Giá cà phê hôm nay 22/7: Cà phê trong nước bất ngờ tăng vọt trở lại
Giá cà phê hôm nay 22/7: Cà phê trong nước bất ngờ tăng vọt trở lại
Nguyễn Phương
Thứ bảy, ngày 22/07/2023 14:47 PM (GMT+7)
Giá cà phê hôm nay 22/7: Đầu cơ trên các thị trường có dấu hiệu tăng mua (sau suy đoán các quyết định chính sách tiền tệ sắp tới của Fed và ECB) khiến giá cà phê hai sàn cùng tăng. Trong nước, giá cà phê hôm nay cũng bất ngờ tăng vọt trở lại từ 1.200 - 1.300 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 66 USD, lên 2.602 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng 49 USD, lên 2.441 USD/ tấn, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 3,80 cent, lên 161,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng thêm 3,25 cent, lên 161,55 cent/lb, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 1.200 – 1.300 đồng, lên dao động trong khung 66.200 - 66.900 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 66.200 đồng/kg, tăng 1.300 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai 66.500 đồng/kg sau khi tăng 1.200 đồng/kg.
Cùng thời điểm, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 66.700 đồng/kg, tăng 1.200 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 66.900 đồng/kg, tăng 1.200 đồng/kg. Đây cũng là mức giao dịch cao nhất trong các địa phương được ghi nhận.
Giá cà phê hai sàn tăng hồi phục rất đáng kể phiên cuối tuần. Trong khi giá cà phê Arabica ở New York tiếp nối đà tăng sau báo cáo tỷ giá đồng Reais (Brazil) tiếp tục mạnh lên đã ngăn cản việc bán cà phê xuất khẩu và báo cáo tồn kho ICE giảm xuống ở mức 0 bao.
Tương tự, giá cà phê Robusta hồi phục trở lại sau phiên đảo chiều sụt giảm trước đó do vẫn còn nguyên mối lo thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn và báo cáo tồn kho ICE vẫn đứng ở mức thấp kể từ năm 2016 mà chưa ghi nhận có sự cải thiện nào đáng kể.
Thị trường đáng ghi nhận nhất là chỉ số Dow Jones có phiên tăng điểm thứ 10 liên tiếp, lặp lại mức cao lịch sử của năm 2017, đã tác động tích cực lên hầu hết các thị trường hàng hóa và chứng khoán nói chung.
Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) dự báo niên vụ 2022-2023, sản lượng cà phê Arabica toàn cầu dự kiến tăng 4,6% lên 98,6 triệu bao. Sản lượng Robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao.
Mưa lớn đã khiến sản lượng của Colombia giảm 21% vào tháng 5, trong khi nguồn cung của Brazil tương đối eo hẹp sau hai năm liên tiếp thu hoạch dưới mức trung bình, đặc biệt là niên vụ 2022-2023 bị ảnh hưởng bởi sương giá và hạn hán.
Còn với Peru, thời tiết bất lợi và tình hình chính trị bất ổn tại các khu vực sản xuất chính đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung xuất khẩu. Bên cạnh đó, năm ngoái, lượng xuất khẩu cà phê của nước này cao đột biến dẫn đến tồn kho gối sang vụ hiện tại không còn nhiều.
ICO ước tính nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 vào khoảng 171,3 triệu bao trong khi tiêu thụ ở mức 178,5 triệu bao, với dự báo này thị trường cà phê thế giới có thể thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ hiện tại.
Niên vụ 2022-2023, sản lượng cà phê Arabica toàn cầu dự kiến tăng 4,6% lên 98,6 triệu bao. Sản lượng Robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2022 - 2023 giảm 2,7 triệu bao xuống 170 triệu bao. Trong đó, sản lượng từ Colombia giảm 1,3 triệu bao xuống 11,3 triệu bao do mưa nhiều, gây ảnh hưởng đến năng suất.
Sản lượng của Honduras giảm 600.000 bao xuống còn 5,4 triệu bao do bệnh rỉ sắt trên cây cà phê gây ảnh hưởng đến sản lượng.
Còn tại Indonesia, Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Indonesia (AEKI) dự kiến sản lượng cà phê của nước này sẽ giảm tới 20% trong năm 2023 so với vụ trước, xuống còn 9,6 triệu bao do thời tiết mưa nhiều tại các khu vực trồng trọt chính. Indonesia hiện là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ ba thế giới. Ngoài ra, hiện tượng thời tiết El Nino, dự kiến sẽ phát triển trên toàn cầu vào nửa cuối năm nay cũng gây rủi ro cho cà phê Robusta nhiều hơn so với Arabica.
Hiện tượng thời tiết này sẽ làm gián đoạn mô hình mưa và nhiệt độ, có thể gây thắt chặt thêm nguồn cung và tăng giá cà phê Robusta. Các nhà phân tích và chuyên gia thời tiết cho biết, hai quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới là Việt Nam và Brazil có thể bị thiệt hại về năng suất nếu hiện tượng El Nino phát triển mạnh.
Tồn kho cà phê thế giới niên vụ 2022 - 2023 được USDA dự báo giảm 2,5 triệu bao xuống 31,6 triệu bao.
Bón phân cho cà phê mùa mưa ở Tây Nguyên thế nào để đem lại hiệu quả cao?
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các vùng trồng cà phê vối trọng điểm ở nước ta có hai mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa. Mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5), cây cà phê ra hoa đậu quả khi được tưới nước. Mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11), cây nuôi quả cho đến khi thu hoạch và phát triển bộ cành dự trữ cho năm sau.
Mùa mưa, cây sử dụng dinh dưỡng với khối lượng lớn nên khoảng 70% tổng lượng phân bón vô cơ cho cả năm được bón trong mùa mưa. Lượng phân còn lại được bón trong mùa khô kèm theo tưới nước.
Vào đầu mùa mưa, quả cà phê tăng nhanh về thể tích. Ở giai đoạn này nếu thiếu nước các khoang chứa hạt trong quả (là vỏ thóc cà phê sau này) sẽ không phát triển được làm cho hạt cà phê (nhân cà phê) hình thành ở giai đoạn sau có kích thước bé. Chính vì vậy ở Tây Nguyên năm nào bị hạn hán vào khoảng tháng 5 - 6 đầu mùa mưa năm đó cà phê nhân có kích thước nhỏ hơn các năm có mưa đều, sản lượng vì vậy cũng bị giảm.
Kế tiếp là giai đoạn tích lũy chất khô và hình thành hạt. Vào khoảng 6 đến 8 tháng sau khi hoa nở, tức là vào khoảng giữa mùa mưa ở Tây Nguyên. Giai đoạn này nếu thiếu dinh dưỡng, đặc biệt đối với các vườn năng suất cao sẽ dễ dẫn đến trình trạng cây bị kiệt sức gây nên hiện tượng khô cành, khô quả.
Từ tháng thứ 8 tới tháng thứ 10 sau khi hoa nở là giai đoạn quả chín, cũng là lúc cuối mùa mưa và bắt đầu bước vào mùa khô ở Tây Nguyên. Lúc này hạt đã hóa cứng, quả già và chín. Sự vận chuyển dinh dưỡng từ các bộ phận của cây về quả già chậm lại và sự hút dinh dưỡng từ đất cũng hạn chế. Vì vậy việc bón phân cho cà phê đợt cuối trong mùa mưa nên kết thúc vào khoảng cuối tháng 9 và trong tuần đầu tháng 10 dương lịch hàng năm.
Ngày nay phân NPK hỗn hợp được nông dân ưa dùng vì tiện lợi và còn bổ sung được các chất vi lượng cần thiết như kẽm, bo, đồng… cho cây mà trong các loại phân đơn không có. Bón phân có tỷ lệ N/P/K thích hợp với từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây trong mùa mưa sẽ tăng cao hiệu quả sử dụng phân bón.
Nếu dùng phân NPK hỗn hợp vào đầu mùa mưa nên chọn các loại phân có tỷ lệ đạm và lân cao hơn kali vì lúc này quả cà phê chỉ mới tăng nhanh về thể tích, cành lá cây cà phê cũng phát triển rất mạnh. Đến đợt bón phân giữa mùa mưa và cuối mùa mưa, lúc quả vào chắc và già hạt, thì các công thức phân bón NPK có tỷ lệ kali bằng đạm hay cao hơn đạm sẽ phù hợp hơn.
Về lượng phân bón, căn cứ vào tiềm năng năng suất của vườn để định được lượng phân bón hợp lý. Nếu vườn cây có khả năng đạt năng suất rất cao nhưng không được cung cấp đủ phân bón cây không đủ sức vừa nuôi quả vừa phát triển bộ cành dự trữ trong mùa mưa, dễ bị khô cành, khô quả sau khi thu hoạch. Tuy vậy vườn cà phê mà năng suất không cao do giống không tốt, do cây già cỗi... đầu tư phân bón nhiều cũng không mang lại hiệu quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.