Theo Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), những năm gần đây do tiến trình đô thị hóa nhanh nên ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp.
Diện tích trồng lúa, cây ăn trái ngày càng thu hẹp, lực lượng lao động nông nghiệp cũng giảm đáng kể, đặc biệt ngành chăn nuôi gây ô nhiễm không còn phù hợp để thực hiện.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nông nghiệp đô thị là bước đi đúng đắn, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả mà không cần quỹ đất lớn là hướng đi mới cho nông dân.
Trong đó, mô hình nuôi lươn không bùn đang thể hiện ưu thế hơn so với những mô hình khác như: vốn đầu tư ban đầu vừa phải, kỹ thuật nuôi, khâu chăm sóc không phức tạp, ngoài ra có sự hỗ trợ của ngành chức năng nên việc chăn nuôi, chăm sóc lươn được thuận lợi, mang lại hiệu quả kinh tế khá cho người nuôi.
Thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn được 4 năm, chú Đặng Văn Hớn (Khóm 1, phường 8, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) cho hay: “Tôi nuôi xuất bán được 4 đợt, hiện đợt này tôi đang nuôi 18.000 con, cũng đã sắp bán.
Vợ chồng tôi được hỗ trợ con giống, được hướng dẫn kỹ thuật nuôi, đồng thời tôi cũng học hỏi thêm kinh nghiệm nên lươn nuôi đạt hiệu quả, năng suất cao.
Với giá lươn hiện tại 120.000 đ/kg, tuy có giảm hơn so với trước nhưng tôi cũng còn lời khá. Năm sau tôi sẽ nâng lên nuôi 20.000 con”.
Mô hình nuôi lươn không bùn ở đô thị tại tỉnh Vĩnh Long đem lại lợi ích về kinh tế, môi trường cho nông dân.
Cũng tham gia mô hình nuôi lươn từ năm 2019, chú Lâm Ngọc Sơn (khóm 3, phường 8, TP Vĩnh Long) chia sẻ: “5 năm trước, nhu cầu phát triển về chăn nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng công nghệ cao không gây ô nhiễm môi trường là hướng đi mới cho người nông dân sống ở đô thị, mà nổi bật nhất là mô hình nuôi lươn không bùn.
Do đó, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân Phường 8 và của Trạm Khuyến nông, tôi tận dụng 50m2 đất trống, chuyển sang xây dựng chuồng trại nuôi lươn không bùn lấy thịt.
Ban đầu nuôi 2.000 con, sau đó phát triển lên 5 chuồng nuôi với 13.000 con, sau mỗi vụ lươn từ 9-10 tháng, năng suất khoảng 1,4-1,5 tấn/10.000 con lươn, trừ chi phí tôi còn lãi trên 60-80 triệu đồng/vụ, giúp cho cuộc sống gia đình ổn định hơn”.
Ngoài việc tham gia sản xuất kinh doanh chú Sơn còn đảm nhiệm Chi hội trưởng Chi Hội Nông dân Khóm 3, luôn tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên có nhu cầu nuôi lươn, qua đó tạo thêm việc làm cho những lao động nhàn rỗi để tăng thêm thu nhập.
Theo anh Huỳnh Trần Tấn Vinh- Chủ tịch Hội Nông dân phường 8 (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), mô hình nuôi lươn đã giúp cho nông dân có thêm thu nhập, đời sống được nâng lên, các hộ tham gia đều có bước phát triển tốt có hộ đã hoàn vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.
Giúp giải quyết việc làm ổn định vươn lên khá, giàu bền vững, không gây ô nhiễm, thân thiện với môi trường.
Phường 8 sắp tới sẽ thành lập chi hội nuôi lươn không bùn công nghệ cao, nhằm giúp người dân chuyển dần mô hình sản xuất chăn nuôi riêng lẻ, sang liên kết sản xuất, tổ viên có thể tương trợ cho nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất chăn nuôi.
Theo đó, Tổ nuôi lươn thành lập đã giúp cho nông dân, lao động nhàn rỗi của địa phương khi có nhu cầu nuôi lươn thì tổ sẽ giới thiệu điểm có con giống chất lượng và hỗ trợ về kỹ thuật nuôi lươn không bùn.
Ngoài ra tổ nuôi lươn còn được ngân hàng chính sách xã hội, quỹ hỗ trợ nông dân cho vay vốn để nhân rộng mô hình và được phòng kinh tế, trạm khuyến nông giới thiệu các cơ sở thu mua, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.
Để lươn sinh trưởng, phát triển tốt, theo chú Sơn, bên cạnh việc chọn con lươn giống chất lượng, trước tiên khi làm bể nuôi phải đảm bảo yếu tố thoáng mát. Lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể, vì vậy hàng ngày phải thay nước sạch 2 lần/ngày.
Nuôi lươn không tốn nhiều thời gian, mỗi ngày chỉ bỏ ra khoảng 2 tiếng cho lươn ăn và thay nước. Đồng thời, làm đúng theo quy trình nuôi, cho lươn ăn đúng liều lượng, cộng thêm men tiêu hóa để tăng sức đề kháng, chăm sóc tốt thì lươn sẽ đạt năng suất cao.
“Tôi nuôi lươn trực tiếp bằng nước máy, tuy có tốn chi phí tiền nước hơn so với những hộ nuôi bằng nước sông, nhưng bù lại giảm được chi phí xử lý nước, đầu tư hệ thống lắng lọc, nên lươn ít bị hao hụt.
Đồng thời, ít sử dụng kháng sinh, nuôi theo quy trình sản xuất sạch, không chỉ lươn đạt chất lượng an toàn mà màu lươn cũng đẹp hơn, bán được giá hơn”- chú Sơn cho biết thêm.
“Thời điểm này tuy giá lươn có giảm hơn trước nhưng phường cũng vận động người nuôi tiếp tục duy trì mô hình, trong giai đoạn tới cần phát triển theo hướng sản xuất an toàn thực phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm; chủ động phối hợp với các ngành có liên quan hỗ trợ người nuôi tìm liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, khuyến cáo người nuôi đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng lươn thịt. Từ đó giúp cho hội viên, nông dân tăng thêm thu nhập, nhằm phát huy lợi thế của địa phương”- anh Vinh cho biết thêm.
Theo Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, để nâng cao hiệu quả nuôi lươn không bùn cho nông dân, phòng cũng đã kết hợp với UBND phường 8, phường Tân Hòa và phường Tân Hội tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lươn không bùn cho các hộ nông dân trong và ngoài mô hình.
Đồng thời, Phòng đã phối hợp với cơ sở sản xuất lươn giống, hộ kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm, thức ăn thủy sản giao lươn giống là 35.000 con/10 hộ và thức ăn thủy sản là 1.650 kg/10 hộ cho 10 nông dân đăng ký tham gia mô hình nuôi lươn không bùn với tổng số tiền Nhà nước hỗ trợ trên 166 triệu đồng.