Thôn nữ quê Hải Dương là tướng tài của Lý Bí, từ chối làm Vương phi trở về làng, bà là ai?
Thôn nữ quê Hải Dương là nữ tướng của Lý Bí, từ chối làm Vương phi trở về làng, bà là ai?
Thứ tư, ngày 19/07/2023 14:36 PM (GMT+7)
Năm 544, Lý Bí lên ngôi tự xưng là Nam Việt Đế, lấy niên hiệu là Thiên Đức, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân. Sau khi lên ngôi, vua nhớ đến người con gái xinh đẹp, tài giỏi Phạm Thị Toàn (quê Hải Dương) nên cho người đón nàng vào cung lập làm vương phi...
Lý Nam Đế húy là Lý Bí hoặc Lý Bôn, là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lý và nước Vạn Xuân. Lý Bí sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17-10-503).
Từ nhỏ, Lý Bí đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, sớm hiểu biết. Khi Lý Bí 5 tuổi thì cha mất; 7 tuổi thì mẹ qua đời. Ông đến ở với chú ruột. Một hôm, có vị Pháp tổ thiền sư đi qua, trông thấy Lý Bí khôi ngô, tuấn tú liền xin Lý Bí đem về chùa nuôi dạy.
Sau hơn 10 năm rèn sách chuyên cần, Lý Bí trở thành người học rộng, hiểu sâu. Nhờ có tài văn võ kiêm toàn, Lý Bí được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương.
Ngày ấy, Thứ sử Giao Châu là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư hà khắc tàn bạo nên mất lòng người. Do bất bình với các quan lại đô hộ tàn ác, Lý Bí bỏ quan, về quê chiêu binh mãi mã chống lại chính quyền đô hộ.
Được nhiều người hưởng ứng, lực lượng của Lý Bí lớn mạnh. Tù trưởng ở Chu Diên (Hải Dương) là Triệu Túc cùng con trai là Triệu Quang Phục phục tài đức Lý Bí nên đã đem quân nhập với đạo quân của ông.
Tinh Thiều, một người giỏi từ chương, từng đến kinh đô nhà Lương xin được chọn làm quan, nhưng chỉ cho chức “gác cổng thành” nên bỏ về Giao Châu theo Lý Bí.
Lý Bí liên kết với các châu lân cận cùng chống lại Tiêu Tư. Cuối năm 541, Lý Bí chính thức khởi binh chống nhà Lương, khí thế rất mạnh.
Theo sách “Lương thư” của Trung Quốc, Tiêu Tư liệu thế không chống nổi quân Lý Bí, phải sai người mang của cải đến đút lót Lý Bí để được tha chạy thoát về Quảng Châu. Quân của Lý Bí đánh chiếm lấy thành Long Biên.
Tuy Tiêu Tư đã bỏ chạy nhưng Lý Bí mới kiểm soát được vùng Bắc bộ Việt Nam hiện nay, các châu phía Nam vẫn trong tay nhà Lương.
Minh họa: S.H
Tháng 4-542, Lương Vũ Đế sai Thứ sử Việt châu là Trần Hầu, Thứ sử La châu là Ninh Cự, Thứ sử An châu là Úy Trí, Thứ sử Ái châu là Nguyễn Hán cùng hợp binh đánh Lý Bí. Nhưng Lý Bí đã chủ động ra quân đánh trước, phá tan lực lượng quân Lương ở phía Nam, làm chủ toàn bộ Giao Châu.
Cuối năm 542, Lương Vũ Đế lại sai Thứ sử Giao Châu là Tôn Quýnh, Thứ sử Tân Châu là Lư Tử Hùng sang đàn áp. Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng sợ thế mạnh của Lý Bí nên không dám tiến quân, xin khất tới mùa thu năm sau.
Thứ sử Quảng Châu là Hoán không cho, Tiêu Tư cũng thúc giục, nên Quýnh và Hùng buộc phải tiến quân. Được tin quân Lương lại tiến sang, Lý Bí chủ động mang quân ra đón đánh. Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng đi đến Hợp Phố thì bị quân Lý Bí đánh bại, 10 phần chết đến 6-7 phần. Chiến thắng này giúp Lý Bí kiểm soát toàn bộ Giao Châu.
Vào thời giặc Lương đô hộ nước Việt, ở trang Vân Lộng (nay thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) có ông Phạm Lương là người chí khí. Vợ mất sớm, một mình ông nuôi con gái Phạm Thị Toàn trở thành người tài sắc và luôn nhắc nhở con về nỗi đau mất nước.
Năm 541, khi nghe tin Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa ở Thái Bình, cha con ông đã bán nhà cửa, tài sản để tham gia cùng nghĩa quân. Với thanh thế rất lớn, chỉ trong vòng 3 tháng, quân Lý Bí đã đánh tan giặc Lương, khiến chúng phải bỏ chạy.
Trong các cuộc chiến, Phạm Thị Toàn tuy là nữ nhi nhưng đã chứng tỏ được sự dũng cảm phi thường và trở thành nữ tướng nổi danh, được quân dân kính nể và kẻ thù khiếp sợ. Sau khi đất nước giành được quyền tự chủ, đến năm 542, Phạm Thị Toàn lại tham gia đánh tan âm mưu tái lập ách đô hộ của giặc Lương khi chúng kéo quân qua biên giới và đến năm 543 theo lão tướng Phạm Tu đánh tan quân Lâm Ấp ở phía Nam.
Các chiến tích của Phạm Thị Toàn đã góp phần ổn định tình hình đất nước. Năm 544, Lý Bí lên ngôi tự xưng là Nam Việt Đế, lấy niên hiệu là Thiên Đức và đặt quốc hiệu là Vạn Xuân. Sau khi lên ngôi, vua nhớ đến người con gái xinh đẹp và tài giỏi Phạm Thị Toàn nên cho người đón nàng vào cung lập làm vương phi.
Nhưng Phạm Thị Toàn đã từ chối và ngỏ ý muốn được về quê hương chăm sóc mộ phần cha mẹ, vui thú ruộng vườn và nghe câu kinh tiếng kệ. Biết rằng không thể lay chuyển ý định của người phụ nữ có ý chí thép, Lý Nam Đế đã chấp thuận nguyện vọng của Phạm Thị Toàn.
Từ đó, nàng ở lại quê nhà, trang Vân Lộng (nay thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) lập chùa tịnh tu cho đến khi mất. Sau khi Phạm Thị Toàn qua đời, người dân đã lập đền thờ tôn bà làm thành hoàng.
Lời bàn:
Người xưa vẫn thường nói: Gái ham tài, trai ham sắc. Chữ “tài” ở đây còn bao hàm cả địa vị, quyền uy và giàu sang, phú quý. Và dưới thời phong kiến, được trở thành hoàng hậu, bậc mẫu nghi thiên hạ là ước mơ của mọi cô gái, dù là khuê nữ con nhà quyền quý hay thôn nữ con nhà thường dân.
Thế nhưng cũng vào thời ấy, có người con gái thôn quê Phạm Thị Toàn đã dũng cảm từ chối cuộc sống hào hoa nơi hoàng cung. Câu chuyện này chứng minh một điều: Dù có là hoàng đế với quyền lực đầy mình nhưng không hẳn lúc nào cũng giành được trái tim người đẹp.
Tiếc rằng hậu thế thời nay không có mấy ai làm được như người xưa. Và dường như thiếu nữ thời nay đều có chung quan niệm, dù là hoàng tử ở cổ tích hay soái ca ở thời hiện đại, đều yêu bằng mắt, sau mới cảm nhận bằng tim.
Vậy nên thay vì đợi người khác coi mình là công chúa, họ tự biến bản thân thành một bà hoàng. Bởi thế mới có chuyện không ít thiếu nữ học hành thì chẳng bằng ai nhưng được trời phú cho chút nhan sắc, vóc dáng hợp thời thì họ đã trở thành kẻ giàu “nứt đố đổ vách”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.