Dân Việt

Một nông dân Bình Phước thắng kiện đòi vườn cao su, chỉ rõ doanh nghiệp đứng sau

Đông Anh 19/07/2023 07:00 GMT+7
Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên vợ chồng ông Trần Đức Lý thắng kiện. Việc Công ty Phát Lộc thuê ông Ma Khánh Hoàng quản lý, khai thác vườn cao su là “không có căn cứ”.

5 năm, vườn cao su bị chiếm đoạt, phá hoại

Báo Dân Việt từng đăng bài: "Một nông dân tỉnh Bình Phước thắng kiện, lấy lại vườn cao su bị chiếm đoạt suốt 5 năm qua" (26/10/2022). Bài báo phản ánh việc gia đình nông dân Trần Đức Lý – Đỗ Thị Lan (trú ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) khởi kiện ông Ma Khánh Hoàng (sinh 1983, trú ấp Cây Điệp, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), vì ông Hoàng đã phá hoại và chiếm đoạt vườn cao su (4,3 ha) của gia đình ông Lý trong suốt 5 năm qua.

Một nông dân Bình Phước thắng kiện đòi vườn cao su, lật mặt doanh nghiệp phía sau - Ảnh 1.

Hình ảnh nhóm người của Ma Khánh Hoàng xâm nhập phá hoại, chiếm đoạt tài sản của gia đình nông dân Trần Đức Lý tại vườn cao su. Ảnh: Đỗ Lan

Tại phiên xử sơ thẩm ngày 5/9/2022, vợ chồng nông dân Trần Đức Lý – Đỗ Thị Lan đã thắng kiện. Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tiếp tục công bố Bản án phúc thẩm số 103/2023/DS-PT ngày 23/6/2023, về vụ án trên. 

Hội đồng xét xử đã công nhận bản án sơ thẩm, quyết định giao cho vợ chồng ông Lý – bà Lan tiếp tục quản lý, sử dụng và khai thác mủ vườn cao su trên diện tích đất 4,3 ha (thuộc ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước).

Ông Trần Đức Lý cho hay: "Từ năm 2011, gia đình tôi và ông Trần Tấn Minh (nguyên Giám đốc Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung) đã ký hợp đồng liên doanh trồng cao su trên khu đất 4,3 ha, thuộc khoảnh 11, tiểu khu 363. Chúng tôi đã bỏ công sức, tiền bạc để đầu tư, chăm sóc vườn cao su và không tranh chấp với ai".

Một nông dân Bình Phước thắng kiện đòi vườn cao su, lật mặt doanh nghiệp phía sau - Ảnh 2.

Có không ít lần, phía Ma Khánh Hoàng đã dùng dao đuổi vợ chồng nông dân Trần Đức Lý - Đỗ Thị Lan, để chiếm đoạt vườn cao su. Ảnh: T.L

Theo ông Lý, năm 2017, gia đình chuyển nhượng một phần vườn cao su cho ông Nguyễn Anh Chương, bất ngờ, xuất hiện băng nhóm do Ma Khánh Hoàng cầm đầu xâm nhập phá hoại. Họ cắt dây cột kiềng, đập vỡ tô hứng mủ, rút hết máng hứng mủ, không cho ông Chương khai thác mủ.

Cực chẳng đã, ông Chương trả lại vườn cao su. Sau đó, vườn cao su được vợ chồng ông Lý chuyển nhượng cho ông Phan Khắc Hoài. Tương tự với ông Chương, nhóm của Ma Khánh Hoàng tiếp tục xâm nhập vườn cây để phá hoại, ngăn chặn ông Hoài cạo mủ. Ông Hoài buộc phải trả lại vườn cao su.

Theo trình báo của gia đình ông Lý, từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2020, nhóm của Ma Khánh Hoàng không ngừng phá hoại tài sản của gia đình ông Lý trên vườn cao su nói trên, gây thiệt hại cho gia đình ông Lý.

Một nông dân Bình Phước thắng kiện đòi vườn cao su, lật mặt doanh nghiệp phía sau - Ảnh 3.

Gần đây, Công ty Sasco đã kết thúc hợp đồng dịch vụ với Công ty Phát Lộc và căng bảng thông báo tại khu vực dự án do Sasco làm chủ đầu tư. Ảnh: T.Đ.L

Ai đứng sau để băng nhóm Ma Khánh Hoàng lộng hành?

Khai nhận trước tòa, ông Ma Khánh Hoàng trình bày: Từ tháng 6/2017, Hoàng được Công ty TNHH MTV Phát Lộc thuê mướn (hợp đồng miệng), nhận tiền công, để trông coi vườn cao su đang tranh chấp với gia đình ông Lý – bà Lan. Hoàng cho rằng việc khai thác (cạo mủ cao su) là khai thác cho Công ty Phát Lộc, chứ không phải khai thác cho Hoàng.

Trong khi đó, liệu thể hiện, diện tích vườn cao su của ông Lý – bà Lan thuộc dự án bảo vệ rừng, do UBND tỉnh Bình Phước cấp phép cho Công ty Sasco làm chủ đầu tư.

Tại tòa, đại diện Công ty Phát Lộc cho biết: Năm 2015, Phát Lộc hợp tác với Công ty Sasco và được Sasco "ủy quyền trong việc phát dọn, khai hoang, bỏ tiền bồi thường, hỗ trợ cho những hộ dân lấn chiếm nhưng đã trồng cây cao su trên đất".

Một nông dân Bình Phước thắng kiện đòi vườn cao su, lật mặt doanh nghiệp phía sau - Ảnh 4.

Thời điểm nhóm Ma Khánh Hoàng lộng hành, lực lượng công an địa phương phải nhiều lần xuống hiện trường lập biên bản hiện trường vườn cao su bị phá hoại. Ảnh: T.Đ.L

Ông Trần Tấn Minh đã hợp đồng liên doanh với Sasco trồng cao su. Ông Minh có giao Công ty Phát Lộc "được sở hữu, khai thác mủ" vườn cao su nói trên. Từ đó, mới có việc Công ty Phát Lộc thuê Ma Khánh Hoàng…

Tuy nhiên, tại cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, đại diện Công ty Sasco là ông Huỳnh Thanh Thi lại khẳng định: "Công ty Sasco không ủy quyền cho bất kỳ một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào thực hiện việc thu hồi và đền bù tài sản đối với 1.369 cây cao su trồng trên tổng diện tích đất 43.006,6 m2 nói trên".

Theo Hạt kiểm lâm huyện Đồng Phú, diện tích đất vườn cao su (4,3 ha) thuộc hiện trạng rừng tự nhiên, do Hạt kiểm lâm huyện Đồng Phú quản lý. 

Việc gia đình ông Lý – bà Lan và ông Trần Tấn Minh hợp đồng liên doanh trồng cao su là "do tự ý cá nhân của ông Minh và bà Lan; hợp đồng không thông qua cơ quan Hạt kiểm lâm". Tuy nhiên, quyết định về vụ án này, Hạt kiểm lâm Đồng Phú đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.

Một nông dân Bình Phước thắng kiện đòi vườn cao su, lật mặt doanh nghiệp phía sau - Ảnh 6.

Hình ảnh một gốc cao su đang thu hoạch bị đập phá tô, máng hứng mủ, cắt dây kiềng... Ảnh: T.Đ.L

Từ những chứng lý nêu trên, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã xác định: Từ năm 2014 đến ngày 6/7/2017, gia đình ông Lý bà Lan đã quản lý, chăm sóc vườn cao su 4,3 ha. Ngày 7/7/2017, ông Ma Khánh Hoàng (người làm công cho Công ty TNHH MTV Phát Lộc) vào chiếm vườn cao su và quản lý, khai thác… Việc quản lý, khai thác vườn cao su của ông Ma Khánh Hoàng "là không có căn cứ" – Tòa khẳng định.

Mặt khác, bản án của tòa cũng khẳng định: Công ty Sasco hợp đồng dịch vụ (21/4/2014) với Công ty Phát Lộc để "tư vấn cho bên A (Sasco) về đánh giá chất lượng chăm sóc vườn cây cao su trong năm 2013, thời hạn đến hết ngày 31/5/2014), chứ không phải giao cho Công ty TNHH MTV Phát Lộc (bên B) trực tiếp chăm sóc, quản lý, khai thác vườn cây cao su tại khoảnh 11, tiểu khu nói trên".

Một nông dân Bình Phước thắng kiện đòi vườn cao su, lật mặt doanh nghiệp phía sau - Ảnh 7.

Quang cảnh một phần vườn cao su đã được tòa án quyết định giao cho gia đình nông dân Trần Đức Lý tiếp tục quản lý, sử dụng và khai thác theo quy định luật pháp. Ảnh: Hoàng Hưng

Như vậy, mọi việc đã trở nên rõ ràng, Công ty TNHH MTV Phát Lộc chính là người đứng sau, thuê ông Ma Khánh Hoàng thực hiện quản lý, khai thác trái phép vườn cao su của nông dân Trần Đức Lý. Từ đây, ông Ma Khánh Hoàng xâm nhập phá hoại, cạo mủ trái phép cho Công ty Phát Lộc hưởng lợi...

Mặc dù 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều quyết định giao cho gia đình nông dân Trần Đức Lý tiếp tục quản lý, khai thác, sử dụng vườn cao su 4,3 ha.

Nhưng theo đánh giấ của luật sư, các thiệt hại trong suốt thời gian qua đối với gia đình ông Trần Đức Lý, không chỉ ông Ma Khánh Hoàng phải chịu trách nhiệm. Các cơ quan luật pháp cần xem xét trách nhiệm Công ty Phát Lộc liên đới trong việc bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của luật pháp cho gia đình nông dân Trần Đức Lý.