc phát điện trở lại. Công suất xả nước qua nhà máy của các hồ ngày một lớn dần.
Nhà máy thủy điện Huội Quảng (Sơn La) đã phát điện trở lại sau nhiều ngày nhịn chờ nước, tổng lượng xả qua nhà máy hơn 156 m3/s, thủy điện Thác Bà xả hơn 338,5 m3/s, thủy điện Lai Châu xả hơn 348 m3/s, thủy điện Tuyên Quang xả hơn 740 m3/s và thủy điện Hòa Bình xả hơn 1.100 m3/s. Theo dõi tình hình vận hành hồ, nhiều thời điểm thủy điện Tuyên Quang, Lai Châu xả nước ngưỡng trên 700 đến 900 m3/s, đạt lượng xả tối ưu phát điện các tổ máy để bù công suất phụ tải cho nhiệt điện than.
Tuy nhiên, số liệu của EVN cũng cho thấy, mực nước thượng lưu vẫn thấp hơn nhiều so với mực nước dâng bình thường. 7 hồ thủy điện tại miền Bắc đều chưa đạt mực nước dâng mục tiêu, mực nước bình thường của hồ.
Hồ thủy điện Tuyên Quang, dù lưu lượng nước sông Gâm về hồ đạt trên 800 m3/s, mực nước thượng lưu luôn đạt hơn 103 m3/s nhưng mực nước hồ vẫn thấp hơn 16 mét so với mực nước dâng bình thường.
Hồ thủy điện Sơn La, mực nước thượng lưu vẫn thấp hơn 29 mét so với mực nước dâng bình thường, hồ thủy điện Bản Chát, mực nước thượng lưu vẫn thấp hơn 28 mét so với mực nước dâng bình thường, hồ thủy điện Hòa Bình mực nước thượng lưu vẫn thấp hơn gần 16 mét so với mực nước dâng bình thường.
Thông số này cho thấy, phần lớn các hồ thủy điện tại miền Bắc có mực nước dâng chỉ trên mực nước chết, chưa đạt theo mục tiêu kỳ vọng và mực nước dâng bình thường hằng năm. Chính vì vậy, hầu hết nhà máy thủy điện miền Bắc phải "ăn dè", xả nước phát điện. Một số nhà máy như Sơn La vẫn không phát điện nhiều ngày qua để chờ nước dâng và điều độ hệ thống khi có tình huống khẩn cấp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.