Giá cà phê hôm nay 21/7: Vừa tăng vọt hôm trước giá cà phê lại cắm đầu, điều gì đang xảy ra?
Giá cà phê hôm nay 21/7: Vừa tăng vọt hôm trước giá cà phê lại "cắm đầu", điều gì đang xảy ra?
Nguyễn Phương
Thứ sáu, ngày 21/07/2023 11:31 AM (GMT+7)
Giá cà phê hôm nay 21/7: Giá cà phê hôm nay tại thị trường trong nước cũng giảm 1.200 đồng/kg. Theo đó, mức giao dịch cao nhất là 65.700 đồng/kg, được ghi nhận tại tỉnh Đắk Nông. Vừa tăng vọt hôm trước giá cà phê lại "cắm đầu", điều gì đang xảy ra?
Giá cà phê hôm nay 21/7: Robusta quay đầu sụt giảm, cà phê trong nước mất 1.200 đồng/kg
Hoạt động kinh doanh của các quỹ và đầu cơ trên hai sàn cà phê phái sinh đã duy trì xu hướng trái chiều. Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 68 USD, xuống 2.536 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm 46 USD, còn 2.392 USD/ tấn, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 2,55 cent, lên 158,05 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng 2,45 cent, lên 158,30 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay giảm 1.200 đồng, xuống dao động trong khung 64.900 - 65.700 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 64.900 đồng/kg. Tiếp đó là tỉnh Gia Lai 65.300 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua cà phê là 65.500 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch cà phê là 65.700 đồng/kg. Đây cũng là mức giao dịch cao nhất trong các địa phương được ghi nhận.
Giá cà phê hai sàn duy trì xu hướng trái chiều nhưng ngược lại với phiên hôm qua. Trong khi giá cà phê Arabica ở New York đã làm được những gì mà các quỹ và đầu cơ cần phải làm tức đẩy giá lên; giá cà phê Robusta tại London lại "đánh rơi" tất cả công sức của phiên trước đó, quay đầu sụt giảm. Báo cáo tồn kho ICE – London hôm qua ngày 20/7 đã giảm thêm 20 tấn xuống ở mức 52.730 tấn, đà giảm có dấu hiệu chững lại.
Vừa tăng vọt hôm trước giá cà phê lại "cắm đầu", điều gì đang xảy ra?
Bên cạnh việc kinh doanh qua lại giữa hai sàn để tìm kiếm lợi nhuận qua giá chênh lệch, giới đầu cơ hàng hóa phái sinh cũng rất quan tâm đến giá trị của các tiền tệ mạnh và các yếu tố cung – cầu cơ bản để hiệu chỉnh dòng vốn đầu cơ một cách hiệu quả hơn. Giá cà phê tăng giảm thất thường không ngoài sự quan tâm đó.
Yêu cầu trợ cấp thất nghiệp của Mỹ bất ngờ sụt giảm so với dự kiến cũng dấy lên lo ngại về khả năng phục hồi của thị trường lao động, với việc Fed có thể thực hiện các đợt tăng lãi suất mới, giới chuyên gia kinh tế nhận định.
Đồng Reais giảm 0,33%, đưa tỷ giá xuống ở mức 1 USD = 4,8020 R$ đã hỗ trợ giá cả nông sản xuất khẩu thế mạnh của Brazil lấy lại ít nhiều giá trị trong ngày. Vụ đánh bom của Nga vào các cảng ngũ cốc ở Ukraine cũng khiến hàng hóa nông sản trở nên đắt đỏ hơn.
Bờ Biển Ngà báo cáo tạm thời xuất khẩu cà phê trong tháng 6 chỉ đạt 11.467 bao, giảm tới 88,52% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lũy kế xuất khẩu cà phê trong 9 tháng đầu niên vụ hiện tại 2022/2023 đã đạt tổng cộng 510.467 bao, tăng 130.150 bao, tức tăng 34,22% so với cùng kỳ niên vụ trước. Dự kiến sản lượng trung bình trong niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 từ quốc gia sản xuất cà phê Robusta này sẽ đạt 1,05 triệu bao, thấp hơn 6,67% so với niên vụ cà phê 2021/2022 trước đó.
Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Indonesia (AEKI) cũng dự kiến, sản lượng cà phê của nước này sẽ giảm tới 20% trong năm 2023 so với vụ trước, xuống còn 9,6 triệu bao do thời tiết mưa nhiều tại các khu vực trồng trọt chính. Indonesia hiện là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ ba thế giới. Ngoài ra, hiện tượng thời tiết El Nino, dự kiến sẽ phát triển trên toàn cầu vào nửa cuối năm nay cũng gây rủi ro cho cà phê Robusta nhiều hơn so với Arabica.
Báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 7 của nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới chỉ đạt 31.607 tấn (khoảng 526.783 bao), đưa xuất khẩu cà phê 6,5 tháng đầu năm lên đạt tổng cộng 1.037.866 tấn, giảm 3,64% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, thị trường tiêu dùng ngày càng sử dụng Robusta nhiều hơn để phối trộn rang xay nhằm hạ giá thành sản xuất trong khi lạm phát toàn cầu vẫn còn ở mức cao.
Quản lý dinh dưỡng cho cây cà phê như thế nào?
Ở Tây Nguyên, cây cà phê được đầu tư thâm canh cao và nhiều nông hộ cũng đã có những kinh nghiệm nhất định trong kỹ thuật chăm bón cây cà phê để đạt được năng suất rất cao.
Một trong các biện pháp kỹ thuật đẩy mạnh năng suất cây trồng là bón phân cân đối và hợp lý.
Trong giai đoạn hiện nay, khi mà phần lớn diện tích cà phê đã được khai thác trên 20 năm, giá cả phân bón càng ngày càng tăng cao thì người nông dân cần phải nắm vững hơn nữa yêu cầu dinh dưỡng của cây cà phê để bón phân cân đối hợp lý, từ đó tăng hiệu quả sử dụng phân bón.
Các kết quả điều tra trong sản xuất cà phê hiện nay ở vùng Tây Nguyên cho thấy vẫn còn một bộ phận không ít các nông hộ trồng cà phê bón phân chưa hợp lý mấy. Điều này thể hiện ở việc sử dụng phân khoáng với liều lượng cao mà chưa chú trọng lắm đến việc bồi dưỡng hữu cơ và cung cấp thêm các yếu tố dinh dưỡng trung vi lượng cho vườn cà phê.
Ở đây Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chỉ xin giới thiệu với bà con việc bón kết hợp hóa học và hữu cơ cho cây cà phê.
Phân hữu cơ có những đặc tính mà phân hóa học không thể có được, khi bón vào đất ngoài tác dụng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, phân hữu cơ còn cải tạo được lý hóa tính, sinh tính đất tức là cải thiện môi trường đất. Bón phân hữu cơ còn có tác dụng làm tăng hiệu quả sử dụng của phân hóa học.
Trong các loại phân hữu cơ thì phân chuồng là loại phân lý tưởng nhất cho cà phê và đặc biệt rất cần thiết khi trồng mới. Với diện tích cà phê hiện nay, nếu chỉ dựa vào phân chuồng thì không thể đáp ứng đủ nhu cầu, do vậy cần sử dụng tốt các nguồn phân hữu cơ khác.
Phân xanh, cỏ rác, cành lá mục trên lô là nguồn hữu cơ tại chỗ. Phân rác, phân than bùn, vỏ quả cà phê đã qua chế biến thành các loại phân hữu cơ sinh học, sinh hóa hữu cơ…. đều là các nguồn phân hữu cơ tốt để bón cho vườn cà phê.
Trên thực tế hiện nay, ngoài phân hữu cơ nêu trên, người nông dân ưa sử dụng phân NPK hỗn hợp hơn phân đơn. Phân NPK hỗn hợp được coi là tiến bộ lớn trong ngành sản xuất phân bón. Phân NPK hỗn hợp có ưu điểm hơn phân đơn ở chỗ dễ sử dụng, khỏi mất công phối trộn.
Ngày nay công nghệ sản xuất NPK phát triển mạnh và đã sản xuất ra các loại phân chuyên dùng cho một số các loại cây trồng, phục vụ tốt cho bà con nông dân.
Trên thị trường có nhiều loại phân hỗn hợp chuyên dùng cho cà phê. Công thức các loại phân bón này khác nhau để phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây cà phê.
Người nông dân cần phải biết lựa chọn đúng công thức phân bón phù hợp với các thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây để đáp ứng đúng nhu cầu dinh dưỡng của từng thời kỳ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.