Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London nối tiếp đà tăng hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 46 USD, lên 2.648 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng thêm 33 USD, lên 2.474 USD/ tấn, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York có phiên thứ ba tăng liên tiếp. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 1,15 cent, lên 163,00 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng thêm 1,75 cent, lên 163,30 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng 600-700 đồng, lên dao động trong khung 66.800 - 67.500 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 66.800 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai 67.200 đồng/kg, tăng 700 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 67.300 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 67.500 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát, sau khi tăng 600 đồng/kg.
Giá cà phê hai sàn tiếp tục hồi phục phiên đầu tuần. Tỷ giá đồng Reais tiếp tục mạnh lên, tăng thêm 1% lên ở mức 1 USD = 4,7330 R$, mức cao 13,5 tháng, mở đường cho Copom – Brazil mạnh tay cắt giảm 0,5% lãi suất tại phiên họp sắp tới.
Trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi động thái tăng lãi suất USD thêm 0,25% kỳ này và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nên phát tín hiệu có thể kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ này, sau báo cáo chỉ số PMI tổng hợp Mỹ yếu hơn đã thúc đẩy lạm phát giảm.
Tương tự là việc xem xét lãi suất đồng Euro của ECB sau khi BoE thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát trong việc tăng lãi suất đồng Bảng lên ở mức 5%/năm. Đồng Reais mạnh lên đã hỗ trợ giá cà phê do Brazil là nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Theo ước tính của Công ty Phân tích – Tư vấn Safras & Mercados, đã có khoảng 83% vụ cà phê Robusta đã được thu hoạch, cùng mức với năm ngoái và thấp hơn mức trung bình 5 năm là 89%. Trong khi đó, vụ thu hoạch cà phê Arabica đạt 58%, tăng nhẹ so với mức 57% cùng thời điểm năm 2022, nhưng thấp hơn mức trung bình 5 năm là 63%. Tuy đã có vài ngày mưa hôm đầu tháng nhưng các hoạt động thu hái đã sớm trở lại bình thường.
Hiện tượng cà phê ra hoa vào thời điểm thu hoạch hoặc mới thu hoạch xong là điều đã xảy ra trong nhiều năm gần đây. Hiện tượng này gây nhiều bất lợi cho sản xuất cà phê, nhất là ảnh hưởng đến năng suất vụ sau, nên cần áp dụng biện pháp kỹ thuật để xử lý hiệu quả.
Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, tình trạng cà phê ra hoa bất thường là do thay đổi nhiệt độ, không khí đột ngột. Thời điểm thu hoạch cà phê thường là mùa khô, nên khi có mưa hoặc nhiệt độ xuống thấp sẽ kích thích cà phê ra hoa.
Những năm gần đây, lượng mưa phân bố trong các mùa có nhiều thay đổi. Điều này làm cho cà phê và một số cây trồng khác thay đổi sinh lý, dẫn đến ra hoa bất thường.
Về giải pháp xử lý, khi hoa cà phê nở bất thường với tỷ lệ cao thì cần tưới nước để dưỡng cây, giúp hoa thụ phấn tốt, bảo đảm năng suất không bị sụt giảm vào vụ sau.
Nhà nông cần theo dõi tình trạng cà phê ra hoa bất thường và diễn biến của thời tiết.
Trong đó, bà con chú ý tạm dừng thu hoạch trước và sau khi cà phê nở hoa khoảng 3 ngày để tránh gây rụng hoa, làm hỏng các mắt mầm trên cành, dẫn đến đợt ra hoa tiếp theo không đạt.
Việc tạm dừng thu hoạch sẽ giúp cho hoa cà phê thụ phấn đầy đủ, tạo khả năng đậu quả cao. Sau đó, bà con có thể tiếp tục thu hoạch, nhưng cần có biện pháp bảo vệ hoa cho cà phê, tránh những tác động thô bạo, gây tổn hại đối với những cành đã ra hoa.