Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế được xem xét hưởng khoan hồng trong trường hợp nào?
Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế được xem xét hưởng khoan hồng trong trường hợp nào?
Quang Trung
Thứ tư, ngày 19/07/2023 06:28 AM (GMT+7)
Để bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế được hưởng khoan hồng, theo luật sư bị cáo cần khắc phục ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ và phối hợp tích cực với cơ quan chức năng. Ông Kiên là người duy nhất bị đề nghị án tử hình trong vụ chuyến bay giải cứu.
Gia đình cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nộp thêm 8 tỷ đồng khắc phục hậu quả
Sáng 18/7, tại phiên tòa xét xử đại án chuyến bay giải cứu, luật sư của bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) đưa ra những lập luận, trình bày thêm tình tiết giảm nhẹ để bào chữa cho thân chủ.
Trước tòa, luật sư của Kiên cho biết, sau khi bị cáo nhận thức được hành vi phạm tội, gia đình của ông Kiên đã rất tích cực khắc phục hậu quả.
Trước khi Viện KSND công bố bản luận tội, trong số hơn 42 tỷ đồng nhận hối lộ, ông Kiên đã chủ động trả lại các doanh nghiệp khoảng 12 tỷ đồng, ngoài ra, gia đình bị cáo nộp thêm 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Sáng nay, người nhà bị cáo đã đi nộp thêm 8 tỷ đồng để khắc phục cho hành vi của Kiên. Đồng thời, gia đình đã có đơn gửi HĐXX về căn hộ ở Khu đô thị Royal City (Hà Nội) thế chấp, mong muốn được phát mại để bồi thường.
Về tình tiết giảm nhẹ, luật sư cho biết, bị cáo Kiên có thái độ thành khẩn, nhận thức được hành vi phạm tội.
Người bào chữa cho cựu thư ký Thứ trưởng mong muốn HĐXX xem xét thêm tình tiết Kiên tự thú.
Trước đó, Viện KSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt tử hình đối với bị cáo Kiên về tội Nhận hối lộ.
Ông Kiên bị cáo buộc nhận hối lộ với số lần nhiều nhất, với số tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất trong số các bị cáo với 253 lần nhận hối lộ, tổng số tiền là hơn 42 tỷ đồng.
Theo VKS, ông Kiên bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội 2 lần trở lên và lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội.
Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế có thể thoát án tử trong trường hợp nào?
Sau thông tin này, nhiều bạn đọc thắc mắc, bị cáo Phạm Trung liệu có cơ hội được hưởng khoan hồng?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết: Điều 40 Bộ luật hình sự 2015 quy định, tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
Theo điểm c, khoản 3, Điều 40 Bộ luật hình sự 2015, có 3 trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình.
Trong đó có trường hợp người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Về việc nộp lại số tiền nhận hối lộ, nữ luật gia cho biết, theo Điều 51 Bộ luật hình sự 2015, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự gồm: Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm, người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả… Như vậy, việc nộp lại số tiền nhận hối lộ được xem là tình tiết giảm nhẹ.
Vì thế, trong vụ việc này, nếu bị cáo Phạm Trung Kiên bị kết án tử hình về tội nhận hối lộ nhưng tự nguyện nộp lại 3/4 tổng số tài sản nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, bị cáo có thể được xem xét hưởng khoan hồng.
Theo bà Thơ, đây là điểm mới của Bộ luật hình sự 2015, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật nước ta. Điều này cũng phần nào có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt. Vì mục tiêu cuối cùng trong việc xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng là thu hồi tối đa tài sản tham ô, hối lộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.