Một nông dân tỉnh Bình Phước thắng kiện, lấy lại vườn cao su bị chiếm đoạt suốt 5 năm qua

Hoàng Hưng Thứ tư, ngày 26/10/2022 18:01 PM (GMT+7)
Vợ chồng bà Đỗ Thị Lan – Trần Đức Lý (nông dân tại ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) vừa được Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú tuyên thắng kiện trong vụ kiện tranh chấp vườn cao su gây xôn xao dư luận ở tỉnh Bình Phước suốt 5 năm qua.
Bình luận 0

Nguồn tin từ Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đồng Phú cho biết, vụ tranh chấp đã được TAND huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đưa ra xét xử công khai. Hội đồng xét xử đã tuyên xử, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Đỗ Thị Lan và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Trần Đức Lý (chồng bà Lan).

TAND huyện Đồng Phú quyết định giao cho bà Lan – ông Lý quyền quản lý, sử dụng và khai thác mủ của 1.396 cây cao su, trồng năm 2009, thuộc vườn cao su rộng hơn 4,2 ha, tọa lạc tại ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi.

Vườn cao su bị chiếm đoạt 5 năm, kiện ra tòa, một nông dân tỉnh Bình Phước đã thắng kiện - Ảnh 1.

Vợ chồng nông dân Trần Đức Lý - Đỗ Thị Lan đã được TAND huyện Đồng Phú giao quản lý, sử dụng và khai thác 4,2ha vườn cao su, sau 5 năm bị chiếm đoạt. Ảnh: Hoàng Hưng

Vườn cao su nói trên thuộc khoảnh 11, tiểu khu 363 – Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung. Từ năm 2011, vợ chồng bà Lan đã ký hợp đồng liên doanh trồng cao su với ông Trần Tấn Minh – Giám đốc Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung. Thời hạn hợp đồng là 30 năm.

Tuy nhiên, vào năm 2017, ông Ma Khánh Hoàng đã dẫn một số người lạ xông vào vườn cao su của ông Lý – bà Lan, đập phá hàng ngàn tô chậu, kiềng, máng… Kế đó, nhóm ông Hoàng đã có hành vi bạo lực đe dọa tính mạng bà Lan và người nhà. Sau đó, nhóm ông Hoàng đã ngang nhiên khai thác mủ ngày đêm, từ đó cho đến nay…

Vườn cao su bị chiếm đoạt 5 năm, kiện ra tòa, một nông dân tỉnh Bình Phước đã thắng kiện - Ảnh 2.

Từ năm 2017, Ma Khánh Hoàng đã đưa người vô chiếm đoạt, khai thác trái phép vườn cao su 4,2ha do vợ chồng nông dân Trần Đức Lý đầu tư. Ảnh: Tư liệu T.Đ.L

Vợ chồng bà Lan đã gửi đơn cầu cứu tới chính quyền, Công an huyện Đồng Phú, mong được can thiệp, giúp đỡ. Mặc dù rất nhiều lần, cơ quan chức năng đã xuống lập biên bản; song, do việc xử lý không kiên quyết từ phía cơ quan chức năng, nên nhóm ông Ma Khánh Hoàng vẫn tiếp tục chiếm đoạt, tự tiện khai thác cao su của gia đình ông Lý trong suốt hơn 5 năm qua.

Theo ông Trần Đức Lý, tổng thiệt hại của vợ chồng ông, do bị nhóm ông Ma Khánh Hoàng chiếm đoạt vườn cao su là trên 245,5 triệu đồng. Tháng 1/2020, vợ chồng bà Lan đã khởi kiện ông Ma Khánh Hoàng ra TAND huyện Đồng Phú.

Theo hồ sơ tại TAND huyện Đồng Phú, Ma Khánh Hoàng đã khai nhận làm thuê cho Công ty TNHH MTV Phát Lộc. Hoàng chiếm cứ, khai thác vườn cao su là theo ủy quyền của ông Trần Tấn Minh (đã chết năm 2019). 

Mủ cao su khai thác được Hoàng giao cho Công ty Phát Lộc. Từ tháng 6/2020, ông Hoàng đã chấm dứt làm công cho Công ty Phát Lộc.

Vườn cao su bị chiếm đoạt 5 năm, kiện ra tòa, một nông dân tỉnh Bình Phước đã thắng kiện - Ảnh 4.

Dự án Sasco xảy ra nhiều sai phạm như chuyển nhượng đất dự án trái phép, phá rừng... Ảnh: Lý Trần

Trong khi đó, theo đại diện Công ty Phát Lộc: Vườn cao su của ông Lý – bà Lan nằm trong dự án của Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (viết tắt Sasco). Năm 2015, Phát Lộc hợp tác đầu tư với Sasco và được Sasco "ủy quyền" trong việc phát dọn, khai hoang, bỏ tiền bồi thường, hỗ trợ các hộ dân lấn chiếm trồng cao su trên đất…

Song, phát biểu tại tòa, đại diện Sasco là ông Huỳnh Thanh Thi khẳng định "không ủy quyền cho bất kỳ một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào thực hiện việc thu hồi và đền bù tài sản đối với 1.369 cây cao su trồng trên diện tích đất 43.006,6m2 nói trên".

Vườn cao su bị chiếm đoạt 5 năm, kiện ra tòa, một nông dân tỉnh Bình Phước đã thắng kiện - Ảnh 5.

Chuyển nhượng đất trồng cao su trái phép bằng giấy tay, tại dự án Sasco. Ảnh: Tư liệu

Vườn cao su bị chiếm đoạt 5 năm, kiện ra tòa, một nông dân tỉnh Bình Phước đã thắng kiện - Ảnh 6.

Một vụ chuyển nhượng đất bất hợp pháp tại dự án Sasco đã bị phát hiện. Ảnh: Tư liệu

Từ những lý do trên, TAND huyện Đồng Phú đã tuyên giao lại vườn cao su 4,2 ha cho vợ chồng bà Đỗ Thị Lan – Trần Đức Lý quản lý, sử dụng và khai thác mủ. Khi nào có quyết định thu hồi của cơ quan chức năng, bà Lan – ông Lý có nghĩa vụ giao trả vườn cao su theo quy định.

Tòa yêu cầu buộc ông Ma Khánh Hoàng chấm dứt hành vi hủy hoại tài sản là các dụng cụ khai thác cao su, mủ cao su thuộc vườn cao su trên. Ông Hoàng phải bồi thường 150 triệu đồng, do có hành vi làm thiệt hại tài sản của gia đình bà Lan - ông Lý.

Đồng thời, Hội đồng xét xử đã tuyên vô hiệu các giấy tờ, biên bản được lập trước đây giữa Công ty Phát Lộc với ông Trần Tấn Minh, do đã vô hiệu. Tòa cũng bác bỏ yêu cầu của Công ty Phát Lộc được có quyền lợi trên vườn cao su; bởi Sasco đã phủ nhận tại tòa, không hề có "ủy quyền" cho Công ty Phát Lộc.

Được biết ngoài lùm xùm từ vụ việc trên, từ năm 2012 đến nay, dự án "chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su" do Sasco làm chủ đầu tư đã mắc rất nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất và bảo vệ rừng (Báo Dân Việt có nhiều bài phản ánh trong năm 2020).

Hơn 10 năm qua, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo đã gửi tới Trung ương và các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước. 

Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra và đã có kết luận, chỉ đạo địa phương hướng xử lý, giải quyết. Tuy nhiên, đến nay, tranh chấp, khiếu nại tại dự án Sasco vẫn chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem